Bài 1: Nông dân thiếu việc làm
ThienNhien.Net – Việc xây dựng và phát triển các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp – làng nghề (CCN – LN) trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa thời gian qua, không chỉ có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu đến năm 2020, Thanh Hoá cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp mà còn góp phần làm cho bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc. Tuy nhiên, việc có nhiều các KCN, cụm CN – LN… mọc lên cũng đồng nghĩa với việc nhiều diện tích đất sản xuất nông nghiệp bị thu hẹp dần khiến cho không ít nông dân thiếu đất sản xuất và thiếu việc làm, ảnh hưởng đến thu nhập và đời sống của người nông dân. Giải quyết việc làm cho bà con khi bị thu hồi đất để đảm bảo đời sống đang là vấn đề được đặt ra ở tỉnh này.
Không nằm trong diện 12 xã của huyện Tĩnh Gia “nhường” đất sản xuất hoặc đất ở cho KKT Nghi Sơn, nhưng xã Nguyên Bình lại là địa phương gián tiếp góp phần cho hơn 100 ha đất “bờ xôi, ruộng mật” chuyên sản xuất nông nghiệp với 3 vụ ăn chắc nằm ngay vị trí đắc địa của xã được chọn quy hoạch và trở thành khu tái định cư cho người dân xã Hải Yến.
Chủ tịch UBND xã Lê Công Xanh trần tình: Quy hoạch 100ha đất sản xuất nông nghiệp nằm ngay trung tâm xã để xây dựng khu dân cư cho người dân xã Hải Yến, chính quyền và người dân Nguyên Bình cũng “tiếc nuối” lắm vì cánh đồng “xôi mật” này đã góp phần không nhỏ giúp cho hàng trăm hộ gia đình tăng thêm thu nhập. Hơn nữa, trên diện tích đất này, địa phương đã có ý định chuyển đổi mục đích sử dụng để tăng giá trị, tạo nguồn thu cho xã như quy hoạch đất ở hoặc thu hút doanh nghiệp về đầu tư… Tuy nhiên, khi được huyện, tỉnh chỉ đạo quy hoạch vùng đất này thành khu tái định cư, vì lợi ích chung nên người dân Nguyên Bình đều nghiêm túc thực hiện bàn giao mặt bằng và nhận tiền hỗ trợ.
Cũng theo ông Xanh, từ khi bàn giao diện tích đất trên, nhiều hộ gia đình không còn đất sản xuất. Vì vậy, nhu cầu việc làm của người lao động cũng trở nên cấp thiết. Đã có hàng trăm lao động khăn gói đi tìm việc làm ở trong và ngoài tỉnh.
Anh Nguyễn Đình Hà ở thôn Cao Thắng 1 cho biết: Khi bàn giao đất, được nghe chính quyền phổ biến doanh nghiệp sẽ tạo điều kiện cho hộ gia đình có người trong độ tuổi lao động vào làm việc tại công ty, gia đình cũng mừng và yên tâm lắm, vì ngoài nghề nông, ở đây chưa có nghề gì. Nhưng trên thực tế, vợ chồng tôi đã chạy đôn chạy đáo, cầm hồ sơ gõ cửa xin việc ở nhiều công ty nhưng đều không xin được việc làm.
Theo anh Hà, lý do các doanh nghiệp không tiếp nhận vợ chồng anh vào làm tại các công ty chỉ vì cả hai đều quá độ tuổi tuyển dụng, nghĩa là đã trên 35 tuổi. Không xin được việc làm, 2 sào ruộng thì đã bàn giao hết cho dự án nên vợ chồng tôi quyết định phải bươn trải tìm nghề. Anh Hà cho biết nghề phụ hồ của mình cộng thêm nghề thu mua ve chai của vợ, công việc tuy thất thường, thu nhập bấp bênh nhưng trong hoàn cảnh này cũng đỡ được phần nào trang trải sinh hoạt cho 2 vợ chồng và 2 con đang ăn học.
Quá độ tuổi, doanh nghiệp không tuyển dụng, người nông dân đành chấp nhận tìm kiếm một công việc nào đó cho phù hợp là thực tế ở xã Nguyên Bình. Song có những trường hợp vừa học xong phổ thông hoặc đã tốt nghiệp ở các trường Đại học, Cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp cũng khó xin được việc làm.
Em Lê Thị Thu, con ông Lê Văn Bắc ở thôn Sơn Thắng là hộ gia đình có 2/3 diện tích đất sản xuất bàn giao dự án cho biết: Em đã tốt nghiệp Đại học ngành thương mại du lịch, đã làm hồ sơ xin việc với đúng nghề mình học ở nhiều nơi nhưng rất khó. Em quyết định cất tấm bằng đại học, nộp hồ sơ xin làm công nhân giày da của Công ty Annora… Tuy nhiên, đã mấy tháng chờ đợi mà Thu vẫn chưa nhận được quyết định tuyển dụng của Công ty.
Khó tìm được việc làm không phải chỉ xảy ra ở xã Nguyên Bình mà nhiều nông dân trong độ tuổi lao động thuộc 12 xã của huyện Tĩnh Gia nhường đất cho dự án Khu kinh tế Nghi Sơn cũng khó tiếp cận được việc làm. Ngay như Hải Yến- địa phương đã di dời toàn bộ đơn vị hành chính để nhường đất cho dự án cũng đang trong tình trạng nhiều lao động không xin được việc làm.
Anh Nguyễn Đức Cường cho biết: Cả 2 vợ chồng tôi đều trên 45 tuổi khó xin việc đã đành, con trai đầu là Nguyễn Đức Vương cũng khó xin được việc. Vì không xin được việc nên cháu phải lặn lội vào Nam học nghề sửa xe máy rồi về quê lập nghiệp mở cửa hàng sửa xe ngay tại khu tái định cư này. Hai đứa khác (trừ con út đang học phổ thông) vào miền Nam học nghề với hy vọng sau này học xong, về quê sẽ xin được vào làm tại các doanh nghiệp trong khu kinh tế.
Khu Công nghiệp ven Quốc lộ 1A thuộc địa bàn huyện Hoằng Hoá có diện tích 40ha- nơi có đến 45 doanh nghiệp đăng ký hoạt động với quy mô thu hút, tạo việc làm cho hàng chục ngàn lao động nông nghiệp có đất bị thu hồi. Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi, trong số các doanh nghiệp hiện đang hoạt động chỉ có vài doanh nghiệp như gạch tuy nen Sơn Trang, Công ty Xúc sản Hoa Mai, Công ty Thành Đạt, Công ty phân bón Tiến Nông còn tham gia giải quyết việc làm cho người nông dân địa phương nhưng cũng mới chỉ dừng ở con số được vài ngàn lao động. Các doanh nghiệp còn lại không tham gia tuyển dụng lao động cho dù trước đây họ đã cam kết, hứa với nông dân sẽ tạo việc làm tại doanh nghiệp.
Sau khi “nhường đất” cho các doanh nghiệp, các dự án tại các KCN trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, người nông dân đã không còn đất để sản xuất, không tìm kiếm được việc làm…đang là vấn đề đặt ra hết sức bức xúc.