ThienNhien.Net – Bên cạnh vai trò to lớn đối với đa dạng sinh học, các khu bảo tồn biển còn có khả năng thúc đẩy nền kinh tế ở các địa phương thông qua việc phát triển nghề cá, đẩy mạnh du lịch và duy trì các dịch vụ hệ sinh thái. Điều này đã được khẳng định bởi nhóm nghiên cứu dẫn đầu là TS. Enric Sala – nhà sinh thái học biển, thành viên chương trình Explorer-in-Residence của Tạp chí National Geographic. Bài phỏng vấn TS. Enric Sala dưới đây của National Geographic chắc chắn sẽ rất hữu ích cho những độc giả quan tâm tới vấn đề này.
– Hẳn ông đã ngạc nhiên khi phát hiện khả năng gia tăng cơ hội kinh tế từ các khu bảo tồn biển?
Ồ không. Tôi nhận thấy điều này từ rất lâu rồi. Vì thế, tôi mới quyết định cùng các đồng nghiệp giàu kinh nghiệm của mình nghiên cứu phát triển mô hình xác định hiệu quả kinh tế của những khu bảo tồn biển hiện sắp bị khai thác cạn kiệt trên thế giới.
– Ông có thể nói qua về lợi ích đa dạng mà các khu bảo tồn biển mang lại không?
Lợi ích sinh ra từ cả bên trong lẫn bên ngoài vành đai các khu bảo tồn biển. Nhờ được bảo tồn mà sinh khối của các loài cá và sinh vật biển khác sẽ tăng lên. Ấu trùng và trứng của chúng tràn ra bên ngoài vành đai khu bảo tồn sẽ giúp tăng số lượng quần thể cá địa phương, từ đó tạo điều kiện cho ngành đánh bắt. Ngoài ra, các khu bảo tồn biển còn thúc đẩy du lịch phát triển, giải quyết sinh kế.
Theo chúng tôi tính toán thì chỉ khoảng 5 năm sau khi ra đời, ta đã có thể nhìn thấy lợi ích về cả mặt sinh thái, đa dạng sinh học và kinh tế của các khu bảo tồn biển chứ không cần chờ đợi lâu hơn.
– Liệu những lợi ích rõ ràng như vậy có thể giúp tăng vốn đầu tư cho các khu bảo tồn biển trong tương lai?
Tôi tin là có. Hiện chúng tôi đang cùng một nhóm Lãnh đạo Trẻ toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới hoàn thành báo cáo nghiên cứu khác về một mô hình kinh tế mới nhằm tạo ra các khu bảo tồn biển do tư nhân đầu tư và quản lý. Các khu bảo tồn này vừa có khả năng giải quyết sinh kế cho người dân, vừa đem lại lợi nhuận. Hy vọng người ta sẽ sớm nhìn thấy lợi ích của chúng và nhanh chóng nhân rộng quy mô các khu bảo tồn biển trên phạm vi toàn cầu.
Thực tế hiện nay, chúng ta chỉ có vài khu bảo tồn biển, một phần vì các nguồn tài trợ từ chính phủ đang bị cắt giảm. Song nếu chúng ta nhìn việc bảo tồn biển như một hoạt động kinh tế đầy tiềm năng có thể được cộng đồng địa phương và các doanh nghiệp thúc đẩy thì lợi ích sẽ đến tay tất cả các bên.
– Có lý do gì khiến các lập luận về mặt kinh tế cho việc lập nên một khu bảo tồn có thể thất bại không?
Tôi không nói các khu bảo tồn biển là giải pháp duy nhất và trên thực tế không phải ở đâu chúng cũng hoạt động hiệu quả như nhau. Điều đáng nói ở đây là đã có những câu chuyện thành công, vậy làm cách nào để nhân rộng chúng ở những nơi khác chứ không phải ngồi kể lể lý do vì sao ở nơi này chúng hoạt động tốt, ở nơi kia lại kém hiệu quả.
– Trong báo cáo nghiên cứu, nhóm của Tiến sĩ đã cùng đưa ra một mô hình cơ bản giúp chúng ta có thể tính toán chi phí và lợi ích của các khu bảo tồn biển. Vậy mô hình này hoạt động như thế nào?
Vâng, chúng tôi đã tạo ra một mô hình chung phù hợp với hoàn cảnh của bất kỳ địa phương nào. Và tôi cho là nó rất dễ áp dụng.
Cũng như các công việc kinh doanh khác, điều mà ta phải làm là lên kế hoạch kinh doanh. Cần đặt ra câu hỏi, chi phí của khu bảo tồn là bao nhiêu, chi phí quản lý và chi phí cơ hội (thường là do mất nguồn thu từ đánh bắt cá) sẽ là chừng nào. Từ đó, ta có thể hợp nhất kế hoạch kinh doanh và dòng tiền dự tính lại với nhau.
Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy du lịch không phải ở đâu cũng là vị cứu tinh. Ở một số nơi chỉ có thể tăng thêm lợi nhuận nhờ nguồn cá dồi dào hơn. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần nhìn vào các dịch vụ hệ sinh thái, cần tính toán cả lợi ích kinh tế mà các khu bảo tồn có thể mang lại từ khoản chi trả của thị trường các-bon hay từ khoản chi của chính phủ cho các dịch vụ như giảm thiểu bão tố.
– Vùng biển trên thế giới được bảo vệ hiện chiếm tỷ lệ bao nhiêu? Và theo ông, số đại dương được bảo vệ nên hoặc có thể chiếm bao nhiêu phần trăm?
Hiện có khoảng 1,2% đại dương trên thế giới đang nằm trong các khu bảo tồn biển và chỉ một phần nhỏ trong số đó thuộc diện không được đánh bắt. Công ước Liên Hợp quốc về Đa dạng sinh học (UNCBD) đã đề ra mục tiêu bảo vệ 10% đại dương vào năm 2020, trong khi các nghiên cứu khoa học lại đề xuất con số ít nhất 20%. Theo tôi, 10% chỉ nên là một cột mốc quan trọng, không nên là cái đích cuối cùng.
– Việc đưa các vùng biển vào diện được bảo tồn còn có thể vấp phải những thách thức nào?
Các khu bảo tồn biển được phân thành hai loại: một là khu bảo tồn quy mô nhỏ do cộng đồng địa phương quản lý và hai là khu bảo tồn quy mô lớn do chính phủ quản lý. Chúng tôi đang hỗ trợ các chính phủ tạo ra các khu bảo tồn có quy mô rộng lớn. Còn bản thân cộng đồng địa phương một khi đã nhìn ra lợi ích của các khu bảo tồn ắt sẽ muốn có các khu bảo tồn nhỏ của riêng họ giống như bất kỳ hoạt động kinh tế nào khác.
Muốn khu bảo tồn biển phát huy hiệu quả, đem lại lợi ích nhiều mặt, chúng ta cần phải gạt bỏ quan điểm cho rằng chỉ được chọn một trong hai: bảo tồn hoặc phát triển. Trên thực tế, hai mục tiêu này hoàn toàn có thể song hành với nhau và mô hình khu bảo tồn biển chính là nơi làm được điều đó.