ThienNhien.Net – Việc phát triển các khu công nghiệp (KCN) ở các tỉnh thành phố trên địa bàn cả nước là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta, hiệu quả kinh tế xã hội mà các KCN mang lại đã thấy rõ, hàng năm tạo ra 40% giá trị sản xuất công nghiệp, hơn 60% giá trị xuất khẩu của cả nước và giải quyết việc làm cho hơn 1,6 triệu lao động trực tiếp và gần 1,8 triệu lao động gián tiếp. Bên cạnh những đóng góp tích cực, các KCN đang tạo ra nhiều thách thức, đe dọa trực tiếp đến đời sống người dân nghèo, một trong những bức xúc nhất phần lớn liên quan đến vấn đề nhượng đất cho dự án và vấn nạn ô nhiễm môi trường do các nhà máy ở KCN gây ra.
Kỳ 1: Nghịch cảnh KCN ở Quảng Ninh
Con số 11 KCN đã và đang triển khai xây dựng tại Quảng Ninh chưa phải là nhiều so với một số tỉnh thành khác, thế nhưng nhìn lại thực trạng hoạt động của các KCN này trong những năm qua đã nảy sinh những vấn đề khó khăn trước mắt và lâu dài… Theo tìm hiểu của PV LĐXH có rất ít KCN được “lấp đầy” và phần lớn các KCN vẫn trong tình trạng “nằm chờ” nhà đầu tư. Đằng sau những dự án “nằm chờ” đó là hàng nghìn ha đất sản xuất nông nghiệp bị bỏ hoang.
KCN thành nơi… chăn thả bò
Quảng Ninh được nhiều người biết đến không chỉ có Vịnh Hạ Long tuyệt đẹp mà nơi đây cũng là một trọng điểm trong “tam giác” phát triển kinh tế xã hội phía Bắc (bao gồm: Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh). Tuy nhiên không ít người dân ở đây bày tỏ lo lắng cho các “dự án KCN nằm trong quy hoạch” đang trong tình trạng cỏ mọc um tùm.
Đến thị xã Quảng Yên, hỏi thăm KCN Đông Mai không ai là không biết, đây là dự án trọng điểm đã được tỉnh và Chính phủ phê duyệt và tiến hành thu hồi giải phóng mặt bằng từ năm 2008, hiện hàng trăm héc-ta đất nông nghiệp đã được nhượng cho dự án nhưng không hiểu vì nguyên nhân hiện nay vẫn nằm chờ nhà đầu tư.
KCN Đông Mai được thành lập theo Quyết định số 2267/QĐ-UBND của UBND tỉnh, là 1 trong 11 KCN nằm trong quy hoạch tổng thể phát triển các KCN. Dự án có tổng mức đầu tư 1.200 tỷ đồng, trên tổng diện tích 160 ha (chủ yếu là lấy đất nông nghiệp).
KCN Đông Mai do Tổng công ty Viglacera làm chủ đầu tư, sau khi hoàn thành KCN này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước tiếp tục đầu tư vào Quảng Ninh. Bên cạnh đó sẽ giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động trong và ngoài tỉnh.
Những tưởng KCN này sớm trở thành đòn bẩy ở khu vực Đông Bắc này, thế nhưng sau khi thu hồi, giải phóng mặt bằng KCN này bỗng trở thành nơi chăn thả bò trên chính những thửa ruộng lúa, hoa màu của chính các hộ dân nơi đây.
Mặc dù nằm cạnh trung tâm thị xã, có đường quốc lộ 18 chạy qua nhưng KCN này chẳng có gì ấn tượng ngoài hàng cây xanh mới trồng và biển quảng cáo quy hoạch trước cổng vào. Chị Nguyễn Thị Bình, người dân bán nước trước cổng KCN tâm sự: “Sau nhiều năm tha phương cầu thực, cuộc sống vợ chồng tôi vẫn khốn khó. Năm 2008, nghe tin quê mình có KCN lớn nên hai vợ chồng quyết định rời Hà Nội, với số tiền dành dụm về quê mở cửa hàng tạp hóa trước cổng KCN. Từ khi về đã hơn 3 năm nay quán của vợ chồng tôi vẫn chỉ có vài chai nước lè tẻ, vì chờ mãi mà KCN vẫn chưa có nhà máy hay công nhân đâu cả”.
