ThienNhien.Net – Từ vụ hè thu năm 2013, tỉnh Nghệ An chủ trương chuyển dần nghề khai thác từ vùng lộng, ven bờ sang vùng khơi. Việc làm này nhằm giảm áp lực khai thác thủy sản ven bờ, tăng hiệu quả khai thác, đảm bảo lợi ích kinh tế bền vững cho ngư dân gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven bờ và bảo vệ môi trường biển.
Tỉnh Nghệ An có trên 4.000 tàu thuyền khai thác thủy sản, nhưng có đến 3/4 số tàu thuyền chủ yếu khai thác ở vùng lộng, ven bờ, nên mật độ tàu thuyền khai thác quá mức cho phép (1,4 km2/tàu) làm giảm năng suất khai thác, gây cạn kiệt nguồn lợi thủy sản ven bờ.
Tại các huyện ven biển như Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc, Cửa Lò, trước đây các nghề như kéo tôm, ốc hương, … cho sản lượng và thu nhập cao, thì nay sản lượng giảm đáng kể. Ngư dân còn sử dụng cả chất nổ, xung điện khai thác kéo theo nhiều hệ quả xấu về môi trường biển, mất cân bằng sinh thái.
Trước thực trạng trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An có kế hoạch từ nay đến năm 2015 sẽ chuyển đổi từ khai thác vùng lộng, ven bờ sang vùng khơi cho 120 tàu thuyền, với các nghề được chuyển đổi là rê gần bờ, lưới kéo tôm, lưới kéo gần bờ, sang các nghề câu mực, câu cá thu, cá ngừ, vây, lưới kéo xa bờ.
Tỉnh Nghệ An sẽ huy động kinh phí từ 3 nguồn là vốn ngân sách, vốn vay ưu đãi, vốn tự huy động của ngư dân để thực hiện việc chuyển đổi nghề khai thác. Trong đó vốn ngân sách sẽ hỗ trợ kinh phí đào tạo, xây dựng mô hình chuyển đổi, du nhập nghề mới.
Hiện tỉnh đang nghiên cứu để ban hành các chính sách liên quan đến hỗ trợ ngư dân chuyển đổi nghề từ các nghề khai thác xâm hại đến nguồn lợi và hệ sinh thái sang nghề khai thác vùng khơi; chính sách hỗ trợ bảo hiểm xã hội cho ngư dân tham gia hoạt động khai thác thủy sản trên biển; chính sách hỗ trợ rủi ro cho ngư dân.