ThienNhien.Net – Theo kết quả thanh tra, Công ty Hợp Long có dấu hiệu trốn thuế khi chuyển nhượng cổ phần vốn góp giá trị mỏ titan Bình Thuận, với giá trị tương đương 3,3 triệu USD.
Tờ Tuổi trẻ đưa tin, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đã ký kết luận thanh tra về các vấn đề tại Công ty CP Đầu tư khoáng sản và thương mại Bình Thuận (Công ty Khoáng sản Bình Thuận).
Theo đó, Công ty Hợp Long có dấu hiệu trốn thuế khi chuyển nhượng cổ phần vốn góp giá trị mỏ (tương đương 3,3 triệu USD). Ngoài ra ông Nguyễn Thành Long (đại diện Công ty Hợp Long) có dấu hiệu làm giả giấy tờ để chiếm đoạt 32 tỷ đồng.
UBND tỉnh Bình Thuận đã yêu cầu Giám đốc Công an tỉnh chỉ đạo cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh khẩn trương điều tra làm rõ các vấn đề được nêu trong kết luận.
Được biết, Công an huyện Hàm Thuận Nam đã có quyết định không khởi tố vụ án đối với việc ông Nguyễn Thành Long bị tố cáo đã mua xe hơi tặng cho một nguyên lãnh đạo tỉnh Bình Thuận vì người này giúp ông Long xin giấy phép khai thác mỏ titan. Cơ quan cảnh sát điều tra xác minh không có hành vi phạm tội xảy ra nên không khởi tố vụ án và đã chuyển quyết định qua Viện KSND huyện Hàm Thuận Nam để phê chuẩn theo luật định.
Công ty Khoáng sản Bình Thuận được thành lập vào năm 2008 gồm ba cổ đông là Công ty Hợp Long (ông Nguyễn Thành Long đại diện, 60% cổ phần), Công ty Hải Tinh (bà Hoàng Thị Lý đại diện, 35% cổ phần) và một cá nhân nắm 5% cổ phần. Năm 2009, Công ty Hợp Long đã thực hiện hợp đồng vay 60 tỷ đồng (tương đương 3,3 triệu USD), thế chấp bằng giấy chứng nhận sở hữu cổ phần phổ thông và giao quyền quản lý cho bà Hoàng Thị Lý.
Đến cuối năm 2012 hết thời hạn cho vay, hai bên không giải quyết xong hợp đồng và ông Nguyễn Thành Long đã tổ chức chiếm lại Công ty. Trong quá trình chiếm Công ty, ông Long đã nhờ lực lượng Cảnh sát cơ động của Tiểu đoàn Cảnh sát cơ động số 3 (đóng tại xã Tiến Thành, TP. Phan Thiết) vào giải quyết vụ việc. Sau đó, Bộ tư lệnh Cảnh sát cơ động (Bộ Công an) đã đình chỉ công tác Ban chỉ huy Tiểu đoàn Cảnh sát cơ động số 3 vì tham gia giải quyết vụ việc trên không đúng thẩm quyền, chức năng nhiệm vụ được giao.
Trong khi đó, tại Lào Cai, cuối tháng 4/2013, sau nhiều tháng thanh tra hoạt động khai thác quặng apatit trên địa bàn, ngành tài nguyên và môi trường Lào Cai đã phát hiện, từ nhiều năm nay, Công ty TNHH một thành viên Apatit (thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam – Vinachem) đã khai thác quặng apatit không phép tại bốn khai trường (khai trường số 11 – 12 – 13 – 14), khai trường 17 khai thác sai lệch so với giấy phép được cấp.
Số lượng quặng khai thác ở các khai trường không phép là gần 18 triệu tấn quặng apatit. Thậm chí, có điểm mỏ đơn vị này đã khai thác không phép trên 17 năm.
Trước đó, vào năm 2006 và năm 2010, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có 2 đợt thanh tra và cũng đã phát hiện ra sai phạm của Công ty TNHH một thành viên Apatit, đồng thời đã tiến hành xử phạt, tuy nhiên việc khắc phục những sai phạm đó đã chưa được đơn vị thực hiện.
Ông Lê Thanh Dương, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lào Cai cho biết, theo thống kê chưa đầy đủ, hiện nay, Công ty TNHH một thành viên Apatit đang được giao quản lý khai thác trên diện tích khoảng 500 ha. Sau khi rà soát cắm mốc một số điểm, diện tích thực tế đã vượt lên so với báo cáo của doanh nghiệp rất nhiều lần.