ThienNhien.Net – Tham gia Công ước Liên Hợp Quốc về Luật sử dụng các nguồn nước liên quốc gia cho các mục đích phi giao thông thủy 1997, Việt Nam sẽ có được cơ sở pháp lý trong các thỏa thuận hợp tác song phương, đa phương về bảo vệ, khai thác, sử dụng nguồn nước với các nước láng giềng có chung nguồn nước. Đây cũng là một trong những động lực quan trọng thôi thúc Việt Nam tích cực nghiên cứu, xem xét tham gia Công ước quan trọng này.
Nhằm làm rõ hơn nội dung Công ước cũng như khả năng tham gia của Việt Nam, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Văn Bảy, Cục trưởng Cục quản lý Tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường bên lề Hội thảo tham vấn quốc gia về Công ước Liên Hợp Quốc về Luật sử dụng các nguồn nước liên quốc gia cho các mục đích phi giao thông thủy 1997, tổ chức tại Hải Phòng vào trung tuần tháng 6.
– Xin ông cho biết đôi nét về Công ước 1997?
Ông Hoàng Văn Bảy: Công ước về Luật sử dụng các nguồn nước liên quốc gia cho các mục đích phi giao thông thủy (gọi tắt là Công ước 1997) được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 41 thông qua ngày 21/05/1997. Đây là công ước toàn cầu đầu tiên điều chỉnh khá toàn diện quan hệ giữa các quốc gia trong lĩnh vực sử dụng các nguồn nước quốc tế. Công ước sẽ có hiệu lực nếu có đủ 35 nước phê chuẩn. Hiện đã có 30 quốc gia phê chuẩn Công ước.
– Ông đánh giá thế nào về tính hiệu lực của Công ước này?
Ông Hoàng Văn Bảy: Một khi có hiệu lực, Công ước có tính áp dụng đối với các nước đã phê chuẩn, gia nhập và đó là khuôn khổ pháp lý cho các bên xem xét, thỏa thuận trong việc hợp tác và giải quyết các vấn đề về bảo vệ, khai thác, sử dụng nguồn nước quốc tế. Đối với trường hợp còn có một bên chưa tham gia thì mặc dù không thể áp dụng cơ chế giải quyết các vấn đề theo quy định của Công ước, nhưng có thể sử dụng các nguyên tắc, biện pháp của Công ước để làm cơ sở, tiêu chí cơ bản cho quá trình đàm phán, đấu tranh hay thỏa thuận trong việc giải quyết các vấn đề phát sinh.
– Những lợi ích Việt Nam nhận được nếu tham gia Công ước, thưa ông?
Ông Hoàng Văn Bảy: Phần lớn các hệ thống sông lớn của nước ta là sông liên quốc gia, với hơn 63% tổng lượng nước sản sinh từ nước ngoài. Bên cạnh đó, chúng ta lại có chung nguồn nước với 6 quốc gia trong khu vực. Vì vậy, lượng nước của Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào việc khai thác, sử dụng nước của các quốc gia thượng nguồn. Điều này lý giải vì sao chúng ta rất coi trọng quan hệ hợp tác với các nước có chung nguồn nước nhằm khai thác, sử dụng công bằng, hợp lý, bảo đảm an ninh nguồn nước của quốc gia cũng như các nước liên quan.
Công ước quy định nguyên tắc ứng xử của các quốc gia có chung nguồn nước, do vậy nếu tham gia Công ước, Việt Nam sẽ có được cơ sở pháp lý cho các thỏa thuận song phương, đa phương với các nước có chung nguồn nước trong việc hợp tác và giải quyết các vấn đề trong bảo vệ, khai thác, sử dụng nguồn nước theo chuẩn mực chung của quốc tế.
Tham gia Công ước, Việt Nam cũng sẽ góp phần vào quá trình hình thành khuôn khổ pháp lý điều chỉnh việc sử dụng nguồn nước quốc tế tại khu vực Đông Nam Á, đồng thời, thể hiện rõ cam kết của Việt Nam đối với những nguyên tắc về sử dụng các nguồn nước liên quốc gia – một trong những cơ sở pháp lý quốc tế quan trọng nhất để bảo vệ nguồn nước được chia sẻ giữa Việt Nam và các nước láng giềng, vốn chưa được một điều ước quốc tế nào điều chỉnh.
