ThienNhien.Net – “Tại một số dự án thủy điện, có đối tượng đã lợi dụng quyết định cho mở công trường, đã cho khai quang rừng quy mô lớn hơn yêu cầu của công trường, nên thực tế diện tích rừng bị mất thường lớn hơn diện tích dự kiến”, Ủy ban KH-CN&MT Quốc hội đánh giá.
Theo báo cáo số 799/BC-UBKHCNMT13 về Kết quả giám sát bước đầu tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển thủy điện của Ủy ban Khoa học – Công nghệ và Môi trường (KH-CN&MT) của Quốc hội gửi tới các Đại biểu Quốc hội hồi cuối tháng 5 vừa qua, đã đề cập tới một số vấn đề liên quan các dự án thủy điện rất đáng chú ý.
Ở phần thống kê số liệu diện tích rừng chuyển đổi sang thủy diện, đã xuất hiện những số liệu báo cáo khác nhau. Theo Bộ NN&PTNT trong giai đoạn 2006 – 2012 cả nước có 19.792 ha rừng chuyển sang thủy điện; báo cáo của Bộ Công Thương lại đề cập đến nay đã có 50.930 ha đất rừng chuyển đổi sang làm thủy điện; trong khi chỉ tính riêng 37 dự án thủy điện công suất lớn hơn 60MW của Tập đoàn Điện lực (EVN) đã chiếm gần 37.000 ha đất rừng.
“Tại một số dự án thủy điện, có đối tượng đã lợi dụng quyết định cho mở công trường, đã cho khai quang rừng quy mô lớn hơn yêu cầu của công trường; lợi dụng hạ tầng công trình thủy điện để khai thác khoáng sản trái phép (dự án thủy điện Hủa Na (Nghệ An) đã có hiện tượng khai thác vàng trái phép). Do đó, chưa có số liệu thực sự chính xác về diện tích rừng đã mất của các công trình thủy điện, thực tế diện tích rừng bị mất thường lớn hơn diện tích dự kiến”, báo cáo đánh giá.
Tương tự là với số liệu trồng rừng thay thế, Bộ NN&PTNT thông kê giai đoạn 2006 – 2012 các chủ đầu tư chỉ trồng rừng thay thế được 735 ha (trên tổng 19.792 ha đã chuyển đổi), đạt 3,7%; trong khi Bộ Công Thương báo cáo có 1.061ha rừng được trồng, mới chỉ đạt 2,08% tổng diện tích rừng phải chuyển (50.930ha).
Cũng theo Ủy ban KH-CN&MT, các báo cáo hầu như chưa làm rõ chất lượng rừng trồng thay thế. Có một số trường hợp diện tích rừng đã trồng lại không được công nhận là rừng trồng thay thế do đất trồng không thuộc đất quy hoạch lâm nghiệp, loại cây trồng chưa phù hợp…
Theo tính toán của Ủy ban này, đối với thủy điện nhỏ và trung bình, để có được 1MW điện phải đánh đổi trung bình 7,405 ha đất các loại (gồm 2,726 ha đất rừng, 0,078 ha đất ở, 0,256 ha đất lúa, 0,808 ha đất trong màu, 1,507 ha đất mặt nước sông suối và các loại đất khác). Đối với dự án thủy điện vừa và lớn, trung bình để có 1MW điện phải mất 10,44 ha đất các loại (gồm 3,252 ha đất rừng, 0,1 ha đất ở, 0,514 ha đất lúa, 3,39 ha đất trồng màu, 1,089 ha đất mặt nước sông suối và các loại đất khác).
Theo quy định của pháp luật, giấy phép khai thác và sử dụng nước mặt là một điều kiện để cấp giấy phép hoạt động điện lực. Tuy nhiên, đến nay có hơn 60% công trình thủy điện hoạt động chưa có giấy phép khai thác nước mặt…
Từ đó, Ủy ban KH-CN&MT kiến nghị Bộ NN&PTNT và các địa phương cần tăng cường vai trò quản lý nhà nước về chuyển mục đích sử dụng rừng cho dự án thủy điện (mô hình, diện tích thực tế, chất lượng rừng trồng thay thế).
Kiên quyết ngăn chặn, xử lý vi phạm hành vi lợi dụng hạ tầng giao thông công trình thủy điện để chặt, phá rừng đầu nguồn, khai thác gỗ, khoáng sản… trái phép.
Trả lời chúng tôi, ông Lê Quang Huy, Phó chủ nhiệm Ủy ban KH-CN&MT Quốc hội cũng nói, trong dự án cụ thể có xảy ra tình trạng lợi dụng dự án để chặt phá rừng sai quy định.
Nêu quan điểm về dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A, đại biểu Huy cho hay, hiện nay chủ đầu tư và Chính phủ đang làm nên cứ để làm tiếp.
“Việc đồng ý thông qua hay không tùy thuộc vào kết luận của Hội đồng thẩm định đánh giá tác động môi trường, tôi chưa trả lời được. Khi nào có kết quả thậm định tôi sẽ quyết định có nên hay không nên”, ông Huy nói.
Theo thống kê bước đầu, tổng công suất lắp máy của các dự án thủy điện nhỏ trong quy hoạch chỉ chiếm khoảng 30% tổng công suất lắp máy, nhưng có số lượng lên tới hơn 1.100 dự án.
Trong đó, khoảng 40% số dự án trong quy hoạch phải loại bỏ hoặc chưa có nhà đầu tư quan tâm, trong số này có 338 dự án phải loại bỏ, 169 dự án chưa có nhà đầu tư nào quan tâm.
Phần lớn các dự án thủy điện bị loại bỏ khỏi quy hoạch đều có hiệu quả kinh tế thấp, nhà đầu tư chủ động trả lại hoặc không quan tâm, báo cáo giám sát đánh giá.