ThienNhien.Net – Tại buổi làm việc mới đây giữa đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cùng các bộ, ngành với chủ đầu tư và tỉnh Kon Tum về công trình thủy điện Đăk Đring, ông Lưu Thế Biểu, Phó trưởng Ban Quản lý xây dựng Tập đoàn Điện lực Việt Nam đề nghị: “Tình hình thủy điện Đăk Đring là nghiêm trọng, cần có phương án cấp bách. Chúng ta không được phép chủ quan. Tôi đề nghị tất cả lực lượng vào cuộc, di dời khẩn cấp người dân”.
Cần khẩn trương di dân
Công trình thủy điện Đăk Đring do Công ty cổ phần thủy điện Đăk Đring (Công ty Đăk Đring), làm chủ đầu tư với công suất 125MW. Công trình được xây dựng trên địa bàn huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi và huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Tổng mức đầu tư của công trình khoảng 5.000 tỷ đồng (trong đó Tổng công ty Điện lực dầu khí góp hơn 90% vốn).
Theo dự kiến trong tháng 8 này, công trình tích nước và đến tháng 9 sẽ phát điện. Tuy nhiên, đến nay công tác di dân, tái định canh, định cư cho gần 1.000 nhân khẩu của 217 hộ ở 7 buôn, làng của xã Đăk Nên, thuộc huyện Kon Plông (Kon Tum) thuộc khu vực lòng hồ vẫn chưa triển khai xong, trong đó đáng lo nhất là việc tái định cư cho dân trước mùa lũ 2013.
Theo ông Đặng Hữu Thắng, Phó Giám đốc Công ty Đăk Đring: Hiện các hạng mục đập dâng, đập tràn, nút cống dẫn dòng, tích nước hồ chứa của công trình đã cơ bản hoàn thành. Nếu lũ về, đập không đóng cống thì nước vẫn dâng.
Trước thực trạng trên, ông Đỗ Đức Quân, Tổng Cục năng lượng (Bộ Công thương) khẳng định: Cần đẩy nhanh việc di dân, nếu không chuyển kịp lũ về cũng ngập. Giờ chưa tích nước nhưng nước cũng đã lên.
Tại buổi làm việc này, ý kiến đề xuất công trình ngưng tích nước của tỉnh Kon Tum cũng bị bác bỏ. Các thành viên trong đoàn kiểm tra, đại diện Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực đều cùng chung nhận xét: Với thủy điện Đăk Đring, bây giờ có tích nước hay không thì lũ về cũng sẽ rất nguy hiểm vì đập đang xây dựng cơ bản xong.
Trong khi đó, theo dự báo của Đài khí tượng thuỷ văn Kon Tum, tháng 7 là thời kỳ giữa và cao điểm mùa mưa ở Kon Tum. Đây là thời gian có mưa và lượng mưa nhiều nhất trong năm.
Theo ông Nguyễn Văn Huy, Giám đốc Đài khí tượng thủy văn Kon Tum, trong tháng 7 sẽ có mưa vừa, mưa to trên diện rộng sinh ra lũ lụt, có khi xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Tháng 7 cũng là tháng bắt đầu mùa lũ chính trên các sông ở Kon Tum. Ngoài ra, dự báo về xu thế thời tiết và diễn biến mưa, lũ trong tháng 7 năm nay ở Kon Tum cho thấy, khả năng xuất hiện mưa, lũ nhiều hơn so với quy luật mọi năm và huyện Kon Plông là một trong những địa phương dự kiến sẽ có mưa nhiều và cần đề phòng xảy ra lũ quét.
