Nuôi nhốt thú rừng tràn lan ở Bình Dương

ThienNhien.Net – Có đến 6 cuộc giải cứu hàng trăm cá thể động vật hoang dã nuôi nhốt trái phép tại Bình Dương. Và ít nhất 10 con vượn quý hiếm thuộc nhóm 1B nuôi tại các nhà “đại gia” được giải thoát khỏi lồng nhốt.

Phát hiện hàng loạt thú rừng nuôi nhốt trái phép

Vào đầu tháng 7, lực lượng liên ngành gồm Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường tại phía Nam – C49B kết hợp với Phòng cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Bình Dương, Chi cục Kiểm lâm Bình Dương cùng với sự hỗ trợ của Viện sinh thái học miền Nam và Hiệp hội Bảo tồn Động vật Hoang dã đã tiến hành giải cứu 29 cá thể động vật hoang dã tại ba cơ sở đang nuôi nhốt trái phép; trong đó, có 6 con vượn thuộc nhóm 1B cực kỳ quý hiếm có nguy cơ triệt chủng cao.

Theo một cán bộ trinh sát, để vào được các cơ sở nuôi nhốt thú rừng trên, các cơ quan chức năng phải ngụy trạng giả vờ người đi rẫy cao su. Khi triển khai chiến dịch kiểm tra, các thành viên trong đoàn không ai được biết trước địa chỉ cần đến và chỉ có duy nhất một cán bộ dẫn đường bí mật dẫn đoàn vào sâu trong khu rừng bạt ngàn cao su. Nằm sâu bên trong khu rừng này là trang trại đầu tiên của bà Nguyễn Thị Diệp Hồng và ông Nguyễn Văn Long ở 446 Ấp Cây Sắn, Xã Lai Uyên, Huyện Bến Cát. Tại đây, các thành viên trong đoàn chức năng đã phát hiện động vật hoang dã như hươu, nai và vượn nuôi nhốt hàng loạt. Đặc biệt có 6 con vượn thuộc nhóm 1B vô cùng quý hiếm bị nuôi nhốt trong 3 cái lồng sắt. Các thành viên Hội bảo tồn động vật hoang dã vô cùng bất ngờ, trong 6 con vượn có loài vượn Pile (một loài không có phân bố ở nước ta) cũng có mặt tại trang trại của bà Hồng. Tuy nhiên, con vượn Pile này có nguồn gốc từ đâu và mua từ chỗ nào thì đến nay bà Hồng vẫn không chứng minh được. Qua kiểm tra tất cả số động vật hoang dã trên đều không có nguồn gốc và giấy tờ hợp pháp.

Chưa hết, tại trang trại do Nguyễn Huê (xã Lai Uyên, huyện Bến Cát) làm chủ được cho là trang trại của một cán bộ ở thành phố Thủ Dầu Một, nơi này hiện đang nuôi nhốt 18 con hươu sao và 3 con công quý hiếm, tất cả đều không rõ nguồn gốc và chủ cơ sở không có giấy tờ chứng minh hợp pháp. Riêng tại quán ăn Vịt Cu Chì nằm trên đường Hồ Văn Cống (thành phố Thủ Dầu Một) cũng nuôi nhốt các loài quý hiếm như diều hoa Miến Điện, diều núi và cò lạo Ấn Độ.

Cá thể vượn đen má vàng được Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Củ Chi tiếp nhận từ Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Dương trong vụ giải cứu mới đây (Ảnh: Pháp luật TP. HCM)
Một trong năm cá thể vượn đen má vàng được Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Củ Chi tiếp nhận từ Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Dương trong một vụ giải cứu mới đây (Ảnh: Pháp luật TP. HCM)

Thú rừng chỉ còn trong chuồng nhốt

Có thể nói, việc giải cứu 29 cá thể động vật hoang dã quý hiếm,trong đó, có 6 con vượn thuộc nhóm 1B nuôi nhốt trái phép trong các trang trại “bí mật” nằm sâu trong các cánh rừng cao su trên địa bàn huyện Bến Cát hồi đầu tuần tháng 7, đã cho thấy thực trạng nuôi nhốt động vật hoang dã trong dân là quá nhiều. Điều đáng nói, một số động vật hoang dã do một số “đại gia” tổ chức nuôi nhốt trái phép ngày càng gia tăng.

Theo Kiểm lâm Bình Dương, đã có đến 6 cuộc giải cứu hàng trăm động vật hoang dã nuôi nhốt trái phép tại Bình Dương, và ít nhất có 10 con vượn quý hiếm thuộc nhóm 1B nuôi tại các nhà “đại gia” vừa được giải thoát khỏi lồng nhốt. Trong khi đó, theo Phòng cảnh sát phòng chống tội phạm môi trường Công an tỉnh Bình Dương thì hiện trên địa bàn có 18 doanh nghiệp và nhiều hộ nuôi nhốt động vật hoang dã quý hiếm (chưa tính đến gấu) với số lượng lên đến 10.969 cá thể; trong đó, có hàng ngàn cá thể thú quý nằm trong sách đỏ có nguy cơ tuyệt chủng cao.

Đến nay, Bình Dương còn khoảng 11 ngàn hécta rừng nhưng đa dạng sinh học thì nghèo nàn. Các hệ thực vật trong sách đỏ trước đây, trên địa bàn tỉnh chiếm số lượng rất cao nhưng do quá trình chuyển đổi mục đích sử dụng đất khiến các diện tích đất rừng, động thực vật bị co hẹp lại.

Theo nghiên cứu và khảo sát của Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, hiện hệ sinh thái rừng, độ che phủ của Bình Dương tuy có tăng nhưng chất lượng rừng bị suy giảm. Đa dạng loài thú và đa dạng sinh học của tỉnh cũng giảm dần theo thời gian. Nguyên nhân dẫn tới hiện tượng này là do việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất quá nhanh; trong đó, không loại trừ các dự án quy hoạch về công nghiệp, khu đô thị bị tác động làm mất cân bằng sinh thái này. Nguyên nhân rừng suy kiệt dẫn đến các loài động vật hoang dã cũng khó có đường sống sót. Tuy nhiên, việc hết sức quan tâm hàng đầu hiện nay, là các loài thú rừng quý hiếm, động vật hoang dã chỉ còn thấy trong chuồng nhốt.