ThienNhien.Net – Hồ Tây và Hồ Trúc Bạch, hai địa danh gắn liền với Hà Nội, đang dần bị chiếm dụng, bởi hàng quán ngày cũng như đêm ồn ào náo nhiệt. Hệ lụy là những “bầu phổi” bị ô nhiễm, nghiêm trọng hơn, sai phạm ngày một “phình” ra bởi sự tắc trách thậm chí cả sự “bảo kê” của chính quyền sở tại.
“Ngồi đi, công an – đừng sợ”
Con đường ven hồ Tây, nối thêm với phố Trích Sài kéo dài từ đầu đường Thanh Niên tới Lạc Long Quân. Mỗi số nhà ở đây dường như là một hàng quán, được hình thành từ trong nhà, tràn ra hè phố, thậm chí chiếm dụng cả những vườn hoa, để bày bán. Chị Tư Hậu, chủ một quán hải sản “ven đường” cho biết, hơn một năm nay chị bán hàng từ đầu giờ chiều tới 12g đêm. Đây chính là cung giờ “được phép”, là luật bất thành văn mà cả tuyến đường phải tuân theo, nếu như muốn “tồn tại”.
Cũng giống như các quán cà phê, bia giải khát, thủy hải sản khác, “được phép” – ở đây nghĩa là chị Tư Hậu hàng tháng phải “làm luật” một số tiền tương ứng với “quy mô” chiếm dụng. Nghĩa là vỉa hè của đường hồ, hay diện tích kinh doanh đều được tính mức “nộp tô”, mà không cần nói ra, mọi người ở đây đều biết những ai là người thụ hưởng. “Quán nhỏ nên trung bình một lần nộp 1 triệu đồng. Đổi lại được bày bán ở đây (vỉa hè, vườn hoa – PV). Lâu lâu các anh (công an) qua một lần. Ở đây ai cũng thế. Những quán to hơn (những quán hải sản, cà phê, rượu bia nổi tiếng – PV), số tiền “nộp” còn hơn rất nhiều”, chị Hậu cho biết.
Sự tồn tại của các hàng quán mọc lên như nấm khiến bầu không khí của tuyến đường “nóng” hơn bao giờ hết, đặc biệt là cuối giờ chiều. Quán hải sản ngay đầu đường vào phố Võng Thị, chiếm ngay một đoạn vỉa hè rộng 4m. Chị chủ quán đon đả khẳng định, xe cộ để ở đây thoải mái, ngồi đi công an – đừng sợ. Ở đây có sự bảo đảm “tuyệt đối”. Bằng chứng nhãn tiền là ngay sau đó ít phút, chiếc xe “mui trần” của công an phường đi qua, và không có sự can thiệp nào.
Cũng giống như Hồ Tây, Hồ Trúc Bạch cũng nằm trong tình trạng tương tự. Các nhà hàng, cửa hàng cà phê đua nhau mọc lên san sát, chiếm dụng hành lang hồ làm nơi kinh doanh. Các quán “lẩu”, bia thậm chí đã trở thành thương hiệu của dân “nhậu” Hà Thành. Mức “nộp” phí ở đây cũng nhiều loại, nhưng chung quy lại một điểm: Càng thuận lợi (vỉa hè rộng, đông khách) càng phải chịu “phí” nhiều.
Kinh doanh tất ô nhiễm
Sự kinh doanh tràn lan ở Hồ Tây, Hồ Trúc Bạch nói riêng, và các hồ ở Hà Nội nói chung, dẫn đến tình trạng ô nhiễm ao, hồ ở Hà Nội đã vượt trên cả sự báo động. Lý do đơn giản, là rác thải, nước thải được xả thẳng xuống hồ. Chỉ riêng đoạn đường ven hồ từ phố Văn Cao kéo dài, đến đầu đường Võng Thị, đơn vị thu gom và xử lý rác thải của Công ty TNHH Mặt hồ Tây, hàng ngày đã phải trục vớt hàng trăm kg vỏ dưa, vỏ dừa, ni lông, các loại vỏ hải sản từ các lều quán xả thẳng xuống nước. Hay như khu vực cầu Ngũ Xá 1, ngay cổng vào Khu dân cư văn hóa số 3 Ngũ Xá, phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, nước chảy qua mương Ngũ Xá vào hồ sủi bọt đen, rác thải, bao bì nilon nổi lênh láng khắp mặt hồ. Nhiều tạp chất từ các quán lẩu, quán bia nhiều năm tích lại gây ôhiễm cho hồ, cũng như bầu không khí khu vực.
Theo khảo sát của Trung tâm nghiên cứu môi trường và cộng đồng (CECR) 6 quận đô thị Hà Nội có 120 hồ lớn nhỏ. Trong đó, mức độ ô nhiễm nghiêm trọng chiếm tới 80 hồ, còn lại là ô nhiễm vừa. Có tới 71% hồ có BOD5 vượt quá tiêu chuẩn cho phép (>15mg/l – BOD5 là lượng oxy cần thiết để oxy hóa hết các chất hữu cơ và sinh hóa do vi khuẩn gây ra, với thời gian xử lý nước là 5 ngày ở điều kiện nhiệt độ là 20°C), 14% hồ bị ô nhiễm hữu cơ rất nặng, 32% hồ bị ô nhiễm nhẹ.
Bà Lê Thu Hà, trường Đại học quốc gia Hà Nội cho biết, các hồ Tây, Thủ Lệ, Hoàn Kiếm…bị ô nhiễm chính là do chất hữu cơ dễ phân hủy sinh học. Hầu hết mức pH của nước hồ quá cao -8,1 -10,2 so với mức pH cho phép. Nguyên nhân chủ yếu, do tích tụ nước thải, và rác thải xả thẳng xuống hồ không qua xử lý, lâu ngày làm tăng dư lượng hữu cơ độc hại. Đây cũng là lý do, 5 năm gần đây, Hồ Trúc Bạch 2 lần cá chết trắng hồ, nhiều loại cá tại Hồ Tây biến mất, đồng thời ao hồ ở Hà Nội có màu nước xám xịt, nhiều loài tảo độc hình thành gây mất cảnh quan.
Ô nhiễm do con người, nhưng lo ngại hơn, bởi một bộ phận người dân và chính quyền “đồng thuận” làm tác nhân chủ đạo.