– Nội dung Công ước có điều gì mâu thuẫn với Luật tài nguyên nước (sửa đổi) của Việt Nam mà chúng ta cần lưu ý?
Ông Hoàng Văn Bảy: Để gia nhập Công ước và quyết định áp dụng toàn bộ hay một phần nội dung của Công ước, Việt Nam sẽ cần phải rà soát, đánh giá cụ thể mức độ phù hợp giữa Luật Tài nguyên nước và các quy định pháp luật liên quan với các nội dung quy định của Công ước. Thời gian tới, Cục Quản lý Tài nguyên sẽ đảm nhận nhiệm vụ này và sẽ sớm có báo cáo chi tiết. Tuy nhiên, qua nghiên cứu, đánh giá sơ bộ thì các nguyên tắc trong quan hệ, hợp tác quốc tế về tài nguyên nước, nguyên tắc giải quyết các vấn đề liên quan đến nguồn nước liên quốc gia theo quy định của Luật Tài nguyên nước số 17/2012/QH13 không mâu thuẫn với nội dung Công ước.
– Công ước được Liên Hợp Quốc thông qua từ năm 1997 nhưng đến nay Việt Nam vẫn chưa phê chuẩn, liệu việc chậm trễ này có ảnh hưởng gì tới vấn đề đàm phán về hợp tác sử dụng nguồn nước ở lưu vực sông Mê Kông?
Ông Hoàng Văn Bảy: Việc Việt Nam chưa tham gia Công ước đến thời điểm này không gây ảnh hưởng tới việc đàm phán các vấn đề liên quan tới hợp tác sử dụng nguồn nước lưu vực Mê Kông. Một mặt là do Công ước chưa có hiệu lực, mặt khác việc hợp tác giữa bốn quốc gia trong lưu vực sông Mê Kông vẫn được duy trì bởi Hiệp định hợp tác phát triển bền vững lưu vực sông Mê Kông 1995, trong đó Việt Nam có rất nhiều đóng góp tích cực cả về lĩnh vực xây dựng chính sách cũng như các giải pháp, thỏa thuận kỹ thuật.
– Sự tham gia Công ước của Việt Nam sẽ có ảnh hưởng như thế nào đến sự phát triển kinh tế vùng/miền trong khu vực ảnh hưởng, thưa ông?
Ông Hoàng Văn Bảy: Các nước có chung nguồn nước với Việt Nam đều chưa tham gia Công ước nên hiện tại chưa thể đánh giá ngay các tác động, ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế vùng/miền trong khu vực ảnh hưởng. Tuy nhiên, có thể sơ bộ nhận thấy rằng các tác động tích cực sẽ là chủ đạo.
Trong quá trình chuẩn bị hồ sơ đệ trình gia nhập Công ước, những vấn đề cụ thể về tác động, ảnh hưởng tới chính trị, kinh tế – xã hội của Việt Nam sau khi gia nhập Công ước sẽ được nghiên cứu, đánh giá một cách đầy đủ, toàn diện.
– Xin ông cho biết, nếu Việt Nam phê chuẩn tham gia Công ước nhưng một số nước chung nguồn nước không phê chuẩn thì tình hình sẽ như thế nào? Liệu Việt Nam có bị ảnh hưởng gì từ sự từ chối này?
Ông Hoàng Văn Bảy: Việt Nam gia nhập Công ước này với nguyện vọng thể hiện cam kết của mình trong việc tôn trọng các nguyên tắc, thỏa thuận quốc tế nhằm bảo đảm khai thác, sử dụng nguồn nước quốc tế một cách công bằng và hợp lý. Việc Việt Nam gia nhập Công ước là tự nguyện, phù hợp với lợi ích quốc gia, hoàn toàn không gây xáo trộn đến tình hình trong khu vực cũng như không chịu bất kỳ ảnh hưởng nào nếu một số nước có chung nguồn nước với Việt Nam không gia nhập Công ước.
Về phần mình, Việt Nam sẽ nỗ lực vận động các quốc gia khác, nhất là các nước có chung nguồn nước cùng tham gia Công ước để cùng nhau hợp tác, sử dụng nguồn nước – tài sản chung của các quốc gia – một cách công bằng, hợp lý.
– Trân trọng cảm ơn ông!
|