Hàng trăm ha đất rừng bị xâm chiếm do ‘địa phương yếu’

ThienNhien.Net – Mặc dù báo chí đã phản ánh liên tục, Ban Bí thư TƯ Đảng chỉ đạo làm rõ, tỉnh huyện “vào cuộc quyết liệt” để giải quyết vụ, nhưng người dân vẫn vào xâm chiếm đất rừng.

Từ việc chỉ vài ba người dân vào lấn chiếm, chính quyền không giải quyết đã dẫn đến có 55 người vào chiếm 130ha đất rừng của Cty cao su Hương Khê (Ảnh: Duy Tuấn - Trần Văn/Vietnamnet)
Từ việc chỉ vài ba người dân vào lấn chiếm, chính quyền không giải quyết đã dẫn đến có 55 người vào chiếm 130ha đất rừng của Cty cao su Hương Khê (Ảnh: Duy Tuấn – Trần Văn/Vietnamnet)

Thông tin người dân xóm 11 xã Hòa Hải (huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) tiếp tục vào rừng xâm chiếm đất trái phép của Cty Cao su Hương Khê được Sở NN&PTNT, Cty Cao su Hương Khê báo cáo trong buổi làm việc chiều ngày 03/07 tại xã Hòa Hải do PCT UBND tỉnh, ông Lê Đình Sơn chủ trì.

Các ý kiến đều thống nhất rằng quy trình cấp 324ha đất tại tiểu khu 192 cho Cty Cao su Hương Khê là đúng pháp luật, việc 55 người dân tự ý vào xâm lấn, xẻ phát trồng cây trên tại các khoảnh 5; 7; 8; 11 (TK 192) là trái pháp luật.

Đại diện Sở TN-MT khẳng định: Trình tự thủ tục cho thuê đất là đúng pháp luật. Việc người dân sợ ảnh hưởng đến môi trường là không có cơ sở vì công ty đã có báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được Bộ TN-MT thẩm định phê duyệt. Và thực sự công ty chưa tiến hành trồng thì không thể nói là ảnh hưởng.

Còn ông Nguyễn Bá Thịnh, PGĐ Sở NT&PTNT thì khẳng định: Việc người dân xâm chiếm đất có chủ, được quy hoạch là sai trái. Nếu chiều theo nguyện vọng của dân thì sẽ gây thiệt hại cho DN, và dễ phát sinh phức tạp sau này.

Các bên liên quan trong cuộc họp cũng đề nghị xem xét đến nhu cầu chính đáng của người dân khi có yêu cầu được cấp đất rừng để sản xuất, trong lúc diện tích đất lâm nghiệp ở xã Hòa Hải đang còn hơn 2000 ha.

Kết luận cuộc họp, ông Lê Đình Sơn đã chỉ rõ những tồn tại của các cấp chính quyền trong quá trình giải quyết vụ việc.

Từ sự việc đơn giản, vài ba người dân vào lấn chiếm không giải quyết triệt để đã dẫn tới sự việc như ngày hôm nay. Và nếu không làm dứt điểm, có thể sẽ trở thành điểm nóng.

“Việc tổ chức tuyên truyền đã làm không đến nơi đến chốn, và có nhiều người dân cố tình không hiểu. Việc giải quyết đã làm quá non kém, khi xảy ra sự việc không làm bài bản có hiệu lực, dẫn đến ngày càng lan tỏa mạnh, không ổn. Đã tổ chức nhiều cuộc họp, nhiều văn bản nhưng hiệu quả thấp”, ông Sơn nói.

Ngay từ khi xảy ra sự việc, sau khi nhận được báo cáo, UBND tỉnh đã có văn bản giao UBND huyện Hương Khê chủ trì giải quyết, sau đó không thành thì tỉnh lại giao cho Sở NN&PTNT. Nhưng cả hai đơn vị này không giải quyết nổi.

Để dẫn tới việc đến nay vẫn chưa chấm dứt tình trạng người dân vào xâm chiếm trái phép, ông Sơn khẳng định là hậu quả của sự non yếu của các cấp chính quyền địa phương.

“Những diện tích này người dân chưa từng tác động đến đây. Sau khi giao đất, công ty làm đường rồi thì lại nhảy vào xâm chiếm, như vậy là không được, là vi phạm pháp luật. Giờ nếu giao cho dân diện tích khoảnh 8, vậy số tiền công ty bỏ ra đầu tư làm đường, dân có trả nổi không”, PCT tỉnh nói.

Vị phó chủ tịch tỉnh giao: UBND huyện Hương Khê tiếp tục chủ trì, cộng với sự phối hợp của Sở NN&PTNT, TN-MT, Cty Cao su… trực tiếp đối thoại với 39 hộ dân vào xâm lấn. Giải thích rõ chủ trương đúng đắn của việc trồng cây cao su và việc giao đất là đầy đủ quy trình.

Tiếp tục giải thích trên cơ sở khoa học cho người dân hiểu về vấn đề ảnh hưởng tới môi trường của dự án đã được Bộ TN-MT phê duyệt. Rà soát lại nhu cầu chính đáng xin cấp đất của dân để giải quyết.

Ông Sơn yêu cầu các bên liên quan tập trung giải quyết sự việc xong trước ngày 15/07 và báo cáo về cho UBND tỉnh.