Theo chỉ dẫn của chị Bình, đi sau vào bên chúng tôi không hề có nhà máy, công xưởng nào hoạt động, thay vào đó là những con bò gặm trên bãi cỏ nham nhở, khiến người ta lầm tưởng đây là bãi cỏ chăn thả bò.
Đi sâu vào KCN chúng tôi đến thôn Biểu Nghi 1, phường Đông Mai (Quảng Yên) nằm cận kề KCN, ông Nguyễn Văn Đông, Trưởng thôn bày tỏ: “Tôi làm trưởng thôn đã 15 năm nay, nhưng chưa bao giờ cảm thấy phiền não như hiện nay. Toàn thôn có 140 hộ, 420 nhân khẩu, 99% bà con làm nông nghiệp. Từ năm 2008, được sự vận động của các cấp chính quyền, hàng chục hộ dân đã nhượng khoảng 40 ha đất ruộng cho KCN. Bên cạnh việc nhân tiền đền bù với mức giá rẻ bà con còn nhận được lời hứa “sau khi nhà máy đi vào hoạt động con em các hộ mất đất sẽ được ưu tiên vào làm công nhân”, nhưng đã vài năm trôi qua dân trong làng chẳng thấy nhà máy nào đến, ruộng thì bỏ không, con em thì bỏ làng tha phương cầu thực”.
Nhìn khu đất ruộng bỏ không, ông Đoàn Văn Thông, thôn Biểu Nghi bức xúc: “Được sự vận động của chính quyền xã, toàn bộ 6 sào ruộng đã nhượng cho KCN, sau khi nhượng hi vọng con em trong nhà sẽ đi làm công nhân, ai ngờ…Thấy nhà máy chưa dùng đến đất, tôi đã xin tạm thời canh tác nhưng do hệ thống dẫn nước đã bị san lấp nên đành nhường cho cỏ dại”.
Trưởng thôn Nguyễn Văn Đông cho biết thêm: “Không chỉ có thôn Biểu Nghi 1 mất đất, các thôn lân cận như thôn Biểu Nghi 2, thôn Trại Thành cũng phải nhượng hàng chục hécta đất ruộng”.
Thấy đất bỏ hoang, nhiều hộ dân đã đề nghị cấp trên tạm thời xin lại đất để canh tác nhưng rất ít diện tích đất có thể canh tác trở lại vì đất cằn do quá trình san ủi KCN. Năm tháng trôi qua, không đành nhìn đất hoang phí, không ít hộ đã mua bò về chăn thả trong KCN.
Ông Vũ Anh Tuấn, Chánh văn phòng Ban quảng lý các Khu kinh tế, tỉnh Quảng Ninh cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện có 11 KCN được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phát triển đến năm 2020, với tổng diện tích trên 12.000 ha. Hiện tại mới chỉ có 3 KCN chính thức hoạt động là KCN Cái Lân, Việt Hưng (TP Hạ Long), Hải Yên (TP Móng Cái). |
Nghịch lý “thiếu – thừa”
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong danh sách các KCN được phê duyệt, có KCN chưa thu hút được dự án nào trong 2 năm qua, các dự án thứ cấp lấp đầy các KCN chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ.
Ông Trần Văn Trường, Giám đốc Ban quản lý KCN Cái Lân cho biết: KCN Cái Lân với tổng diện tích khoảng 305 ha, Cái Lân là khu liên hợp công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp với hạ tầng kỹ thuật tốt, hết sức hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư. Tới nay chỉ duy nhất KCN Cái Lân đã cơ bản lấp đầy. Tuy nhiên, ông Trường cũng bày tỏ lo lắng, do ảnh hưởng khó khăn chung của nền kinh tế vì vậy thực tế còn nhiều ô đất trống đã có chủ vẫn còn bị… bỏ hoang.
