ThienNhien.Net – Tây Nguyên được coi là trung tâm thủy điện lớn nhất cả nước với 11 nhà máy thủy điện lớn đang vận hành, 360 nhà máy thủy điện vừa và nhỏ đang được quy hoạch và xây dựng. Bên cạnh đó, hàng trăm hồ đập thủy lợi được xây dựng từ sau năm 1975 để phục vụ tưới tiêu đang bị sạt lở, xuống cấp vì không được đầu tư tu bổ. Cứ đến mùa mưa bão, cư dân vùng hạ lưu lại phập phồng lo vỡ đập, nhất là sau sự cố vỡ đập thủy điện Ia Krêl 2.
Hồ thủy lợi: Nguy cơ thường trực
Hầu hết các hồ, đập thủy lợi ở Tây Nguyên đều được ngăn từ các sông suối và nằm trên cao. Vì thế, một khi chúng bị vỡ, khối lượng nước khổng lồ sẽ tràn xuống vùng hạ lưu, đe dọa trực tiếp tính mạng, tài sản của người dân.
Trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk hiện có 643 công trình thủy lợi nhưng 62 công trình bị hư hỏng, mất an toàn trong mùa mưa lũ. Tại công trình hồ thủy điện xã Cư Kpô (huyện Krông Búk), trần xả lũ bị xói mòn rỗng, cống lấy nước qua đập bị hư hỏng nặng và nước chảy qua làm xói mòn bên trong thân đập. Cây cầu bắc qua đập cũng đã hư hỏng và người dân phải qua lại bằng cầu tạm.
Huyện Ea H’leo đã xây dựng được 43 công trình thủy lợi vừa và nhỏ với tổng dung tích nước trên 6,5 triệu m³, đáp ứng tưới tiêu cho 3.200ha cà phê, hồ tiêu và lúa nước. Nhưng hiện một số công trình thủy lợi như đập chứa nước A6 (xã Ea Wy), hồ buôn Riêng (xã Ea Nam) đã bị kẻ xấu đập phá, tháo trộm bù loong, thanh sắt về bán phế liệu…
Tại khu vực hồ đập chứa nước Ea Ral 2, trong thời gian qua, mỗi ngày có hàng chục người ở địa bàn xã Ea Ral, thị trấn Ea Đrăng sử dụng phương tiện sục bùn lấy cát ngay sát khu vực lòng hồ. Hoạt động này đã gây bồi lắng, nhanh xuống cấp, đe dọa đến sự an toàn công trình thủy lợi Ea Ral 2.
Tại Đắk Nông có 155 công trình thủy lợi, nhưng khoảng 125 công trình đã hư hỏng nặng và ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Tình trạng phổ biến là thân đập thấm và rò rỉ, nước rò rỉ thành dòng. Mặt đập bị sạt lở, xói sâu, bê tông mái xuống cấp và trên mái đập bị người dân xâm canh trồng hoa màu.
Ông Hoàng Trung Thơ, Giám đốc Công ty Khai thác công trình thủy lợi Đắk Nông cho biết: Hiện có 3 công trình thủy lợi là hồ Bon Sa Nar (xã Quảng Sơn, huyện Đắk G’Long), hồ Đắk R’Sung (xã Nhân Đạo, huyện Đắk R’Lấp) và hồ Đắk Đô (xã Đắk Nia, thị xã Gia Nghĩa) đang ở tình trạng báo động. Nếu các công trình này không được sửa chữa kịp thời trong mùa mưa lũ, chưa biết điều gì sẽ xảy ra khi vỡ đập?
Trong lúc đó, công trình thủy lợi Ayun Hạ phục vụ tưới cho 12.500ha cây trồng, đây là đập thủy lợi lớn nhất khu vực Bắc Tây Nguyên, hiện đang xuống cấp trầm trọng do hành vi xâm hại của người dân như: tự ý cho xe trọng tải lớn đi trên bờ kênh chính, lấn chiếm đất trong chỉ giới bảo vệ công trình để xây dựng công trình dân dụng trái phép, tự ý đục phá bờ kênh trộm cắp tấm lát bọc kênh, trộm cắp các thiết bị vận hành của công trình trên kênh. Nếu vỡ đập sẽ đe dọa trực tiếp tính mạng, tài sản của hàng trăm ngàn cư dân trong khu vực 4 huyện Phú Thiện, Ia Pa, Krông Pa, thị xã Ayun Pa (tỉnh Gia Lai) và tỉnh Phú Yên, đồng thời kéo theo lũ quét làm vỡ các đập thủy điện phía hạ lưu sông Ba.
