ThienNhien.Net – Chiều 18/7 tại Hải Phòng, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức Hội nghị pháp quy hạt nhân lần thứ nhất với sự tham dự của đông đảo các nhà khoa học, chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử trong nước, các chuyên gia, nhà khoa học đến từ Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), các cơ quan hạt nhân, tổ chức hỗ trợ kỹ thuật của các nước: Nga, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Thái Lan, Bungari…
Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và Hạt nhân Vương Hữu Tấn cho biết, để đảm bảo triển khai thực hiện an toàn chương trình điện hạt nhân quốc gia, theo khuyến cáo của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) thì các nước phải xây dựng cơ sở hạ tầng an toàn cho chương trình điện hạt nhân, trong đó hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và cơ quan pháp quy hạt nhân là 2 yếu tố quan trọng của cơ sở hạ tầng an toàn.
Trên cơ sở Luật Năng lượng nguyên tử và Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Năng lượng nguyên tử về nhà máy điện hạt nhân, Ban chỉ đạo Nhà nước Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận đã chỉ đạo việc xây dựng và ban hành hệ thống khung văn bản quy phạm pháp luật về điện hạt nhân phân theo các giai đoạn của lộ trình triển khai dự án điện hạt nhân. Báo cáo này sẽ tổng quan về tình hình xây dựng và ban hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về điện hạt nhân cho đến nay.
Cục An toàn bức xạ và hạt nhân được thành lập năm 2003 là Cơ quan pháp quy hạt nhân quốc gia của Việt Nam . Luật Năng lượng nguyên tử năm 2008 đã quy định tại Điều 8 các chức năng nhiệm vụ chủ yếu của Cơ quan pháp quy hạt nhân quốc gia. Để thực hiện được các chức năng nhiệm vụ quy định tại Điều 8 của Luật Năng lượng nguyên tử và kịp thời đáp ứng các yêu cầu đòi hỏi của chương trình điện hạt nhân. Cục An toàn bức xạ và Hạt nhân đã xây dựng đề án phát triển cơ quan pháp quy hạt nhân quốc gia.
Theo đó, Cơ quan pháp quy hạt nhân quốc gia được thành lập trên cơ sở nâng cấp Cục An toàn bức xạ và Hạt nhân. Sau khi có quyết định thành lập Cơ quan pháp quy hạt nhân quốc gia của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ triển khai thực hiện việc thành lập các đơn vị thuộc Cơ quan này, đồng thời trình Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm lãnh đạo. Dự kiến, tháng 12/2013, Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành Quyết định thành lập Cơ quan pháp quy hạt nhân quốc gia.
Tại phiên họp toàn thể, các chuyên gia, nhà khoa học tập trung đánh giá công tác xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về điện hạt nhân và phát triển Cơ quan pháp quy hạt nhân quốc gia độc lập, có năng lực và thẩm quyền. Các đại biểu đã nghe và cho ý kiến vào báo cáo về một số vấn đề cần chỉnh sửa trong Luật năng lượng nguyên tử, tình hình triển khai dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và tình hình xây dựng văn bản quy phạm phục vụ dự án lò phản ứng nghiên cứu mới…
Theo các đại biểu, việc nghiên cứu, điều chỉnh, cập nhật danh mục, tiến độ xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về điện hạt nhân là cần thiết để bảo đảm sự phù hợp với yêu cầu về an toàn của IAEA và đáp ứng kịp thời tiến độ triển khai dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Việc thực thi các văn bản quy phạm pháp luật trong từng giai đoạn của dự án điện hạt nhân sẽ được hỗ trợ bởi một hệ thống các tiêu chuẩn kỹ thuật. Tuy nhiên, trong điều kiện của nước ta hiện nay, việc áp dụng tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn nước ngoài đóng vai trò chủ yếu.
Các đại biểu đề nghị Chính phủ sớm phê duyệt Đề án và ra Quyết định thành lập Cơ quan pháp quy hạt nhân quốc gia nhằm thực hiện được các chức năng, nhiệm vụ của Cơ quan pháp quy hạt nhân quốc gia đã được quy định trong Luật Năng lượng nguyên tử và phù hợp với thông lệ quốc tế cũng như hướng dẫn của IAEA.
Đối với công trình xây dựng nhà máy điện hạt nhân, ngoài việc chịu sự điều tiết của pháp luật về năng lượng nguyên tử còn phải chịu sự điều tiết của các luật liên quan khác như Luật Điện lực, Đầu tư, Xây dựng và Luật Bảo vệ môi trường. Vì vậy, các bộ, ngành liên quan cần nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung các luật liên quan, tránh mâu thuẫn, chồng chéo với các quy định của pháp luât về năng lượng nguyên tử và các yêu cầu của quốc tế về phát triển điện hạt nhân…
Ngoài phiên họp toàn thể, Hội nghị pháp quy hạt nhân lần thứ nhất tổ chức 5 tiểu ban chuyên ngành, thảo luận sâu về các lĩnh vực: an toàn trong lựa chọn địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân; nâng cao năng lực thẩm định an toàn hạt nhân; an toàn bức xạ, ứng phó sự cố và phóng xạ môi trường; an ninh và thanh sát hạt nhân; đào tạo nguồn nhân lực. Đây là các chủ đề quan trọng trong lĩnh vực pháp quy hạt nhân nhằm phục vụ việc triển khai dự án điện hạt nhân tại Việt Nam.
Hội nghị làm việc đến hết ngày 19/7.