KCN Việt Hưng có tổng diện tích 301 ha, trong đó có 191 ha đất sản xuất công nghiệp (do Công ty Xây dựng Công trình 507 – Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 5 làm chủ đầu tư) đã thi công san đắp nền và xây dựng cơ sở hạ tầng 65 ha. KCN Việt Hưng bắt đầu triển khai xây dựng (năm 2006), UBND tỉnh cùng với Công ty nhiều lần kêu gọi đầu tư, nhưng chỉ vài doanh nghiệp (DN) đến thăm dò rồi ra đi mà không trở lại. Đến nay, chỉ có vài dự án FDI đang hoạt động tại KCN.
Tương tự, KCN Hải Yên (TP Móng Cái) rộng 182,4 ha, đến nay đã hoàn thành đền bù, GPMB cho giai đoạn I; san nền gần 50 ha; đã xây dựng kết cấu hạ tầng cho trên 18 ha; tổng vốn đầu tư thực hiện hàng chục tỷ đồng. Mặc dù đã có nhiều cố gắng, thế nhưng trong vài chục doanh nghiệp đến tìm hiểu đầu tư tại KCN Hải Yên, chỉ vẻn vẹn có 4 dự án đầu tư thứ cấp, trong đó có 2 doanh nghiệp với 2 dự án đầu tư nước ngoài thuê 6.000m2 đất và vốn đăng ký thực hiện đầu tư là 1,2 triệu USD.
Đối với 2 KCN Hải Hà và Đông Mai, mặc dù đã được phê duyệt khá lâu nhưng đến nay cả 2 KCN này vẫn nhiều chỗ trống chưa được lấp đầy. Vì sao có khá nhiều các KCN tại đây bị bỏ trống? Có rất nhiều nguyên nhân, nhưng có một nguyên nhân chính là thiếu một tầm nhìn chiến lược trong quy hoạch phát triển KCN, điều đó được các chuyên gia kinh tế nhìn nhận một cách khách quan. Điều đó cũng thể hiện như khả năng thu hút đầu tư của nhiều KCN còn thấp dẫn đến không phát huy được hiệu quả vốn đầu tư xây dựng KCN. Việc quy hoạch xây dựng các KCN hiện nay vừa trong tình trạng không đáp ứng kịp thời nhu cầu thuê đất của nhà đầu tư, vừa trong tình trạng để đất trống suốt thời gian dài. Đáng chú ý là hiệu quả sử dụng đất tại các KCN chưa cao, tỷ lệ lấp đầy bình quân đạt thấp, vốn đầu tư bình quân một dự án đầu tư nước ngoài trong KCN cũng ở mức thấp. Mặt khác, giá thuê đất gắn với hạ tầng ở nhiều nơi còn cao, chưa thu hút được các nhà đầu tư vào KCN…
Sau 10 năm hình thành các KCN và đi vào hoạt động đã thể hiện chủ trương và bước đi đúng hướng của Quảng Ninh. Tuy nhiên, với những thực trạng đang diễn ra, Quảng Ninh đang đứng trước một bài toán nặng nề, đó là quy hoạch lại hệ thống KCN trên toàn tỉnh, dựa trên cơ sở phát huy lợi thế so sánh của vùng, địa phương để lựa chọn mô hình phát triển KCN và cơ cấu đầu tư, cơ cấu ngành nghề công nghiệp phù hợp. Kiểm soát chặt chẽ việc thành lập mới và mở rộng KCN theo đúng quy hoạch; kiên quyết loại khỏi quy hoạch những dự án đầu tư phát triển KCN được dự báo hoạt động không hiệu quả hoặc khó thu hút đầu tư; thu hồi giấy phép đầu tư đối với các dự án đầu tư trong KCN mà chậm thực hiện hoặc không có khả năng triển khai…
Theo thống kê, đến tháng 6/2012 cả nước có 334 KCN đã được phê duyệt thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên là 90.900 ha, trong đó có 232 KCN đã đi vào hoạt động và 102 KCN đang trong giai đoạn đền bù giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ bản. Phần lớn diện tích đất cho KCN lấy từ quỹ đất nông nghiệp và phần không nhỏ diện tích này bỏ hoang. |
(còn nữa)