ThienNhien.Net – Giá điện đang từng bước tiến tới cơ chế thị trường và được điều chỉnh theo biến động của các thông số đầu vào như giá than, giá dầu, khí… Tuy nhiên, việc điều chỉnh giá điện ở mức độ bao nhiêu đều phải tính toán để giảm thiểu tác động lên chỉ số giá tiêu dùng (CPI).
Thông tin trên được ông Đinh Thế Phúc, Phó Cục trưởng Cục điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) đưa ra tại buổi Họp báo thường kỳ do Bộ Công Thương tổ chức chiều 01/7 tại Hà Nội.
Dùng trên 100 KW sẽ trả nhiều tiền hơn
Trước đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã khẳng định, chưa có đề xuất điều chỉnh giá điện vào ngày 01/7 do phải chờ các hoạt động kiểm toán, đồng thời cho rằng hàng tháng EVN đều có báo cáo lên Bộ Công Thương về các thông số đầu vào liên quan đến giá thành phát điện và giá bán lẻ điện do Nhà nước quy định cũng như được kiểm soát chặt chẽ.
“Hiện Bộ Công Thương và Bộ Tài chính đang tiến hành rà soát lại cơ cấu giá thành của EVN, sau đó sẽ có những phương án và lộ trình điều chỉnh giá điện phù hợp,” ông Phúc cho hay.
Cũng theo ông Phúc, trong dự thảo sửa đổi về cơ cấu biểu giá bán lẻ của Bộ Công Thương thì giá bán lẻ điện tiêu dùng và sinh hoạt sẽ giảm từ 7 bậc xuống còn 6 bậc, ngoài ra người dùng trên 100 KWh sẽ phải trả nhiều tiền hơn.
“Đối với giá điện cho các nhà mày xi măng và sắt thép, trong dự thảo cũng đề xuất được tách riêng nhằm loại bỏ những nhà máy dùng công nghệ cũ, tiêu tốn nhiều nhiên liệu,” ông Phúc nói thêm.
Sẽ giám sát và xử phạt các công trình thủy điện
Liên quan đến các sự cố vỡ đập thủy điện thời gian qua, theo ông Đỗ Quang Vinh, Cục trưởng Cục kỹ thuật An toàn môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương), đa số các vụ vỡ đập đó xảy ra ở thủy điện nhỏ do tư nhân làm chủ, đáng lưu ý là nhiều chủ đầu tư chưa quan tâm đến chất lượng, quản lý công trình xây dựng thủy điện.
Hơn nữa, khi tiến hành thi công thì các nhà giám sát lại thực hiện không chặt chẽ, việc thi công không đúng thiết kế nên đã gây ra hậu quả vỡ đập.
Ông Vinh cũng cho biết, hiện Bộ Công Thương đã có chỉ thị yêu cầu các chủ đập, các địa phương nơi có các thủy điện tăng cường hơn nữa công tác hướng dẫn, kiểm tra và xử lý những thủy điện không an toàn.
“Bộ Công Thương đã hoàn thành dự thảo Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động điện lực, an toàn đập thủy điện, đây sẽ là cơ sở để giám sát chặt chẽ các công trình thủy điện,” ông Vinh cho hay.
Xăng tăng theo giá thế giới
Trả lời câu hỏi về việc tăng giá xăng dầu liên tục trong tháng 6, Ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) khẳng định do nguyên nhân từ thị trường thế giới.
Cụ thể từ cuối tháng 5/2013, giá xăng thế giới tăng bình quân trong vòng 30 ngày đối với RON92 là 111,08 USD/thùng, đến 13/6 thì RON92 tăng lên 112,97 USD/thùng, ngày 27/6 thì xăng RON92 đã tăng 114,42 USD/thùng.
“Nếu tính giá bình quân 30 ngày thì xu hướng tăng giá xăng là tất yếu, hơn nữa việc tăng giá xăng dầu trong nước là theo quy định của Nghị định 84/CP,” ông Chiến nói.
Giải thích thêm điều này, ông Chiến cho biết, việc tăng giá xăng dầu hai lần trong tháng 6 đã tính đến các công cụ khác như trích quỹ bình ổn giá và biên độ tăng cũng chỉ ở mức thấp, cụ thể ngày 14/6 khi chưa sử dụng quỹ bình ổn thì mức tăng tối đa 560 đồng/lít, nhưng sau khi sử dụng quỹ bình ổn thì cho phép mức tăng không quá 370 đồng/lít.
“Trong các lần tăng giá, Bộ Tài chính đều yêu cầu các doanh nghiệp rà soát lại các chi phí để mức tăng hợp lý và tuân theo Nghị định 84/CP chứ không phải doanh nghiệp muốn làm gì thì làm,” ông Chiến nhấn mạnh.
Tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa khẳng định: “Việc điều chỉnh giá điện, xăng dầu… đều được cân nhắc kỹ về thời gian cũng như mức ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng.
“Lần tăng giá xăng và gas vừa qua không tác động nhiều đến CPI và Bộ Công Thương vẫn kiểm soát chặt chẽ việc ảnh hưởng đến các yếu tố thị trường” – Thứ trưởng giải thích. |