ThienNhien.Net – Ông đã đi mòn các con dốc, đếm rành rọt từng con khe, ngọn núi, gốc cây quý ở Khu bảo tồn thiên nhiên Tát Kẻ – Bản Bung (Na Hang, Tuyên Quang), tuần tra bảo vệ rừng và vận động người dân cùng tham gia bảo vệ. Nhờ vậy mà cánh rừng nguyên sinh vẫn giữ được vẻ hùng vĩ, hoang sơ của hàng trăm năm trước. Người đó là ông Phùng Văn Pham, người dân tộc Dao, Trưởng bản Tát Kẻ, xã Khau Tinh (Na Hang).
Ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng
Năm nay 55 tuổi, nhưng ông Pham còn khỏe, nhanh nhẹn lắm. Ông leo núi phăng phăng, đến nhiều thanh niên cường tráng cũng phải đầu hàng. Ông bảo, cũng nhờ leo núi mà người lại khỏe ra, leo nhiều thành quen, nên ngày leo qua vài quả núi là chuyện bình thường, một tuần không leo núi ông lại nhớ.
Ông Pham sinh ra và lớn lên ở bản Tát Kẻ, bản nằm trọn trong Khu bảo tồn thiên nhiên Tát Kẻ – Bản Bung. Sống với rừng, ông hiểu giá trị của rừng, nên ông đã hết lòng với rừng. Sau cơn bão, hay hễ nghe người dân bảo ở đâu có cây đổ, có hộ phát rừng làm nương rẫy, khai thác gỗ trái phép… dù bận việc gì ông cũng sẵn sàng gác lại rồi vác dao lên rừng kiểm tra ngay.
Vài năm gần đây, nhất là khi Thủy điện Tuyên Quang hoàn thành, giao thông đường thủy thuận lợi, công tác quản lý bảo vệ rừng ở Khu bảo tồn lại càng khó khăn hơn, bất kể ốm đau, ngày nắng cũng như ngày mưa, ông vẫn đều đặn đi tuần rừng.
Ông Pham tâm sự: “Mình làm hoàn toàn tự nguyện, vì cái tâm, nên không có khoản hỗ trợ nào. Nhiều hôm lên rừng gặp mưa rừng về ốm, vợ con can không cho đi nữa, nhưng vài ngày không lên rừng, mình nhớ rừng quá, lo những cây nghiến cổ thụ bị lâm tặc triệt hạ lại lên rừng. Đi rừng thì không tránh khỏi ngã, rắn rết cắn, rất nguy hiểm, nếu không vì rừng chắc không làm được”.
Vừa nói dứt câu, ông dẫn chúng tôi ra giữa sân, chỉ tay về phía cánh rừng già nguyên sinh hàng chục năm nay được bàn tay ông và người dân bản Tát Kẻ bảo vệ, nên dường như không có dấu rìu, cưa nào. Ông Pham bảo: “Các anh cứ nghỉ ngơi đi, ngày mai tôi sẽ dẫn các anh lên thăm cây nghiến cổ thụ to như cây đa, phải 5 – 6 người ôm mới xuể”.
Thấy chúng tôi hồ hởi, ông Pham động viên: “Cây này cũng không xa lắm đâu, đi nhanh mất khoảng 4 giờ là đến, còn các anh không quen chắc cũng chỉ 5 – 6 giờ là đến thôi. Vào rừng mới biết rừng quý như thế nào!”.
Bảo vệ “nồi cơm” của người dân
Khoảng hơn 6 giờ sáng, chúng tôi cuốc bộ ngược dốc theo ông Pham đi thăm cây nghiến cổ thụ. Vừa qua vài con dốc, vượt qua mấy cái khe nhỏ mà chúng tôi ai nấy đều bở hơi tai, mồ hôi nhễ nhại, trống ngực đập thình thịch. Ấy thế mà ông Pham vẫn tỉnh bơ. Sau 5 giờ đồng hồ, cuối cùng chúng tôi cũng đặt chân tới gốc cây nghiến cổ thụ. Chính xác thì phải gọi là cây nghiến đại cổ thụ mới phải. Bởi tôi cũng đã nhiều lần lội rừng, theo các “nhà leo núi” bản địa đi thăm rừng nghiến cổ ở Chiêm Hóa (Tuyên Quang), rồi Hoàng Su Phì, Bắc Mê… (Hà Giang)… nhưng chưa bao giờ được chứng kiến một cây nghiến to, thẳng đến như vậy. Nếu tính phần gốc, thì ít nhất phải 6 – 7 người vòng tay ôm xung quanh mới đủ. Thân cây thẳng, gốc bè bạnh rất bề thế, đứng hiên ngang giữa đại ngàn, như vị “chúa tể, ông tổ” của rừng xanh vậy. Xung quanh cây nghiến cổ thụ là vô vàn các loại cây gỗ quý to vài người ôm, đua nhau vươn lên. Ngồi dưới tán rừng, chúng tôi cảm nhận được cái mát dịu của rừng, của tự nhiên.
