ThienNhien.Net – Ngày 4-7, Cục Cảnh sát Phòng, chống tội phạm về môi trường (C49, Bộ Công an) đã phối hợp với Phòng PC49 – Công an tỉnh Bình Dương và Chi cục Kiểm lâm tỉnh bàn giao sáu con vượn quý hiếm (thuộc nhóm IB) cho Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Củ Chi để thả về rừng tự nhiên.
Chiều cùng ngày, ông Lê Xuân Lâm, quản lý Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Củ Chi, xác nhận đã tiếp nhận sáu con vượn từ Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Dương. Số vượn trên được đưa về trung tâm cứu hộ để chăm sóc sức khỏe đặc biệt, trong số đó có bốn con vượn sức khỏe tương đối ổn định, hai con vượn khác vẫn còn yếu.
Trước đó, ngày 3-7, cơ quan chức năng đã kiểm tra đột xuất ba cơ sở nuôi nhốt động vật hoang dã tại huyện Bến Cát (Bình Dương). Đoàn kiểm tra phát hiện tại cơ sở của bà Nguyễn Thị Diệp Hồng đang nuôi nhốt trái phép nhiều động vật hoang dã quý hiếm, trong đó có một con vượn Pilê nặng 7 kg và năm con vượn đen má vàng. Tại thời điểm kiểm tra, bà Hồng không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp số động vật nêu trên. Bà Hồng cho biết số động vật trên bà mua từ Bình Phước gần ba năm qua, bà cũng nhiều lần đi xin giấy phép nhưng không được cơ quan chức năng chấp thuận vì đây là động vật hoang dã.
Kiểm tra quán ăn Hương Đồng tại xã Tương Bình Hiệp (huyện Bến Cát), cơ quan chức năng phát hiện một con diều hoa 2 Miến Điện (có tên trong sách đỏ Việt Nam), hai cò lạo Ấn Độ nhóm IIB, một diều núi (nằm trong sách đỏ Việt Nam) bị nuôi nhốt.
Trước đó, đoàn cán bộ liên ngành cũng đã lập biên bản tại trang trại ở huyện Bến Cát của ông Trần Văn Lợi (bí thư đồng thời là chủ tịch UBND TP Thủ Dầu Một) nuôi nhốt ba con công đều thuộc nhóm IB, 18 con hươu sao (trong đó có 12 con hươu lớn nặng 20-30 kg/con và sáu hươu con). Đến trưa 4-7, trao đổi qua điện thoại, ông Lợi cho biết hiện ông chưa đọc báo nên chưa nắm thông tin. Theo ông Lợi, sự việc trên không có vấn đề gì lớn nên ông cũng không quan tâm lắm.
Một nguồn tin cho biết vườn thú của ông Lợi có giấy phép nhưng hiện tại giấy phép đã hết hạn. Cơ quan chức năng vẫn đang tiến hành xác minh nguồn gốc của những động vật hoang dã trong vườn nhà ông Lợi.
Có thể bị xử phạt đến 300 triệu đồng
Theo ông Võ Văn Đức, Trưởng phòng Thanh tra – Pháp chế, Chi cục Kiểm lâm TP.HCM, đối với các trường hợp nuôi nhốt 5-6 cá thể động vật hoang dã (vượn thuộc nhóm IB – động vật nguy cấp, quý, hiếm – PV) nhưng không được cấp phép thì mức xử phạt từ 200 triệu đến 300 triệu đồng. Đối với các trường hợp ngoài nuôi nhốt (vận chuyển, kinh doanh, buôn bán, cất giữ,…), dù chỉ một cá thể động vật hoang dã (không phân biệt chết hay sống) thuộc nhóm IB sẽ bị truy tố về tội hình sự. |