Lạng Sơn: Nỗi buồn … thủy điện

ThienNhien.Net – Đến Lạng Sơn, không thể không đến sông Kỳ Cùng, một trong những địa danh thu hút tao nhân, mặc khách… Vậy mà, giờ đây đến với dòng sông “đa đoan” này, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước khung cảnh xây dựng dự án thủy điện nham nhở, dở dang…

Với tấm biển – phối cảnh công trình tả tơi cùng mưa nắng; con đập nham nhở những khối bê tông sắt thòi lòi, nằm chình ình giữa dòng Kỳ Cùng; dãy lán công nhân dột nát. Đó là “khối di sản” còn lại của dự án thủy điện bản Nhùng, xã Trấn Ninh, huyện Văn Quan, do Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng phát triển thủy điện Tuấn Anh làm chủ đầu tư, với mức khái toán 227,5 tỷ đồng chi phí cho thiết kế, xây lắp 2 tổ máy, có công suất 11MW và đền bù giải phóng mặt bằng 110,5ha đất. Thời gian hoàn tất công trình sẽ hòa mạng lưới điện quốc gia năm 2010.

Tuy nhiên, dự án chỉ rầm rộ khởi động vào 6 tháng cuối năm 2009, đến đầu năm 2010 thì … “ngậm tăm”. Vì không đào đâu ra nguồn tài chính.

Sông Kỳ Cùng (Ảnh: Đại Đoàn Kết)

Bà Hoàng Thị Kim, Phó Bí thư Đảng ủy xã Trấn Ninh, cho biết: “Những ngày đầu vận động cho bà con giao đất cho dự án rất vất vả. Khi tuyên truyền về “cái lợi” của dự án, không phải ai cũng tin… Bây giờ, dự án “vỡ” làm sao thu hồi đất chia lại cho dân… mỗi khi nói chuyện này với dân, lại bị “chửi”.

Được biết, đất giao cho dự án chủ yếu là đất sản xuất của bà con bản Vằng Hang, một bản 100% là dân tộc Nùng. Cả bản có 38 hộ thì 36 hộ nghèo, trong đó 3 hộ phải cứu đói. Đất đai ở đây luôn bị khô hạn. Năm 2005, Nhà nước đầu tư gần một tỷ đồng xây dựng trạm bơm, giúp dân trồng lúa 2 vụ. Nhiều nhà, lần đầu tiên đã có dư lúa để bán. Niềm vui “chưa tày tấc gang” khi dự án “đến” đã đem máy ủi san phẳng trạm bơm. Số ruộng còn lại ít ỏi, đành nhờ “nước trời” nên cầm chắc cái đói và bản nghèo càng thêm xơ xác, tiêu điều. Đồng đất bị san ủi, đất đá nháo nhào. Nhìn thấy căn nhà của dân trước mặt, vậy mà phải đi loanh quanh, vòng tránh mãi mới đến. Gặp chủ nhân là anh Triệu Văn Lý, than thở: “Gia đình bị lấy 2 mẫu đất ruộng và nương ngô, còn lại 2 sào ruộng cho 5 miệng ăn; ông bố tàn tật, không đi được… Nhà không đủ tiền đưa đi viện chữa. Được đền bù 40 triệu đồng, đem mua xe máy; gạo ăn và chờ được… làm công nhân thủy điện”.

Ông Hứa Văn Đào, cư dân bản Vằng Hang bị lấy đất nhiều nhất, nay chỉ còn một sào ruộng. Là người… “nhạy bén”, ngay từ khi khởi công dự án, ông đầu tư vốn mở quán bán hàng, nhưng chỉ được vài tháng phải “dẹp tiệm”. Vì chẳng còn một công nhân nào khi dự án… “đóng cửa”, trong lúc chưa kịp thu hồi vốn.

Chị Đàm Thị Mai, Bí thư chi bộ bản, buồn rầu nói: “Xã bảo xong dự án thì chủ đầu tư sẽ làm lại trạm bơm cho bản. Mấy năm rồi có thấy làm gì đâu. Hoa màu thiếu nước cứ héo úa dần. Những thửa ruộng ít ỏi còn lại không đủ nước tưới, chỉ trồng được một vụ. Năm 2012 thất thu, một số nhà bữa cơm phải độn sắn. Năm nay chắc chắn không thoát ăn độn”. Hai hộ gia đình Triệu Văn Thảo, Triệu Văn Tiến phải bỏ hai căn nhà cổ của tổ tiên để lại ra đi vì ở cạnh công trình, bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Giấc mơ làm công nhân, nuôi cá lồng… của người dân nơi đây đã tan theo cái “bánh vẽ” dự án thủy điện bản Nhùng. Giờ đây, họ phải dầm mình xuống dòng sông Kỳ Cùng mò ốc làm kế sinh nhai. Triệu Văn Mạnh, một trai tráng đã bị đuối nước chết trong khi mò ốc bán lấy tiền đong gạo. Bi kịch không kém cái chết, phải kể đến gia đình anh Triệu Văn Thử, với 6 nhân khẩu, trồng một mẫu ruộng và 1,5ha nương, hàng năm dư thừa ngô lúa. Dự án “về”, phần vì tiếc đất, phần vì không tin dự án khả thi, anh không nhận tiền đền bù lại dám to tiếng mắng “người thi hành công vụ”; bị xử tù 2 năm, do bị bệnh tật, được tha sớm. Với 4 sào ruộng còn lại, không đủ nuôi nửa tá “tàu há mồm”; con cái đành bỏ học đi làm cửu vạn kiếm sống ở cửa khầu. Số tiền 80 triệu đồng được đền bù, đem ra chữa bệnh gần hết mà cái chân vẫn tàn tật.

Một điều trớ trêu là trong khuôn viên dự án, người ta kịp xây dựng xong cái “đền” to, không rõ thờ thánh thần nào? Nghe nói có một quan chức của tỉnh đến “chiêm bái” đã thốt lên: “Sướng quá! làm được cái đền là dân Vằng Hang sướng quá rồi còn gì”. Hẳn những cư dân Vằng Hang nghe được sẽ chẳng biết mình “được sướng” nỗi gì? Rời khu dự án thủy điện trên sông Kỳ Cùng đầy bi kịch, chúng tôi tự hỏi: Chẳng lẽ trong bộ máy công quyền của dân tỉnh Lạng Sơn lại có những “công bộc” cấp huyện, cấp tỉnh vô cảm trước hệ lụy mất mát to lớn mà người dân phải “gánh” của một dự án… sớm lụi tàn.