ThienNhien.Net – Theo Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung đến năm 2020 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, phấn đấu GDP bình quân đầu người vùng này đến năm 2020 đạt khoảng 53 triệu đồng, tương đương 2.500 USD, bằng khoảng 76% mức bình quân đầu người của cả nước.
Xây dựng vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung trở thành khu vực phát triển năng động, nhanh và bền vững; cải thiện căn bản đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của nhân dân, đẩy mạnh công tác xóa đói, giảm nghèo, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào ở các xã đặc biệt khó khăn, vùng căn cứ kháng chiến.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng phát triển theo chiều sâu, tập trung khai thác các lợi thế so sánh của vùng, tỷ trọng công nghiệp – dịch vụ – nông nghiệp đến năm 2020 tương ứng là 41,9%, 39,9% và 18,2%.
Đến năm 2015, dân số của Vùng khoảng 20 triệu người và khoảng 21,2 triệu người vào năm 2020. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới của Vùng giảm bình quân 2 – 3%/năm.
Tập trung nuôi trồng các loại thủy sản là đặc sản có giá trị cao
Về phát triển nông nghiệp, xây dựng vùng chuyên canh trồng cây ăn quả, cây công nghiệp ngắn và dài ngày, cây rau màu có lợi thế theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu từng địa phương trong Vùng.
Tập trung xây dựng mới và mở rộng một số đồng muối ở Tĩnh Gia (Thanh Hóa), Quán Thẻ (Ninh Thuận), Bình Nam ở Thăng Bình (Quảng Nam), Hòn Khói (Khánh Hòa) cung cấp muối phục vụ nhu cầu tiêu dùng.
Phát triển nuôi trồng thủy sản công nghiệp và bán công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn sinh thái vùng ven biển. Tập trung phát triển nuôi trồng các loại thủy sản là đặc sản có giá trị cao (tôm hùm, cá ngựa, các loại nhuyễn thể…) phù hợp với điều kiện tự nhiên của Vùng.
Bên cạnh đó đầu tư hạ tầng để phát triển nuôi trồng thủy sản tập trung tại các địa phương bao gồm cả nuôi thủy sản trên vùng đất cát. Thúc đẩy phát triển nuôi trồng thủy sản khu vực bãi ngang, đầm, phá ven biển từ Nam Quảng Bình đến vùng đầm phá Tam Giang (Thừa Thiên – Huế); các vùng cửa sông từ Quảng Nam đến Bình Thuận.
Đồng thời từng bước nâng cấp đội tàu đánh bắt thủy sản công suất lớn có trang thiết bị hệ thống thông tin, đưa dẫn, ngư cụ và bảo quản đông lạnh hiện đại để nâng cao năng lực đánh bắt xa bờ. Tổ chức tốt các dịch vụ hậu cần (cung cấp nước, đá, dầu, bảo dưỡng, sửa chữa…) phục vụ tàu đánh bắt trên biển dài ngày.
Đẩy nhanh phát triển công nghiệp hóa dầu
Về công nghiệp, đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế của Vùng như: đóng tàu và sửa chữa tàu thuyền, cơ khí chế tạo, dệt may, da giày, sản xuất xi măng, chế biến thủy sản, mía đường… Hình thành các trung tâm công nghiệp lớn ở các tỉnh Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định.
Cùng với đó từng bước tạo dựng, phát triển ngành điện tử và công nghệ thông tin để hỗ trợ cho các ngành công nghiệp khác phát triển. Tập trung nguồn lực để đẩy nhanh việc phát triển công nghiệp hóa dầu thành một trong các trụ cột công nghiệp của Vùng và cả nước.
Về du lịch, phấn đấu đến năm 2020, xây dựng vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung trở thành Vùng có nhiều điểm du lịch kết nối được trong mạng lưới du lịch của các nước trong khu vực như: Thái Lan, Singapore, Malaysia, Indonesia… và là điểm đến thường xuyên của các tour du lịch quốc tế.
Tập trung khai thác thế mạnh du lịch lịch sử, văn hóa, nghỉ dưỡng biển đối với các tỉnh, thành phố ven biển từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh. Khai thác thế mạnh các di sản văn hóa, địa danh lịch sử, đặc biệt là những cảnh quan thiên nhiên ở dải ven biển gắn với các di sản thế giới như động Phong Nha và khu du lịch sinh thái Phong Nha – Kẻ Bàng (Quảng Bình), các di sản văn hóa kiến trúc cố đô Huế, đô thị cổ Hội An, di tích Mỹ Sơn và văn hóa Chàm (Đà Nẵng, Quảng Nam), địa danh lịch sử (Quảng Trị)…
Đầu tư một số trung tâm đào tạo chất lượng cao
Cũng theo Quy hoạch, cần đẩy mạnh công tác đào tạo, dạy nghề nhất là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng cho nhu cầu phát triển của Vùng. Ưu tiên đầu tư phát triển nguồn nhân lực thuộc lĩnh vực dịch vụ, du lịch chất lượng cao và các ngành công nghiệp điện tử, sản xuất phần mềm, tin học và tự động hóa…
Triển khai thành lập và xây dựng các trường dạy nghề trong các khu kinh tế; mở rộng mạng lưới cơ sở dạy nghề đến các huyện, xây dựng ở mỗi huyện có ít nhất 1 cơ sở dạy nghề. Xây dựng một số trường cao đẳng dạy nghề kỹ thuật cao tại Thanh Hóa, Vinh (kết hợp với trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh), Huế, Đà Nẵng, Dung Quất, Quy Nhơn (kết hợp với trường Cao đẳng Sư phạm Kỹ thuật Quy Nhơn) và Nha Trang.