ThienNhien.Net – Hàng trăm hộ dân sống dưới chân đồi mà người Trung Quốc khai thác quặng đang oằn mình đối diện với bệnh tật, ô nhiễm môi trường đã và đang diễn ra tại các điểm khai thác quặng ở xã Yên Thắng, Lang Chánh, Thanh Hóa.
Theo người dân ở các xã Trí Nang, Yên Thắng, huyện Lang Chánh, Thanh Hóa, thời gian gần đây, không hiểu lý do gì và được lợi gì từ việc khai thác quặng mà phía chính quyền địa phương liên tiếp cho phép người đào núi, khoét đồi để khai thác quặng. Lợi chưa thấy, nhưng một thực tế về tình trạng ô nhiễm môi trường đe dọa trực tiếp đời sống người dân là một điều có thể thấy trước mắt mà các cấp chính quyền của ở Lang Chánh vẫn đang cố tình làm ngơ!
Thôn Vần Trong và Vần Ngoài, xã Yên Thắng, Lang Chánh được người dân nơi đây quen gọi là “thôn thổ phỉ”, “thôn chết”. Những câu nói chứa đựng nhiều ẩn ý. Thổ phỉ là kiểu nói của người dân bản địa ý chỉ những lao động người Trung Quốc đang tiến hành các hoạt động khai thác, đào đãi quặng tại đây.
Gắn liền với sự chết chóc của cây cối, ô nhiễm môi trường từ chất thải từ việc khai thác quặng đang đầu độc người dân hàng ngày như chết dần nên được gọi là thôn chết. Điểm khai thác quặng lộ thiên nằm ngay trên một quả đồi ở thôn Vần Trong, xã Yên Thắng, Lang Chánh có diện tích gần 5.000m2 được ngăn người lạ xâm nhập bởi các biển cấm. Phía trong công trường khai thác quặng là đủ loại như máy múc, máy sàng, máy xả… được vận hành liên tục.
Đất múc lên dàn, dùng vòi rồng phun nước để bóc tách lớp quặng và được đóng bì hoặc tấp đống rồi dùng ô tô vận chuyển đi tiệu thụ. Suối Ngàm được ngăn lại để tích nước xả quặng, hồ nuôi trồng thủy và phục vụ nông nghiệp của người dân được thuê lại làm điểm xả thải. Đó là một chu trình đã và đang diễn ra nhiều năm qua tại các điểm khai thác quặng tại xã Yên Thắng trong thời gian dài.
Gia đình nhà ông Bích và hai hộ dân tại thôn Vần Trong, Yên Thắng như bắt được vàng khi những hộ này được các chủ mỏ quặng thuê lại toàn bộ hồ cá có diện tích gần 1.000m2 với mức giá gần một trăm triệu đồng mỗi năm. Tính sơ bộ chia ba thì mỗi nhà cũng được 3-4 triệu đồng/1 tháng, đó là số tiền mà nhiều hộ dân khác ở nơi sơn thôn cùng khổ này có mơ cũng không thấy được.
Tuy nhiên, khi người dân bản địa hưởng lợi 1 năm qua cũng là lúc hồ dã chiến làm nơi chứa nước thải từ khai thác quặng cũng đã nổi váng vàng, cây cối trong lòng hồ bị ngập đã chết dần.
Những chiếc hồ dã chiến được cạp vá bằng những khối đất núi đỏ ngầu, ngăn không cho tràn ra khu vực suối Ngàm, còn suối Ngàm lại được ngăn lại để hút nước lên đỉnh núi phun quặng. Nên từ khi có mỏ quặng đến giờ, người dân ở đây liên tục mất mùa, cứ như vậy thì cái đói sẽ cận kề trước mắt.
“Trước kia nước về nhiều, cày cấy, tưới tiêu đủ nước, nhưng giờ họ đã ngăn con nước rồi hút lên xả quặng nên nhiều ruộng cạn nước. Gần 200 hộ dân chúng tôi sống thấp thỏm dưới chân mỏ quảng mà lúc nào cũng mơm nớp lo vỡ bờ ngăn nước xả thải từ khai thác quặng, rồi con đường đầu tư hàng trăm tỷ có lẽ chưa nghiệm thu nhưng đã nát như tương rồi đó thôi”- một người dân sống tại đây phân trần.
Theo quan sát của PV tại thực tế những điểm khai thác quặng tại xã Yên Thắng, huyện Lang Chánh cho thấy, đa phần những điểm mỏ này đều nằm lộ thiên giữa các quả đồi. Việc khai thác quặng được diễn ra công khai, người dân nơi đây chỉ biết rằng đấy là các điểm khai thác quặng đã được cấp phép.
Nhưng, khi cung cấp những hình ảnh các điểm khai thác quặng tại đây gây ô nhiễm môi trường và cũng là hệ lụy khiến con đường tỉnh 530 nối từ thị trấn Lang Chánh tới Yên Khương được đầu tư trăm tỷ đồng đang bị tàn phá tới ông Lê Tiến Lam, Chủ tịch UBND huyện Lang Chánh thì vị Chủ tịch này tỏ ra rất lơ mơ.
Theo ông Lam, việc khai thác quặng trên địa bàn huyện gây ô nhiễm môi trường là có thật, nhưng vì mới nhận nhiệm vụ nên những vấn đề trên thì ông Lam chưa thể xử lý được. Theo ông Lam, cái mà phía Ủy ban vừa làm được là đã chỉ đạo CA huyện ra bắt giữ được một loạt xe chở quá khổ, quá tải làm hư hại đường.
Cũng theo ông Lam, đúng là có chuyện người Trung Quốc đang khai thác quặng tại địa bàn xã Yên Thắng, còn việc gây ô nhiễm môi trường thì có Tổng Cty đầu tư phát triển đô thị do ông Đỗ Đức Ty làm Giám đốc đã bị đình chỉ khai thác tại xã Trí Nang, còn vấn đề ở đây (ý nói chung ở các xã có điểm mỏ quặng) thì cần phải có sự vào cuộc đồng bộ giữa các ngành.
“Tôi mới lên nhận nhiệm vụ được hai tháng, mỗi khi tắm xong cũng thấy ngứa ngứa, nên tôi có cho anh em thử lấy mẫu nước để kiểm tra, xét nghiệm thì đúng thật là có thật một hàm lượng hóa chất, có lẽ từ các mỏ quặng ở đầu nguồn”- ông Lam nhấn mạnh.
Có thể thấy, vụ việc sập mỏ đá khiến ba người chết ở xã Đông Nam, huyện Đông Sơn mới đây mà Phó Thủ Tướng Chính phủ chỉ đạo làm rõ là câu chuyện có thể thấy được cách quản lý lỏng lẻo tài nguyên, an toàn lao động dẫn đến hậu họa đau lòng. Còn việc khai thác quặng tại xã Yên Thắng, huyện Lang Chánh, Thanh Hóa sẽ gây hậu họa cho hàng nghìn người dân thì có lẽ sẽ chỉ thấy được ở khoảng thời gian 5 đến 10 năm sau đó. Đó là những cái chết vô hình đang hiện hữu ngay dưới chân các mỏ quặng đều xuất phát từ lợi ích của con người, nói đúng hơn của một nhóm người, mà vô tình họ đã quên đi ý thức đồng loại.