Tiến độ xây dựng điểm tái định cư quá chậm
Cả nghìn người dân xã Đăk Nên như đang “đánh đu” số phận với công trình thuỷ điện Đăk Đring bởi lẽ các điểm tái định cư cho dân vùng ngập vẫn đang trong quá trình xây dựng. Theo báo cáo của chủ đầu tư, công tác trên mới hoàn thành được 50% khối lượng công việc. Qua khảo sát tại các điểm tái định cư cho người dân ở Đăk Nên có thể khẳng định, công trình không thể hoàn thành kịp tiến độ. Chính vì sự chậm trễ này nên ở các buôn, làng như Đăk Tiêu, Đăk Bút, Đăk Lai, Đăk Lúc, thôn Vương, Xô Luông, Xô Thác người dân vẫn phải định cư tại làng cũ – thuộc vùng ngập của công trình, chưa biết ngày nào về nơi ở mới.
Để giúp dân tái định cư nơi ở mới, UBND huyện Kon Plông đã khảo sát và tìm những điểm mới cao, an toàn để bố trí xây dựng công trình. Là khu vực đồi núi bao quanh, cả khu vực chẳng tìm ra một điểm bằng phẳng vì vậy tất cả các điểm tái định cư đều buộc phải bạt núi mà làm. Tại điểm tái định cư mới của làng Xô Luông, một quả đồi trọc đã được các đơn vị thi công bạt phẳng để thi công xây dựng nhà ở. Theo đó, mặt nhà hướng về thung lũng nhỏ, lưng nhà tựa đồi. Cả một khu vực rộng lớn, hàng loạt căn nhà đang được xây dựng dang dở, việc san ủi mặt bằng vẫn đang triển khai.
Khẩn trương là vậy nhưng có một thực tế là cả khu vực này vẫn chưa có một công trình nào được hoàn thành. Nhà cũng vừa được dựng xong dàn khung, nhiều căn nhà vách chưa xây, mái chưa lợp điện, nước lại chưa kéo về.
Giao thông đi lại từ UBND xã Đăk Nên hiện tại (thuộc vùng ngập) đến nơi ở mới khoảng 5km nhưng đường sá lầy lội, cách trở (phải đi đường cũ). Riêng con đường tránh ngập nối điểm dân cư mới với các vùng vẫn đang thi công. Các công trình khác như: trường học, trụ sở UBND xã, giao thông… cũng đang trong quá trình xây dựng. Bản thân con đường cũ cũng được xây dựng quanh các quả đồi, đất đá sạt lở khắp nơi. Nếu mưa lớn, lũ về chắc chắn việc di chuyển lên khu tái định cư mới sẽ khó khăn. “Hiện tại tiến độ xây dựng các khu tái định cư đang được địa phương quan tâm, chỉ đạo. Tuy nhiên khối lượng công việc còn lại là rất lớn”- ông Đặng Hữu Thắng, Phó Giám đốc Công ty Đăk Đring cho biết.
Theo ông Nguyễn Thanh Lợi, Chủ tịch UBND xã Đăk Nên: Toàn xã có 7/10 thôn, làng bị ngập ở vùng lòng hồ thuỷ điện. Hiện công tác tái định cư cho dân còn chậm mà một trong những nguyên nhân khiến việc thi công chậm trễ của công trình là do thời tiết ở nơi đây mưa nhiều.
Trước thực trạng trên, UBND huyện Kon Plông cũng đã chuẩn bị phương án dự phòng khi lũ về. Ông Đặng Thanh Nam, Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Plông cho biết: Trước hết, huyện sẽ san ủi mặt bằng, tính toán từng cụm dân cư đưa lên khỏi vùng ngập trong mùa lũ sắp tới. Ngoài ra, địa phương còn xây dựng một số nhà tạm để cần thiết khi mực nước lũ lớn thì di dời dân lên. Huyện sẽ ứng phó lũ với phương châm 4 tại chỗ, phối hợp với các lực lượng cùng chính quyền địa phương của xã làm sao trong mùa lũ này không để dân bị ảnh hưởng.
Trước thực trạng trên, ông Lữ Ngọc Cư, Ủy viên chuyên trách Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đề nghị: Địa phương phải vào cuộc quyết liệt hơn nữa, chủ đầu tư phải phối hợp thực hiện cần xử lý quyết liệt, khẩn cấp cũng như có phương án chống lũ cho dân, xúc tiến đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ở vùng tái định cư.