ThienNhien.Net – Cách trung tâm thành phố Bạc Liêu 7 km có một cánh rừng mang tên Vườn chim Bạc Liêu (thuộc phường Nhà Mát, TP. Bạc Liêu).
Vườn có trên trăm năm tuổi, là cánh rừng ngập mặn nguyên sinh duy nhất giữa lòng thành phố ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Bước qua cánh cổng của Vườn chim Bạc Liêu là một thế giới hoàn toàn khác biệt. Đó là một cánh rừng nguyên sinh đúng nghĩa của sinh thái rừng ngập mặn ĐBSCL.
Từ vào cổng miễn phí
Ở đây, dấu vết của bàn tay con người chỉ là vài con đường nhựa, bê tông, một khu hành chính là trụ sở Vườn và những con kênh đào dẫn nước khiêm tốn nằm len lỏi dưới chân rừng. Còn những thứ giữ “vai trò thống trị” nơi đây là cây rừng, dây leo, cỏ dại, chim thú, các loài cá nước mặn… Vào giữa ruột rừng, có rất nhiều điểm dừng chân không thấy dấu vết của cuộc sống hiện đại mà chỉ có toàn cây cối và tiếng chim chóc, thú hoang. Ông Nguyễn Trung Chánh, Giám đốc Vườn chim, giới thiệu: “Vườn có diện tích gần 130 ha thì rừng chà là nguyên sinh đã chiếm đến 70%. Đó là khu rừng chà là nguyên sinh lớn nhất cả nước, không đâu có”.
Cùng với sự đa dạng sinh học gần như nguyên mẫu của rừng ngập mặn, bao gồm 150 loài động vật, 109 loài thực vật với hàng chục loài động, thực vật thuộc Sách đỏ Việt Nam, Vườn chim Bạc Liêu mang một giá trị không thể đổi được bằng tiền. Thế nhưng mãi đến hôm nay, Vườn chim vẫn là nơi phục vụ miễn phí cho khách tham quan.
Ông Chánh tâm sự: “Ở một khía cạnh nào đó, người ta vẫn nghĩ phải đầu tư “hoành tráng” thì thu tiền vé mới hợp lý, như nhiều nơi vẫn làm. Nhiều người chưa có cái nhìn sòng phẳng về giá trị của Vườn chim Bạc Liêu”.
Trăn trở của ông Chánh cũng như của gần 30 cán bộ Vườn chim Bạc Liêu không phải là số tiền lẽ ra thu được từ khoản bán vé mà là cái nhìn của xã hội với Vườn chim chưa công bằng. “Vì không thấy được giá trị thực của Vườn chim Bạc Liêu nên các mối xâm hại đối với Vườn chim ngày càng gia tăng. Hiện chúng tôi đang gặp khó khăn lớn trong việc phòng chống trộm chim và xâm hại Vườn chim” – ông Chánh cho biết.
Đến những tên trộm bất trị
Theo ghi nhận của Viện Sinh học Nhiệt đới, năm 2003, Vườn chim Bạc Liêu có khoảng 70.000 cá thể. Mười năm sau, cũng Viện này về đo đếm lại thì chỉ còn khoảng 40.000 – 50.000 con chim các loài. Tức bình quân trong 10 năm qua, mỗi năm Vườn chim Bạc Liêu bị giảm đi 2.000 cá thể chim. Điều băn khoăn hơn cả là các tác nhân khiến đàn chim giảm sút ngày càng nhiều, bao gồm các hoạt động sản xuất kinh doanh gây tiếng ồn quanh Vườn chim, những kẻ trộm chim, các quán nhậu lấy chim, cò làm đặc sản…
Đầu tháng 7, ông Chánh đã làm một báo cáo gửi Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu – đơn vị chủ quản – để báo gấp về tình hình trộm chim. Ông cho biết: “Chỉ trong 6 tháng đầu năm đã có 7 vụ xâm phạm làm tổn hại Vườn chim và trộm chim. Đó là con số quá lớn so với những năm trước. Ngoài ra, các hoạt động dùng cơ giới nạo vét ao tôm của người dân trong khu vực vùng đệm cũng chưa có dấu hiệu dừng lại, quán nhậu có đặc sản chim cò ngày càng nhiều… báo động tình hình tổn hại Vườn chim sẽ ngày càng tăng”.
Tuy nhiên, điều khiến Ban Giám đốc Vườn chim Bạc Liêu lo lắng nhất lại là những kẻ trộm chim. Những cách thức bắt trộm chim như đặt bẫy, bắn bằng súng săn, móc ổ bắt chim non, soi đèn pin đập trực tiếp… sẽ khiến một số loài bỏ hẳn Vườn chim để tìm nơi cư ngụ mới. Để chống trộm, ông Chánh cho bố trí lực lượng trực đêm quanh năm nhưng nạn trộm chim gần như bất trị. Bởi sau khi bị bắt giao cho cơ quan chức năng, những kẻ trộm chim lại được thả và lại trở về với “nghề” trộm chim.
Đầu tháng 7, cán bộ vườn bắt được hai tên trộm cùng tang vật là 99 con chim non các loại. Điều oái oăm là dù họ đã dùng cây đánh lại làm rách mặt cán bộ Vườn và làm thiệt hại 99 con chim nhưng cũng chỉ bị đưa ra kiểm điểm trước dân rồi… được tha. Trong khi đó, 99 con chim là tang vật trong vụ trộm có thể bán ra thị trường được 3 triệu đồng, trên mức khởi tố hình sự.
“Rất nhiều vụ xâm hại đốn cây rừng, bắt chim nhưng khi chúng tôi giao cho cơ quan chức năng thì đều bị xử lý rất nhẹ, không khởi tố, dù có những vụ trộm đến mức xử lý hình sự. Điều chúng tôi băn khoăn là hiện vẫn chưa có quy định xử lý đặc thù khi người ta xâm hại vào khu vực Vườn cũng như chính quyền địa phương chưa cương quyết trong việc xử lý những kẻ xâm hại Vườn” – ông Chánh chia sẻ.
Do tang vật thu được không có loài chim thuộc Sách đỏ và phía lãnh đạo Vườn chim không đề nghị xử lý theo pháp luật, hơn nữa các đối tượng trộm lại thuộc gia đình dân tộc nghèo nên UBND xã quyết định răn đe bằng cách phạt hành chính và đưa ra công khai trước dân. Làm như vậy vừa tạo điều kiện cho họ có cơ hội sửa đổi, vừa tuyên truyền trong dân về hành vi trộm chim.
Ông Phan Tuấn Khải, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình, Bạc Liêu – xã cư trú của hai người vừa bị bắt quả tang trộm chim |