ThienNhien.Net – Ngày 16/7, Ban Chỉ huy Phòng chống bão lụt và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lâm Đồng cho biết, để chủ động phòng, chống và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, Ban đã đề nghị Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh tăng mức đầu tư cho công tác xây dựng và sửa chữa, nâng cấp các công trình phòng, chống lũ hàng năm, mua sắm trang thiết bị phòng, chống lụt bão như các thiết bị đo mưa, dự báo lũ quét, sạt lở đất…, các phương tiện cứu hộ, cứu nạn; đồng thời có phương án di dời dân ở huyện Đơn Dương và vùng “rốn lũ” Cát Tiên khi thủy điện xả lũ trong mùa mưa sắp đến.
Đối với vùng “rốn lũ” Cát Tiên, phương án phòng, chống lũ năm nay khác với các năm trước là nếu có lũ quét xảy ra do các công trình thủy điện đầu nguồn xả lũ, sẽ di dời khẩn cấp dân tại 6 xã và thị trấn nằm dọc sông Đồng Nai gồm Phước Cát 1, Phước Cát 2, Đức Phổ, Phù Mỹ, Quảng Ngãi và thị trấn Đồng Nai lên vùng cao tránh lũ. Tại huyện Đơn Dương tập trung nâng cao ý thức về công tác phòng, chống lụt bão, có kế hoạch gieo trồng các loại rau màu ở diện tích đất ven sông Đa Nhim hợp lý, nhằm hạn chế thiệt hại khi thủy điện Đa Nhim xả lũ.
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống bão lụt và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lâm Đồng, trong mùa mưa, bão năm 2013, tình hình thời tiết, thủy văn trên địa bàn tỉnh có nhiều diễn biến phức tạp, cần chủ động đề phòng bão mạnh, lũ quét, sạt lở đất ở các khu vực miền núi. Từ đầu năm đến nay, tình hình thời tiết cực đoan như mưa đá, mưa lớn bất thường kèm theo lốc xoáy xảy ra rất sớm (từ đầu tháng 2) và với cường độ mạnh trên địa bàn các huyện: Lâm Hà, Bảo Lâm, Đam Rông, Đạ Huoai, Đức Trọng và thành phố Đà Lạt, gây thiệt hại lớn cho sản xuất nông nghiệp của nhiều hộ dân và báo hiệu một năm với nhiều rủi ro thiên tai.
Ước tính thiệt hại do thiên tai từ đầu năm đến ngày 15/7 là trên 9,2 tỷ đồng. Mới nhất, chiều 13/7, cơn mưa lớn kéo dài gần 2 giờ kèm gió lốc và mưa đá đã làm hư hỏng hơn 1,1 ha nhà lưới và nhà kính sản xuất rau công nghệ cao của một số hộ dân ở huyện Đơn Dương, thiệt hại ban đầu gần 2 tỉ đồng.