ThienNhien.Net – “Vinacomin dám xin giảm thuế, tăng giá bán là vì họ đang có vị thế của một tập đoàn kinh tế lớn của nhà nước, có vị thế độc quyền về nguồn cung than” – Ông Lê Đăng Doanh cho biết.
– Sau khi xin giảm thuế suất xuất khẩu từ 20% xuống 10% , mới đây Vinacomin lại tiếp tục xin giảm thuế suất xuất khẩu và tăng giá bán than cho ngành điện. Lý do gì khiến Vinacomin lại có thể đưa ra đề xuất táo bạo như vậy?
TS Lê Đăng Doanh: Vinacomin có những lý do khách quan để đòi tăng giá, vì điều kiện khai thác ngày càng khó khăn hơn, rồi do biến động giá cả thị trường.Tuy nhiên, nếu Vinacomin không có giải trình rõ ràng tôi e sẽ có sự hiểu lầm.
Vừa rồi, Vinacomin đã tăng giá than bán cho ngành điện lên 30%, bây giờ sẽ tăng đồng loạt với các khách hàng khác nữa. Điện thì tăng giá với thép và xi măng như vậy thì ngành thép và xi măng sẽ phải chịu khá nhiều hậu quả từ việc điều chỉnh này, nhất là xi măng vì họ vừa dùng điện lại vừa dùng than.
– Tại sao Vinacomin được xem là một ngành công nghiệp mũi nhọn của nền kinh tế, không mất vốn đầu tư nguyên liệu đầu vào, tự đào tài nguyên có sẵn đem bán và thu lãi, nhưng vẫn liên tục kêu ca, xin được giảm thuế, tăng giá để bù lỗ?
TS Lê Đăng Doanh: Tôi cho rằng đây là một đề nghị hết sức đặc biệt, riêng biệt đối với Vinacomin. Một doanh nghiệp bình thường khác sẽ không dám đề nghị như vậy. Rõ ràng, Vinacomin làm được như vậy là vì họ đang có vị thế của một tập đoàn kinh tế lớn của nhà nước, có vị thế độc quyền về nguồn cung than.
Tôi rất mong các cơ quan nhà nước có một câu trả lời và có một cách giải quyết mang tính chất chung theo nguyên tắc mọi doanh nghiệp đều bình đẳng theo pháp luật. Đó là cam kết khi chúng ta ra nhập Tổ chức thương mại quốc tế.
Khi đã gia nhập Tổ chức thương mại quốc tế thì phải tuân thủ nguyên tắc của tổ chức này. Như vậy, nếu Vinacomin được chấp nhận giảm thuế, tăng giá thì ngành thép, xi măng có được giải quyết như thế không? Đó là chưa nói, hai doanh nghiệp này cũng đang trong tình trạng kêu khó khăn.
Nếu nhà nước áp dụng một chính sách đặc thù cho Vinacomin thì những doanh nghiệp khác sẽ nghì gì?
– Các chuyên gia cũng phân tích, Vinacomin đã ăn hết than tốt, còn than xấu bán không ai mua. Tại sao biết rõ, có giảm thuế, đào than lên Vinacomin cũng không thể bán được cho ai, nhưng Vinacomin vẫn đề xuất xin giảm thuế, tăng giá than. Mục đích của họ là gì, thưa ông?
TS Lê Đăng Doanh: Tôi nghĩ rằng, nếu giảm giá họ sẽ tìm được khách hàng vì nhu cầu năng lượng là lớn. Trung Quốc dừng nhập khẩu thì cần phải xem lại mục đích là gì. Về chất lượng của than thì đòi hỏi Vinacomin phải nâng cao công nghệ, để đáp ứng được nhu cầu của khách hàng.
– Liệu có phải Vinacomin đang muốn lập hàng rào thuế suất xuất khẩu, ép các doanh nghiệp trong nước phải dùng than xấu của Vinacomin với giá cao, thưa ông?
TS Lê Đăng Doanh: Tôi không có căn cứ để khẳng định như vậy. Tôi chỉ lo ngại về sự thiếu bình đẳng trong xử lý giữa Vinacomin với các doanh nghiệp khác. Và điều đó sẽ khiến các doanh nghiệp khác phải lo ngại.
– Trong khi than, khoáng sản là tài nguyên có sẵn, thuộc sở hữu toàn dân, nhưng lại được giao cho một đơn vị khai thác, xuất khẩu lấy lãi, còn cái khó lại đổ lên đầu dân. Dân phải chịu. Quản lý như thế có là vi hiến, thưa ông? Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
TS Lê Đăng Doanh: Tôi muốn nói, việc quản lý tài nguyên và khai thác cần phải tuân thủ nghiêm chỉnh luật về khoáng sản và chịu sự giám sát của Quốc hội. Nếu xé rào, không tuân thủ thì sẽ gây ra những khó khăn lớn với những doanh nghiệp khác và làm cho cái khung pháp luật trong xã hội bị lung lay. Đó là điều phải tránh.
– Cái bắt tay của 3 “ông lớn” PVN, Vinacomin, EVN sẽ báo trước điều gì, nếu chấp thuận cho Vinacomin tăng giá than? Liệu động thái này của Vinacomin có được coi là phát súng khai màn cho một kế hoạch tăng giá đồng loạt than, điện, gas của cả 3 ông lớn và người dân phải gánh chịu, thưa ông?
TS Lê Đăng Doanh: Hiện Bộ công thương đang hứa xem xét bản cam kết đó, chúng tôi chưa được xem nên chưa thể bình luận gì. Nếu Vinacomin được đối xử như vậy sẽ có nhiều doanh nghiệp khác cũng đua theo làm như vậy. “Thuyền đua thì lái cũng đua…”, chỉ có người người dân là chịu tác động nhiều nhất.
PV: Xin cảm ơn ông!