Đập thủy điện: Ẩn họa khôn lường
Cùng với hệ thống các hồ đập thủy lợi, ở Tây Nguyên, các hồ đập thủy điện cũng là mối lo lớn trong mùa mưa bão. Tại Nhà máy thủy điện Ea Súp 3 (đặt tại xã Ea Tir, huyện Ea H’leo, Đắk Lắk), từ khi vận hành thử – tháng 5 đến nay đã hai lần vỡ bể áp lực và kênh dẫn dòng đang rò rỉ nước nghiêm trọng. Tại Thủy điện Srêpốk 4A, đơn vị thi công kênh dẫn dòng qua địa phận xã Ea Wer (huyện Buôn Đôn), đã chặn dòng chảy suối Ea La (ở thôn 9, xã Ea Wer) làm con suối này không thoát được nước. Vì vậy gặp trận mưa lớn trong mấy ngày trước, hàng trăm hécta lúa và hoa màu của người dân nơi đây đã bị ngập úng.
Tại Kon Tum, sau sự cố vỡ đập thủy điện Ia Krêl 2, UBND tỉnh đã yêu cầu các sở, ban ngành chức năng phối hợp kiểm tra đánh giá tình hình an toàn hồ đập, rà soát việc thực hiện quản lý vận hành các công trình thủy điện, thủy lợi trên địa bàn. Nếu có nguy cơ đe dọa đến an toàn công trình, yêu cầu chủ đầu tư phải ngưng tích nước.
Theo thống kê, tỉnh Kon Tum hiện có 9 công trình thủy điện vừa và nhỏ đã hòa vào lưới điện quốc gia với tổng công suất 92,8MW; 14 công trình thủy điện vừa và nhỏ đang triển khai xây dựng có tổng công suất 139,1MW, còn lại đang trong giai đoạn lập báo cáo xin phép đầu tư, lập dự án đầu tư. Sau khi cấp phép đầu tư ồ ạt, thủy điện mọc lên như nấm nhưng chất lượng thì không được giám sát chặt chẽ, giờ mới lộ ra vấn đề thiếu an toàn tại nhiều đập thủy điện. Điển hình là sự cố vỡ tường thượng lưu thủy điện Đăk Mét 3 tại xã Đăk Choong (huyện Đăk Glei) xảy ra cuối tháng 11/2012, làm 1 người chết, đã bộc lộ sự buông lỏng quản lý, giám sát, tiềm ẩn hiểm họa khôn lường.
Qua sự cố này mới hay chủ đầu tư thi công rất ẩu, sai thiết kế, chất lượng không đảm bảo và tỉnh Kon Tum đã loại 21 vị trí thủy điện vừa và nhỏ ra khỏi quy hoạch.
Ông Phan Công Ngôn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng) cho biết, nhiều công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh đang bị hư hỏng, xuống cấp, cần sửa chữa để đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ. Trong đó, hồ Tuyền Lâm (Đà Lạt) bị sạt lở nghiêm trọng tại đường nhánh trái hồ. Đập hồ Đạ Ròn (huyện Đơn Dương) mặc dù mới xử lý mối vào năm 2010 nhưng đã xuất hiện 7 ụ mối mới trên mặt đập, đá lát mái thượng lưu đập bị bong tróc, một số vị trí bị sạt lở tụt xuống lòng hồ. Việc thi công sân golf của Công ty TNHH Acteam International đã gây bồi lắng, ảnh hưởng khả năng tích trữ nước và chất lượng nước bị ô nhiễm. Hồ chứa nước Đắk Lông Thượng (huyện Bảo Lâm) bị rò rỉ mạnh tại cống lấy nước, hệ kênh chạy dọc sườn đồi đang trong giai đoạn hoàn thiện nhưng bị sạt lở nhiều vị trí, gây mất an toàn trong mùa mưa lũ này. Hàng loạt công trình thủy lợi khác như: hồ R’Lôm, Ka Đê, Bo Ka Bang (Đơn Dương), Đạ Đờn (Lâm Hà), Cam Ly Thượng (Lâm Hà), Ka La (Di Linh), Lộc Thắng, Tân Rai (huyện Bảo Lâm)… cũng bị hư hỏng, bong tróc, sụt lún, rò rỉ. Trong đó, một số công trình bị hư hỏng nặng, đã được phê duyệt sửa chữa, nâng cấp nhưng hiện chưa có kinh phí thực hiện. |