ThienNhien.Net – Theo số liệu vừa công bố của Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường, trung bình mỗi ngày có 240.000 m3 nước thải từ các khu công nghiệp được xả thẳng ra môi trường, chưa qua xử lý. Điều đáng nói là nhiều doanh nghiệp sẵn sàng vi phạm rồi nộp phạt vì chi phí vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung (HTXLNTT) rất tốn kém.
Còn nhiều vi phạm
Theo Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường, chỉ riêng 6 tháng đầu năm, toàn ngành Tài nguyên và Môi trường đã xử phạt trên 8,1 tỷ đồng vi phạm về môi trường, kiến nghị truy thu trên 545 triệu đồng. Tuy nhiên, con số này vẫn chưa phản ánh hết tình hình vi phạm của các cơ sở sản xuất.
Từ đầu năm tới nay, Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã ban hành nhiều quyết định xử phạt đối với các cơ sở sản xuất vi phạm về bảo vệ môi trường.
Cụ thể, gần đây nhất, ngày 10/7 vừa qua, đoàn thanh tra môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tiến hành kiểm tra đột xuất và bắt quả tang Công ty Cổ phần giấy An Hòa (đóng trên địa bàn huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) đã xả ra sông Lô một khối lượng nước thải khoảng 5.500 m3/ngày đêm chưa qua xử lý. Công ty Cổ phần Giấy An Hòa sản xuất với quy mô lớn, nước thải của Công ty là 7.500 m3/ngày. Nhà máy có hệ thống xử lý nhưng hệ thống này hiện không chạy đúng quy định, chỉ có khoảng 500 m3/ngày chảy vào hệ thống xử lý. Trước đó, Công ty này cũng bị Cảnh sát Môi trường phạt 225 triệu đồng do có hành vi xả nước thải vượt tiêu chuẩn, gây ô nhiễm môi trường.
Ngày 12/7, Phòng Cảnh sát Môi trường (Công an tỉnh Đắk Nông) ra quyết định xử phạt đối với nhà máy sản xuất cồn công nghiệp thuộc Công ty TNHH Đại Việt đóng trên địa bàn với số tiền 115 triệu đồng. Nguyên do bởi nhà máy đã tự ý hoạt động trở lại trong thời gian bị đình chỉ, với công suất 1.500 tấn nguyên liệu/ngày, xả thải gấp 10 lần tiêu chuẩn cho phép. Doanh nghiệp này cũng tự ý điều chỉnh thay đổi công trình xử lý môi trường so với báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được duyệt. Đây là lần thứ 3 doanh nghiệp này bị xử phạt vi phạm hành chính trong năm 2013.
Bên cạnh đó, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cũng đã hoàn thành kết luận thanh tra, kiểm tra đối với 130 cơ sở, khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn 8 tỉnh, thành phố. Trên cơ sở đó, đã xử phạt hành chính 61 đối tượng vi phạm với số tiền 5.044 triệu đồng.
Hiện Tổng cục đang tiến hành thanh tra 81 cơ sở, khu công nghiệp, cụm công nghiệp tại 5 tỉnh, thành phố khác; tham gia đoàn giám sát của Ủy ban Khoa học – Công nghệ và Môi trường của Quốc hội làm việc với Ủy ban nhân dân các tỉnh Hà Nam, Ninh Bình, Quảng Ngãi, Đà Nẵng về thực hiện chính sách, pháp luật bảo vệ môi trường.
Lắp đặt các trạm quan trắc tự động, kịp thời phát hiện những sai phạm
Theo ông Lê Vũ Tuấn Anh, Phó Chánh thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhiều doanh nghiệp sẵn sàng vi phạm rồi nộp phạt vì vận hành hệ thống xử lý nước thải khá tốn kém. Thời gian qua, việc xử phạt vẫn được thực hiện theo Nghị định 117 ngày 31/12/2009 của Chính phủ, mức phạt cao nhất cho một hành vi vi phạm là 500 triệu đồng. Mức phạt này được coi là còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe. “Tôi thấy mấy năm qua, rất ít doanh nghiệp bị phạt đến 200 triệu đồng với hành vi xả nước thải thẳng ra môi trường, chủ yếu mức phạt là 30 – 50 triệu. Phạt nhẹ quá nên doanh nghiệp không sợ” – Ông Tuấn Anh trăn trở.
Hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường đang soạn thảo Nghị định mới thay thế Nghị định 117. Theo đó, mức xử phạt cao nhất cho hành vi vi phạm môi trường được nâng lên 1 tỉ đồng (với cá nhân) và 2 tỉ đồng (đối với tổ chức).
TS. Hoàng Dương Tùng – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho rằng 60% các khu công nghiệp ở Việt Nam đã xây dựng HTXLNTTT nhưng do vận hành tốn kém nên không ít nơi cố tình né tránh. Bởi vậy, trung bình mỗi ngày vẫn có khoảng 240.000 m3 nước thải được xả thẳng ra môi trường, chưa qua xử lý.
Theo ông Tùng, để giám sát chặt chẽ hoạt động xả thải ra môi trường của các cơ sở sản xuất, cần phải lắp đặt các trạm quan trắc tự động để kịp thời phát hiện những sai phạm. Hệ thống quan trắc sẽ giúp Ban quản lý các khu công nghiệp nắm được thông số về mức độ ô nhiễm từ nước thải, chất lượng nước, tình hình thu gom, xử lý chất thải rắn… Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có khoảng 10% HTXLNTTT của các khu công nghiệp có lắp đặt hệ thống quan trắc tự động.
Theo các chuyên gia nghiên cứu về môi trường, để buộc các doanh nghiệp, các nhà đầu tư phải áp dụng các biện pháp xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh cần phối hợp với Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc chấp hành Luật Bảo vệ môi trường, xử lý chất thải tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp nhằm xử lý nghiêm các cơ sở công nghiệp xả thải thẳng ra môi trường. Đồng thời yêu cầu chủ đầu tư, các doanh nghiệp thực hiện và cam kết thời gian hoàn thành việc đầu tư xây dựng hệ thống thu gom và khu xử lý nước thải tập trung, làm cơ sở xem xét, chấp thuận đầu tư xây dựng các dự án mới sau khi đã có khu xử lý nước thải tập trung.
Để đạt mục tiêu là đến năm 2020, Việt Nam sẽ cơ bản kiểm soát được trên 90% nguồn thải ô nhiễm phát sinh từ các khu công nghiệp và trên 30% nguồn thải ô nhiễm phát sinh từ các cụm công nghiệp, Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn 2030, Việt Nam phải cần khoảng 1.107.657 tỷ đồng để bảo vệ môi trường. Trong đó, việc xử lý nước thải công nghiệp cần tới 276.814 tỷ đồng.