Chỉ tay lên những búi phong lan treo lủng lẳng trên các cành cây, chuẩn bị ra hoa, ông Pham cho hay: “Khu bảo tồn thiên nhiên Tát Kẻ – Bản Bung có hệ động, thực vật phong phú, trong đó có nhiều loài quý hiếm như voọc mũi hếch, voọc đen má trắng, gấu ngựa… Nơi đây còn được biết đến bởi những cánh rừng nguyên sinh rậm rạp, bạt ngàn cây cổ thụ, với hàng chục loại trái cây, nhiều loại cây thuốc, nấm quý, củ mài, mật ong, đặc biệt là phong lan… toàn là những sản phẩm đã nuôi sống người dân bản Tát Kẻ bao đời nay, nên chẳng ai muốn phá rừng, mà phá rừng khác gì đánh đổ bát cơm mình đang ăn”.
Năm vừa rồi, ông Pham được dân bản Tát Kẻ tín nhiệm bầu làm Trưởng bản. Cương vị lãnh đạo bản đã giúp ông Pham có điều kiện củng cố lực lượng bảo vệ rừng vững chắc hơn. Hàng ngày, ông vẫn cùng vợ con ra đồng cày cấy, trồng ngô, sắn, phát triển kinh tế gia đình. Đêm đến, ông lại rọi đèn pin gõ cửa từng nhà để tuyên truyền người dân về lợi ích của rừng, vận động bà con không phát nương làm rẫy, không chặt phá rừng bừa bãi. Nói là tuyên truyền, nhưng thực ra là ông lồng những câu chuyện ấy vào trong các cuộc uống nước chè, nói chuyện đồng áng. Ấy thế mà hiệu quả ra trò. Những ngày đầu, một số người không hiểu, nghĩ ông vừa được bầu lên chức Trưởng bản đã “lên mặt”, nhưng khi họ hiểu ra, ông Pham bảo vệ rừng là bảo vệ tài nguyên của quốc gia, bảo vệ nguồn sinh kế của chính những người dân trong bản… thì họ lại rất ủng hộ và cùng ông bảo vệ.
Một người dân cùng ông Pham tuần tra bảo vệ rừng cho biết: “Để giữ rừng, ngoài công tác tuyên truyền các quy định về quản lý bảo vệ rừng, 29 hộ dân trong thôn đều ký cam kết bảo vệ rừng với Trưởng bản, Trưởng bản ký cam kết với xã. Riêng bản Tát Kẻ, cứ mỗi hộ có trách nhiệm bảo vệ một khu rừng, dù Nhà nước không giao rừng, các hộ trong bản vẫn quy ước với nhau như vậy. Giao như vậy, nhưng các hộ phải giám sát lẫn nhau, không để tình trạng lợi dụng chặt phá rừng. Nếu phát hiện hộ nào chặt phá rừng, ngoài việc báo với kiểm lâm, còn bị Trưởng bản phê bình trước cuộc họp dân”.
Người dân Tát Kẻ còn nghèo đói lắm, nhưng họ vẫn nâng niu, gìn giữ từng nhánh cây, ngọn cỏ. Cứ như vậy hơn 10 năm nay, ông Pham đã cùng bà con bản Tát Kẻ âm thầm bảo vệ rừng.
Rời bản Tát Kẻ, chúng tôi tìm đến Hạt Kiểm lâm Na Hang, nơi quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Tát Kẻ – Bản Bung. Khi chúng tôi nhắc đến ông Pham và bà con bản Tát Kẻ bảo vệ rừng, ông Quan Văn Tuệ – Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Na Hang, nói đầy vẻ tự hào, pha chút áy náy: “Nếu ở đâu cũng có những người như ông Pham, như người dân bản Tát Kẻ, thì có lẽ rừng sẽ còn xanh hơn thế này nhiều và chúng tôi cũng đỡ vất vả hơn. Gần chục năm nay, ở đây chưa từng xảy ra vụ phá rừng nào. Về vật chất, chúng tôi chưa có gì để động viên ông Pham, chỉ vào dịp tết chúng tôi mới gửi tặng ông và dân bản vài cuốn lịch. Tôi thực sự thấy áy náy, nhưng vì điều kiện chưa cho phép, nên chúng tôi chủ yếu động viên tinh thần bà con là chính”.