ThienNhien.Net – Hầu hết các cơ sở chế biến tinh bột dong riềng ở Bắc Cạn gây ô nhiễm môi trường trầm trọng vì chưa có quy trình xử lý nước thải. Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh phối hợp với Viện Môi trường nông nghiệp nghiên cứu thành công mô hình xử lý nước thải giá rẻ.
Dong riềng là cây trồng thế mạnh, mang lại thu nhập từ 80- 90 triệu đồng/ ha cho nông dân, chủ yếu là người dân tộc ở Bắc Cạn. Chế biến tinh bột dong riềng cũng mang lại lợi nhuận cao, giải quyết việc làm cho nhiều lao động nên đến nay toàn tỉnh có 108 nhà máy, dây chuyền, cơ sở chế biến tinh bột dong riềng ở khắp các địa phương trong tỉnh.
Tuy nhiên, hầu hết các cơ sở chế biến tinh bột này chưa đầu tư công trình xử lý nước thải kiên cố, chưa có quy trình xử lý nước thải nên gây huỷ hoại môi trường khá trầm trọng. Tỉnh xác định, để nghề trồng và chế biến tinh bột dong riềng phát triển bền vững, đẩy nhanh tiến trình xoá đói giảm nghèo cho nông dân thì phải xử lý môi trường tại các cơ sở chế biến dong riềng.
Từ năm 2012 Sở Khoa học và Công nghệ Bắc Cạn phối hợp với Viện Môi trường nông nghiệp( Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) xây dựng mô hình xử lý nước thải tại cơ sở chế biến tinh bột dong riềng.
Tiến sĩ Đỗ Tuấn Khiêm, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Bắc Cạn cho biết: “Nước thải khi chế biến dong riềng được thu gom vào bể điều hoà, bể xử lý sinh học, bể xử lý hoá chất, bể lắng rồi chuyển ra bể thuỷ sinh và nước thải ra môi trường đạt tiêu chuẩn QCVN 40/2011 của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Mặt khác, bùn thải được tái sử dụng bằng cách trộng với bã dong riềng rồi ủ với chế phẩm vi sinh để làm phân bón”.
Căn cứ vào quy mô của cơ sở chế biến tinh bột mà xây các bể xử lý nước thải phù hợp. Sở Khoa học và Công nghệ Bắc Cạn tính toán, đầu tư công trình xử lý chất thải hết khoảng 80- 90 triệu đồng, kinh phí mua chế phẩm và hoá chất xử lý nước thải trong quá trình sản xuất mười kg tinh bột dong riềng hết hơn ba nghìn đồng. Với mức đầu tư như vậy thì các cơ sở chế biến tinh bột dong riềng làm được và phù hợp với giá thành sản xuất tinh bột.
Sở Khoa học và Công nghệ Bắc Cạn báo cáo kết quả xây dựng mô hình, đồng thời kiến nghị với tỉnh có chính sách hỗ trợ các cơ sở chế biến tinh bột dong riềng xây dựng công trình xử lý nước thải kiên cố, sau đó phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tập huấn, hướng dẫn xây dựng công trình, quy trình xử lý nước thải để nhân rộng mô hình nhằm bảo vệ môi trường.