Bài 2: Cần một lời giải từ địa phương, doanh nghiệp
ThienNhien.Net – Tại Quyết định 3788/2009/QĐ- UBND, ngày 23-10-2009 về việc quy định “Chính sách hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn” quy định hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm cho người lao động khi có đất sản xuất bị thu hồi. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cam kết sẽ tuyển dụng lao động địa phương. Vậy các địa phương sau khi chuyển đổi đất nông nghiệp có đưa nghề tạo việc làm cho nông dân và doanh nghiệp có tham gia tuyển dụng lao động vào làm tại doanh nghiệp như cam kết?
Tĩnh Gia là một trong những địa phương có diện tích đất nông nghiệp chuyển đổi phục vụ dự án Khu kinh tế Nghi Sơn tương đối lớn với 2.700 ha. Sau khi bàn giao đất nông nghiệp có 11.829 hộ bị ảnh hưởng bởi dự án, tương đương với gần 30 ngàn lao động có nhu cầu được giải quyết việc làm. Thế nhưng đến thời điểm này, số lao động trong độ tuổi được doanh nghiệp trong Khu kinh tế tuyển dụng chỉ dừng ở con số 5.191 lao động. Do vậy, giải quyết việc làm, cải thiện thu nhập cho số lao động có đất nông nghiệp “nhường” cho dự án đang là vấn đề bức thiết của địa phương.
Theo quan sát của chúng tôi, tại những xã “nhường” đất cho dự án, hiện tại vẫn chưa có địa phương nào có nghề. Lý giải về tình trạng này, ông Lê Công Xanh- Chủ tịch UBND xã Nguyên Bình cho biết: Xã cũng đã từng đưa nghề thêu ren, thu hút được chị em phụ nữ tham gia học nghề, song do ngày công không đảm bảo, hơn nữa nghề thêu ren không phù hợp đối với chị em ở độ tuổi trên 45 nên không tồn tại được lâu. Từ khi du nhập nghề thêu ren, đến nay địa phương cũng chưa đưa thêm nghề nào mới.
Không chỉ Nguyên Bình mà 2 xã khác (Hải Yên và Tĩnh Hải) được huyện chọn để đưa nghề thêu ren, đính hạt cườm cũng không được người dân mặn mà tiếp nhận. Trưởng Phòng Lao động- Thương binh& Xã hội huyện Tĩnh Gia, ông Hoàng Khắc Đạo trần tình: Việc tìm nghề tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân có đất thu hồi cho dự án đối với Tĩnh Gia rất khó, nhất là nghề tiểu thủ công nghiệp vì trên địa bàn huyện chưa có doanh nghiệp nào đứng ra bao tiêu sản phẩm. Hơn nữa, người dân Tĩnh Gia, đặc biệt là dân vùng có đất bị thu hồi lại không có tính “siêng nhặt, chặt bị” nên thu nhập ngày công không đảm bảo là họ không bám nghề. Bên cạnh đó, doanh nghiệp đứng ra bao tiêu sản phẩm khi gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm không đồng hành cùng người dân…
“Những lý do trên khiến cho việc “nhen nhóm” nghề thêu ren, đính hạt cườm vào 3 xã Nguyên Bình, Hải Yến và Tĩnh Hải chỉ tồn tại được thời gian rất ngắn, huyện chưa kịp nhân rộng đã vội “chết yểu”. Do vậy, để tránh không đi vào “vết xe đổ”, hiện địa phương đang tập trung khảo sát, lựa chọn nghề phù hợp với nhu cầu và thu nhập cho người dân. Song lựa chọn nghề gì, đưa vào thời gian nào…, đến nay, vẫn đang là “ẩn số”, ông Xanh chia sẻ.
Hoằng Hoá là một trong số ít những địa phương trên địa bàn tỉnh có ngành nghề tiểu thủ công nghiệp phát triển và tìm được chỗ đứng vững chắc tại nhiều xã trên địa bàn huyện. Song, để nhân rộng các nghề này tại những địa phương đã quy hoạch thành cụm công nghiệp ven Quốc lộ 1A đang là vấn đề khó.
Theo Phó trưởng phòng Lao động- Thương binh huyện Hoằng Hoá, ông Nguyền Đình Dục thì ngày công thu nhập từ các nghề mây giang xiên, móc hộp hoặc chao đèn lồng… có thể lên 40.000- 50.000 đồng cho một lao động nhưng nó vẫn không được người dân các xã ven Quốc lộ 1A tiếp nhận. “Thay vì ngồi tỉ mẩn để mỗi ngày kiếm vài chục ngàn từ các nghề này, họ làm các công việc khác như chạy chợ, làm thuê để có thu nhập lên đến hàng trăm ngàn đồng. Chính vì mức thu nhập từ nghề tiểu thủ công nghiệp thấp thêm vào đó, chính quyền những địa phương này không quan tâm chuyển đổi nghề nên các nghề tiểu thủ công nghiệp ở những xã ven Quốc lộ 1A thời gian qua…hầu như không có” – Ông Dục thừa nhận.
Giải quyết việc làm từ chính quyền địa phương “ách tắc”, tiếp nhận lao động từ phía doanh nghiệp cũng không mấy sáng sủa – là nghịch lý với những gì họ đã cam kết với người nông dân. Biện minh cho những “ách tắc” đó, hoặc không tuyển dụng, các địa phương, các doanh nghiệp đưa ra 1001 lý do. Vậy phải chăng, người nông dân đang chịu nhiều thiệt thòi với sự “hy sinh” nhường đất của mình?