ThienNhien.Net – Bất chấp thất bại của lệnh thương mại hóa ngà voi, sừng tê giác tiếp tục là đối tượng được vận động buôn bán hợp pháp với cùng mục tiêu để cứu loài này khỏi nguy cơ tuyệt chủng. Tuy nhiên, nếu được tán thành, động thái đi ngược lại lệnh cấm đã tồn tại hơn 30 năm nay cũng khó mà chế ngự nổi lòng tham của con người và dễ sa vào vết xe đổ của ngà voi.
Sẽ viết tiếp câu chuyện thất bại của ngà voi?
Những năm qua, nhiều nông dân nuôi tê giác tại Nam Phi đã phải cưa sừng để bảo vệ tê giác khỏi nạn săn trộm. Nhưng thay vì tiêu hủy những chiếc sừng được cưa một cách hợp pháp này, họ đang tích trữ chúng trong các kho chứa kiên cố với hy vọng một ngày nào đó, khi buôn bán sừng tê giác được hợp pháp hóa, họ có thể bán chúng và thu về hàng trăm triệu đô la.
Và hy vọng ấy đang được nhen nhóm bởi Chính phủ Nam Phi khi nước này bày tỏ quan điểm ủng hộ hợp pháp hóa buôn bán sừng tê giác.
Bà Edna Molewa, Bộ trưởng Bộ Nước và Các vấn đề môi trường Nam Phi cùng đoàn đại biểu nước này tham dự Hội nghị các nước thành viên Công ước Buôn bán Quốc tế Các loài Động Thực vật Hoang dã Nguy cấp lần thứ 16 (COP16 CITES) được tổ chức tại Bangkok (Thái Lan) hồi tháng 3 năm nay cho biết hiện họ đang xây dựng nền tảng cho một cơ chế buôn bán sừng tê giác. Cho rằng chính quyền Nam Phi đã làm hết khả năng của mình để đem lại tương lai tươi sáng hơn cho loài tê giác nhưng tê giác vẫn ngày ngày bị sát hại với số lượng tăng dần, bà Molewa tin hợp pháp hóa buôn bán sừng tê giác sẽ là hướng đi đúng đắn góp phần đẩy lùi nạn săn trộm và buôn bán trái phép. |
Lý lẽ họ đưa ra khá dễ hiểu. Họ cho rằng những nỗ lực ngăn chặn nạn săn trộm hiện nay không thể ngăn nổi nhu cầu khổng lồ về sừng tê giác ở các thị trường châu Á. Theo đó, cách tốt nhất để bảo vệ loài này là cho phép buôn bán sừng tê giác trong các kho dự trữ dưới sự kiểm soát của chính quyền. Như thế sẽ vừa đáp ứng được nhu cầu, vừa làm suy yếu thị trường chợ đen.
Mới nghe có vẻ hợp lý và khả thi nhưng hãy nhớ lại câu chuyện cách đây không lâu CITES cho phép bán đấu giá ngà voi, phá bỏ lệnh cấm buôn bán ngà voi năm 1989. Chắc hẳn không ít người sẽ phân vân rằng hình như hợp pháp hóa buôn bán sừng tê giác đang đi theo vết xe đổ của ngà voi?
Nếu bằng chứng về hàng loạt cái chết của những cá thể voi trong thời gian gần đây chưa đủ để chứng minh sự thất bại của chiến lược này thì chúng ta có thể nhìn ngay vào vụ việc gần đây nhất khi truyền thông Trung Quốc đưa tin một thương nhân với sự hậu thuẫn của chính quyền Phúc Kiến đã cầm đầu đường dây buôn lậu gần 8 tấn ngà voi từ Kenya, Tanzania và Nigeria để nguội bớt hy vọng về nó.
Sự thật là thương mại hóa ngà voi chẳng giúp gì cho việc đẩy lùi nạn săn trộm mà thay vào đó còn trực tiếp làm tăng nhu cầu, gây tâm lý hoang mang cho người tiêu dùng và tạo vỏ bọc hoàn hảo cho lượng ngà voi bị săn trộm trà trộn vào thị trường.
Công bằng mà nói, Nam Phi chưa thực sự nỗ lực thực thi các đề xuất của CITES và bảo vệ các loài động vật quý hiếm của nước họ. Dưới hình thức săn bắn hợp pháp, chính quyền Nam Phi đã vô tình tiếp tay cho những kẻ môi giới cung cấp giấy phép cho công nhân Thái Lan và các nước khác săn trộm tê giác, rồi xuất khẩu hợp pháp “chiến lợi phẩm” của mình sang các thị trường nước ngoài, nhiều nhất là Việt Nam.
Chính tin đồn vô căn cứ về công dụng chữa ung thư ở Việt Nam đã thổi bùng “cơn khát” sừng tê giác trên thị trường Việt và nhiều quốc gia châu Á. Nhưng dù công dụng ấy là thật hay chỉ là ảo tưởng thì niềm tin mà nhiều người dân Việt Nam đặt vào nó cũng khó có thể mất đi trong một sớm một chiều, nhất là trong bối cảnh một nước nghèo có tỷ lệ tử vong vì ung thư cao như Việt Nam.
Hệ lụy đằng sau
Dễ dàng nhận thấy hợp pháp hóa buôn bán sừng tê giác đồng nghĩa với việc hợp pháp hóa một tội ác lớn xuyên quốc gia, tạo cơ hội cho các tổ chức tội phạm và môi giới tiếp tục tồn tại và lớn mạnh.
Nếu điều này thành hiện thực thì chẳng khác nào chúng ta đang ủng hộ một cách hợp pháp và vô điều kiện cho tin đồn vô căn cứ về công dụng chữa bách bệnh của sừng tê giác và khiến người Việt Nam tiếp tục đi sai đường.
Ngay cả khi lệnh hợp pháp hóa buôn bán ra đời, loài tê giác vẫn cứ chết dần chết mòn để đáp ứng nhu cầu của một lượng lớn người tin vào công dụng từ sừng của nó và cần đến nó.
Và thay vì ủng hộ một hướng đi biến tê giác thành hàng hóa, đồng thời có khả năng đẩy chúng tới bờ vực tuyệt chủng, Chính phủ Nam Phi nên triển khai những giải pháp quyết liệt hơn mà trước mắt là công khai tiêu hủy tất cả các kho dự trữ sừng tê giác để chứng minh cho người Việt Nam thấy chúng không thần kỳ như họ nghĩ.
Ở cấp độ quốc tế, Nam Phi nên truy tới cùng những kẻ cầm đầu các đường dây buôn bán lớn hơn là chỉ xử lý từng tên săn trộm lẻ tẻ. Cùng với đó, chính quyền Nam Phi có thể gây sức ép buộc Việt Nam và các nước trung chuyển sừng tê giác phải xóa bỏ tham nhũng, thắt chặt quản lý nạn buôn lậu qua biên giới, không chừa đường đi cho những kẻ buôn lậu.
Paul Newman – tác giả bài viết là cán bộ truyền thông báo chí của Cơ quan Điều tra Môi trường (EIA) có trụ sở tại Luân Đôn (Anh). Trước đó, ông từng làm việc ở vị trí phóng viên và biên tập cho các tờ báo Herts & Essex và Essex County.