ThienNhien.Net – Dòng nước trên kênh Nước Đen (phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân), kênh Đôi (xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh)… đen ngòm, bốc mùi hôi thối ngày đêm làm khổ người dân. Điều đáng bàn là các cơ quan chức năng TPHCM đã xử lý nạo vét, vớt rác nhưng ngay sau đó ô nhiễm lại như cũ. Người dân bức xúc, nhà chức trách “lực bất tòng tâm”. Nguyên nhân do đâu?
Kênh đầy rác
Người dân sống ven kênh Nước Đen (phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân) đang phải chịu đựng mỗi ngày vì hàng đống rác thải trôi lềnh bềnh trên kênh; chất đống bên bờ kè kênh… Thậm chí, không hiếm xác động vật trôi dập dềnh. Những ngày trời mưa hoặc nắng nóng, mùi nước hôi thối bốc lên, theo gió tỏa đi khắp nơi; ruồi, nhặng sinh sôi, bu bám thức ăn rất mất vệ sinh. “Chúng tôi phải đeo khẩu trang suốt ngày để bán hàng cho khách vì nước kênh hôi quá. Trẻ em, người lớn tuổi nơi đây dễ bị các bệnh về đường hô hấp” – dì Năm, một người dân bán quán nước tại khu phố 3, phường Bình Hưng Hòa A cho biết.
Để tận dụng triệt để “nguồn lợi” từ những vỏ nhựa, chai lọ… trôi nổi trên tuyến kênh đen, nhiều người thu mua ve chai đã tranh thủ vớt số rác thải này để kiếm tiền. Bà Tứ, một người mua ve chai dạo tại phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân thừa nhận, việc lượm lặt phế thải trên dòng kênh không dễ do mùi hôi thối hoặc có thể trượt chân té xuống kênh nhưng thu nhập từ điểm đen này cũng đem lại khoảng vài chục ngàn mỗi lần vớt.
Hai bờ Ấp Chiến Lược, đoạn giao với kênh Nước Đen, là nơi họp chợ của nhiều hộ dân. Rác sau họp chợ được người dân gom đổ đống trên bờ, hoặc tiện tay vứt xuống dòng kênh. Lượng rác dồn về đoạn kênh Nước Đen (khu Cống hộp giao với đường Tân Kỳ Tân Quý) dày đặc.
Tương tự, tình trạng ô nhiễm đến “nghẹt thở” cũng đang xảy ra đối với các hộ dân sống tại khu vực giáp ranh ấp 5, xã Phạm Văn Hai (huyện Bình Chánh, TPHCM) với Khu công nghiệp Hạnh Phúc (huyện Đức Hòa, tỉnh Long An). Tại đây, tuyến kênh Đôi nối liền hai tỉnh tải dòng nước thải vàng nhợt, có lúc chuyển đen đặc sánh, khét lẹt gây choáng váng đầu óc những người mới tới đây lần đầu. Theo anh Hà Văn Bình (ngụ tại ấp 5, xã Phạm Văn Hai), Khu công nghiệp Hạnh Phúc gây ô nhiễm nặng cho nhiều gia đình sống tại đây. Những lúc gió thổi ngược, thổi quẩn thì cả khu vực An Hạ và khu dân cư xa hơn đều ngửi mùi hôi, thối. “Lúc còn nhỏ, con và chị vẫn tắm ở kênh Đôi. Lúc đó nước trong veo, thấy cá bơi lội, còn giờ cá không sống nổi. Con sợ lắm, không dám đặt chân xuống kênh. Nước kênh Đôi nhiễu vào người là con bị dị ứng, mẩn đỏ, ngứa ngáy rất khó chịu” – cháu Hà Chánh Hưng, 11 tuổi, con trai anh Hà Văn Bình kể.
Cơ quan chức năng gặp khó
Trao đổi về thực trạng ô nhiễm môi trường tại tuyến kênh Đôi, lãnh đạo UBND xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh cho biết, tình trạng này đã diễn ra từ nhiều năm qua nhưng chưa có biện pháp giải quyết triệt để. Cụ thể, từ đầu năm 2013 đến nay, UBND huyện Bình Chánh đã có công văn kiến nghị gửi HĐND, UBND TPHCM về việc Khu công nghiệp Hạnh Phúc xả thải ảnh hưởng môi trường và đã được UBND TP chuyển Sở Tài nguyên – Môi trường TP xem xét. Tiếp đó, ngày 16-4, Chi cục Bảo vệ Môi trường TPHCM cũng đã có công văn đề nghị Chi cục Bảo vệ Môi trường tỉnh Long An kiểm tra, rà soát, xử lý hoạt động của Khu công nghiệp Hạnh Phúc. Tuy nhiên, cho tới thời điểm này, thực trạng ô nhiễm môi trường tại điểm “nóng” này vẫn chưa được cải thiện. Theo ông Đặng Thành Tài, Phó Chủ tịch UBND xã Phạm Văn Hai, vì nơi xảy ra ô nhiễm thuộc khu vực giáp ranh giữa hai tỉnh, nên việc phối hợp xử lý không đơn giản.
Tại khu vực kênh Nước Đen (phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân), tình hình cũng “đen” tương tự. Được biết, UBND phường Bình Hưng Hòa thường xuyên phối hợp với Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị TP, Xí nghiệp Vận chuyển 1 và Trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập nước TP vận chuyển, nạo vét rác thải, khơi thông dòng chảy, góp phần làm sạch đẹp tuyến kênh đen. Tuy nhiên, thực tế việc phối hợp này còn thiếu nhịp nhàng.
Ông Ngô Xuân Thông, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân cho rằng, UBND phường chỉ quản lý trực tiếp các tổ thu gom rác dân lập. Đối với các loại rác tập kết dọc bờ kênh thuộc trách nhiệm của Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị TP. Việc nạo vét, làm sạch rác tuyến kênh Nước Đen lại thuộc trách nhiệm của Trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập nước TP. Và đây chính là nguyên nhân khiến hiệu quả cải thiện chất lượng ô nhiễm môi trường bị hạn chế. Điển hình, Chương trình chống ngập nước TP hỗ trợ nạo vét rác tuyến Cống hộp (kênh Nước Đen), UBND phường Bình Hưng Hòa A phải gửi văn bản đề nghị và thường nhận được trợ giúp… sau một tháng. Đã thế, kênh Nước Đen vừa được nạo vét cuối tháng 5-2013, nhưng tới nay đã phủ kín rác, nước đen ngòm. Bên cạnh đó, một nguyên nhân gây bức xúc nữa là đoạn Cống hộp nằm phía hạ lưu dự án kênh Tham Lương – Bến Cát – Rạch Nước Lên nên hứng chịu toàn bộ rác, nước xả thải khu vực thượng lưu.
Dễ nhận thấy rằng, các tuyến “kênh đen” và “rạch rác” đang tiếp tục hủy hoại sức khỏe người dân, tàn phá môi trường sống. Giải pháp, nguồn nhân lực, vật lực đã có nhưng tại sao kênh vẫn đen? Lý giải điều này, cơ quan hữu trách cho biết đã cố gắng làm hết trách nhiệm, nhưng vẫn gặp một số khó khăn trong việc phối hợp giải quyết giữa các đơn vị chuyên trách; giữa địa bàn giáp ranh; phí xử phạt người dân thiếu ý thức không đủ tính răn đe… Như vậy, từ nay cho tới thời điểm kênh hết ô nhiễm, có lẽ người dân còn phải đợi khá lâu.