ThienNhien.Net – Tỉnh Đắk Lắk đã chuyển trên 1.698 ha rừng, trong đó có 1.085 ha rừng đặc dụng sang làm 20 công trình thuỷ điện vừa và nhỏ. Tuy nhiên, phần lớn chủ đầu tư các dự án thuỷ điện trên địa bàn tỉnh đều chậm triển khai công tác trồng lại rừng.
Theo đánh giá của Sở Công Thương Đắk Lắk, việc chuyển rừng, đất rừng sang làm các công trình thuỷ điện không những làm thu hẹp diện tích rừng mà còn ảnh hưởng đến môi trường sinh thái. Theo quy định, các dự án thuỷ điện lấy rừng để “đổi” công trình phải trồng lại rừng thay thế. Tuy nhiên, đến nay phần lớn chủ đầu tư các dự án thuỷ điện trên địa bàn tỉnh đều chậm triển khai công tác trồng lại rừng, thậm chí có chủ đầu tư cố tình không trồng lại rừng.
Báo cáo của Sở cũng cho hay, tỉnh có 5 dự án thuỷ điện Sêrêpốk 4 (huyện Buôn Đôn), Krông Hnăng (huyện Ea Kar), Krông Kmar (huyện Krông Bông), Ea Drăng 2 (Ea H’Leo) và Ea Mđoal 2 (Ma Đ’Rắk) đã đi vào vận hành được 3 – 5 năm. Theo kế hoạch, 5 dự án thuỷ điện này phải trồng bù lại rừng thay thế với tổng diện tích trên 262,5 ha. Thế nhưng, đến nay các chủ đầu tư các dự án thuỷ điện này mới chỉ trồng được 70 ha, trong đó công trình thuỷ điện Krông Hnăng theo cam kết phải trồng bù lại rừng là 175 ha, nhưng sau 3 năm đi vào hoạt động, chủ đầu tư công trình mới trồng bù lại 5 ha rừng. Hay Công trình thuỷ điện Ea Drăng 2 theo kế hoạch phải trồng bù lại 20 ha rừng, tuy nhiên, sau hơn 2 năm đi vào hoạt động vẫn chưa có héc ta rừng nào được chủ đầu tư công trình này trồng bù lại. Công trình thuỷ điện Krông Kmar theo kế hoạch phải trồng bù lại 26 ha rừng, nhưng chủ đầu tư cũng chỉ mới trồng được 16 ha, diện tích còn lại chỉ để cỏ dại mọc um tùm…
Một trong những nguyên nhân chính chậm triển khai công tác trồng bù diện tích rừng là do các chủ đầu tư các dự án thuỷ điện thiếu vốn.
Nhằm tránh những ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái trên địa bàn, tỉnh Đắk Lắk cần có biện pháp xử lý nghiêm đối với các chủ đầu tư các công trình thuỷ điện cố tình chây ì, không thực hiện đúng cam kết trồng bù lại rừng.