ThienNhien.Net – Với những tác động tích cực tới môi trường, Chính phủ Việt Nam đã yêu cầu tất cả cây xăng trên toàn quốc phải sử dụng xăng sinh học vào cuối 2014. Tuy nhiên đến thời điểm này, chỉ có 60/1.300 cửa hàng bán xăng sinh học.
Xăng sinh học E5 tốt cho môi trường, sức khỏe, là nguồn nguyên liệu được ưa chuộng tài nhiều quốc gia trên thế giới… Với rất nhiều hiệu quả như vậy, Chính phủ Việt Nam đã rất quyết liệt trong việc xây dựng lộ trình cho xăng sinh học được sử dụng rộng rãi tại Việt Nam. Nhưng việc phát triển nhiên liệu sinh học tại Việt Nam hiện vẫn đang bế tắc, sự rời rạc trong việc hợp tác giữa các bộ ngành và sự thờ ơ của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu được cho là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng này.
Xăng sinh học đã được thế giới sử dụng gần 100 năm nay, với những tác động tích cực tới môi trường, Chính phủ Việt Nam đã yêu cầu tất cả cây xăng trên toàn quốc phải sử dụng xăng sinh học vào cuối 2014. Còn hơn 1 năm nữa thì quy định này chính thức có hiệu lực, tuy nhiên đến thời điểm này, chỉ 60/1.300 cửa hàng bán xăng sinh học, chưa đầy 5% cửa hàng xăng thực hiện quy định bán xăng E5. Nguồn tiêu thụ xăng sinh học đang là bài toán bế tắc, bởi còn phải chờ lộ trình bắt buộc sử dụng xăng sinh học trên toàn quốc. Trong khi đó, người dân vẫn quay lưng với xăng sinh học, mặc dù biết rằng lợi ích về kinh tế và môi trường là rất rõ rệt.
Hiện 6 nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học đều đáp ứng chạy 100% công suất, tuy nhiên sản phẩm đầu ra tiêu thụ trong nước chỉ đạt 20% để pha trộn xăng E5. Bà con nông dân trồng sắn không bán được trong nước, mà phải xuất khẩu bởi vì các nhà máy không tiêu thụ được cồn để sản xuất nhiên liệu sinh học, năm 2012 Việt Nam xuất khẩu khoảng 2,3 triệu tấn sắn, tương đương 1 tỷ lít cồn.
Ông Nguyễn Phú Cường, Phó Vụ trưởng Vụ KHCN, Bộ Công Thương cho rằng: “Cần phải có sự vào cuộc mạnh mẽ của các bộ ngành liên quan như Tài chính, KHCN, GTVT… chứ riêng Bộ Công Thương thì không làm nổi”.
Chia sẻ tại Hội thảo tháo gỡ khó khăn cho nhiên liệu sinh học, các diễn giả cho biết, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều có chính sách hỗ trợ, khuyến khích thông qua ưu đãi về thuế, phí và hàng loạt các chính sách hỗ trợ khác. Tuy nhiên ở Việt Nam, đến thời điểm này, hầu như chưa có bộ, ngành nào vào cuộc.