Chương trình quốc gia xúc tiến vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài

ThienNhien.Net – Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chương trình quốc gia xúc tiến vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài giai đoạn 2013 – 2017. Theo đó sẽ tăng cường huy động, khai thác và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn viện trợ của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, góp phần giảm nghèo và phát triển kinh tế – xã hội ở Việt Nam.

Ảnh minh họa: Chinhphu.vn
Ảnh minh họa: Chinhphu.vn

Viện trợ của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài cần phù hợp với định hướng phát triển kinh tế – xã hội, chiến lược xóa đói – giảm nghèo của cả nước, phù hợp với quy hoạch và ưu tiên phát triển theo ngành và của từng địa phương, hỗ trợ cho những nỗ lực giảm nghèo và phát triển bền vững của Chính phủ Việt Nam.

Các lĩnh vực ưu tiên kêu gọi viện trợ gồm: nông, lâm, ngư nghiệp và phát triển nông thôn; y tế; giáo dục và đào tạo; đào tạo, dạy nghề và hướng nghiệp; giải quyết các vấn đề xã hội; môi trường; khắc phục hậu quả chiến tranh; phòng, giảm nhẹ thiên tai và cứu trợ khẩn cấp; văn hóa, thể thao; ứng phó với biến đổi khí hậu.

Bên cạnh định hướng theo lĩnh vực thì định hướng theo địa bàn cho viện trợ phi chính phủ nước ngoài sẽ ưu tiên các tỉnh nghèo, các tỉnh miền núi, nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Nội dung ưu tiên cụ thể được xác định theo tình hình thực tế của mỗi địa phương.

Với khu vực nông thôn, khuyến khích các dự án góp phần thực hiện Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo bền vững tại 62 huyện nghèo, 23 huyện nghèo được hỗ trợ bổ sung.

Khuyến khích các dự án hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội vùng dân tộc thiểu số; đào tạo, dạy nghề; phát triển ngành nghề thủ công; tạo cơ hội việc làm và thu nhập phi nông nghiệp; hỗ trợ các chương trình tài chính vi mô.

Bên cạnh đó phát triển khuyến nông, khuyến lâm; hỗ trợ phát triển hạ tầng sản xuất quy mô nhỏ như các công trình thủy lợi, trạm bơm, đường liên thôn…; xây dựng các mô hình phát triển nông thôn tổng hợp, phát triển nông thôn theo vùng, phát huy đặc điểm và lợi thế của từng vùng, bổ sung mô hình phát triển nông thôn mới.

Đối với khu vực đô thị, ưu tiên đào tạo, dạy nghề gắn với tạo việc làm; phát triển ngành, nghề thủ công; hỗ trợ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ; phòng, chống HIV/AIDS, tệ nạn ma túy, mại dâm…