ThienNhien.Net – Ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật khẳng định Cục sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương giám sát chặt vấn đề tồn dư thuốc bảo vệ thực vật ở các mặt hàng có nguồn gốc thực vật nhằm khuyến cáo người tiêu dùng trong sử dụng sản phẩm an toàn.
Trao đổi với PV Báo Điện tử Chính phủ về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT) cho biết chương trình giám sát quốc gia về tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trên rau quả từ 2008 đến nay cho thấy: nhóm rau ăn lá có nguy cơ cao hơn rau ăn quả, trong đó, những loại rau có nguy cơ cao gồm rau ngót, rau muống, cải xanh, đậu đỗ.
Dựa trên kết quả giám sát từ năm 2008 đến hết năm 2012, Cục BVTV sẽ tiếp tục kiểm tra lại một số kết quả đã thực hiện trong vòng 5 năm qua, đồng thời xác định trong số các loại củ quả thì nho tươi hiện nay vẫn là loại quả dẫn đầu có nguy cơ cao về mất an toàn thực phẩm do dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và chất bảo quản.
Với các loại rau ăn lá thì rau ngót, rau muống là những loại có nguy cơ cao về mất an toàn thực phẩm, còn những các loại như: bầu, bí một số các loại quả như bưởi, xoài thì nguy cơ thấp hơn.
Trên cơ sở các kết quả phân tích, Cục BVTV sẽ phối hợp với các địa phương để tìm hiểu nguyên nhân chính là ở khâu nào (do quy trình sản xuất chưa phù hợp hay do người nông dân chưa có kiến thức hoặc chưa có những kinh nghiệm trong phòng chống các loại dịch hại trên các loại rau này…) để chấn chỉnh kịp thời, qua đó khuyến cáo nông dân và các địa phương tổ chức sản xuất ra các nông sản và đặc biệt là các loại rau ăn lá này an toàn hơn so với trước đây.
Đề cập vấn đề trong thời gian qua, nhiều mặt hàng nông sản có nguồn gốc thực vật khi kiểm tra đều phát hiện dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép, ông Nguyễn Xuân Hồng nói 2 năm vừa qua, sau khi trực tiếp kiểm tra Bộ NNPTNT đã công bố số liệu công khai để người tiêu dùng biết là chúng ta đang kiểm soát tốt các loại nông sản thực phẩm nhập khẩu, đặc biệt là trên các loại rau, củ quả tươi và các loại có nguy cơ cao nhiễm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
Theo Thông tư số 13 của Bộ NNPTNT thì việc kiểm tra các loại nông sản làm thực phẩm có nguồn gốc thực vật không chỉ tiến hành tại cửa khẩu mà còn được kiểm tra trong suốt quá trình vận chuyển bảo quản và lưu thông trên thị trường. Khi các nông sản thực phẩm được đưa qua cửa khẩu thì chúng ta vẫn tiếp tục giám sát, vì không loại trừ tình trạng sau khi đã nhập khẩu, các chất bảo quản vẫn được tiếp tục đưa vào các loại quả, thực phẩm để bảo quản.
Ông Nguyễn Xuân Hồng khẳng định trong thời gian tới, công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này không chỉ kiểm tra về chỉ tiêu dư lượng hóa chất mà còn kiểm tra cả những chỉ tiêu khác có nguy cơ dẫn đến mất an toàn thực phẩm, như chỉ tiêu về vi sinh vật.
Cùng với đó, cơ quan chức năng sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc phối hợp với các nước xuất khẩu hàng nông sản sang Việt Nam để có thể kiểm tra tận gốc và tìm hiểu thông tin về quy trình sản xuất, vùng sản xuất và những mối nguy cơ những hóa chất đang được sử dụng trong sản xuất để tiết kiệm chi phí kiểm tra hàng hóa nhập khẩu, đồng thời có thông tin chính xác, rõ ràng đến người tiêu dùng.