“Đập thủy điện lớn, nhỏ đều có sự cố”

ThienNhien.Net – Đó là nhận xét của ông Cao Anh Dũng, Cục phó Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường (Bộ Công Thương) bên lề cuộc họp báo thường kỳ tháng 6 của Bộ Công Thương.

– Nhiều người cho rằng đây là “năm của thủy điện” bởi trong vòng vài tháng có rất nhiều công trình gặp sự cố vỡ đập. Bộ Công Thương nhìn nhận vấn đề này ra sao, thưa ông?

Ông Cao Anh Dũng

Ông Cao Anh Dũng: Thời gian qua, các vụ vỡ đập thủy điện liên tiếp xảy ra, đa số là thủy điện nhỏ do tư nhân làm chủ đầu tư. Họ chưa hiểu hết về công tác an toàn, chưa thực hiện đầy đủ quy định về quản lý đầu tư chất lượng công trình theo Nghị định 15/2013. Các nhà giám sát cũng không thực hiện theo quy định thiết kế. Các công trình trên 15 MW thì khá ổn nhưng các dự án 5 MW trở xuống có rất nhiều vấn đề.

“Không thấm nước không phải là đập thủy điện”!

– Bộ Công thương đã làm gì trước hiện tượng đáng lo này?

Ông Cao Anh Dũng: Từ năm 2011 đến nay, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương đã phối hợp các địa phương kiểm tra, hướng dẫn việc xử lý, nhắc nhở các dự án. Bộ Công Thương cũng đã trình dự thảo Nghị định xử lý các vi phạm an toàn lưới điện, thủy điện. Đây sẽ là cơ sở để yêu cầu các chủ thủy điện bảo đảm nghiêm túc chất lượng công trình.

– Thủy điện Sông Tranh 2 từng gặp sự cố thấm nước gây lo lắng cho dư luận, gần đây công trình Sê San 4 cũng tương tự. Đây là công trình do EVN làm chủ đầu tư, với quy mô, công suất không nhỏ nhưng vẫn không bảo đảm chất lượng?

Ông Cao Anh Dũng: Tôi chưa nghiên cứu hồ sơ thủy điện Sê San 4 nhưng chuyện thấm nước qua thân đập thì công trình nào cũng có, nếu không thấm không phải là đập! Điều quan trọng là chủ đầu tư phải tìm ra nguyên nhân thấm và hướng xử lý. Tùy từng thiết kế cụ thể mới có thể đánh giá mức thấm cao hay thấp, độ biến động nước ra sao; nhưng mức 15 lít/giây có thể được xem là cao.

Đập vùng sâu không ai kiểm tra

– Sau liên tiếp sự cố như thế, Bộ Công Thương đã có chỉ đạo chấn chỉnh gì, thưa ông?

Ông Cao Anh Dũng: Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã yêu cầu các bộ, địa phương khẩn trương kiểm tra các công trình thủy điện. Ngay khi có yêu cầu phát sinh, Bộ Công Thương đã chỉ đạo ngay chủ đầu tư, còn các địa phương thì chỉ đạo chung. Có nhiều văn bản chỉ đạo rồi nhưng thực tế chủ đầu tư nhận thức không đầy đủ.

Đập thủy điện Ia Krel bị vỡ trong tháng 6 làm hàng trăm hecta hoa màu của người dân bị thiệt hại nặng nề (Ảnh: Duy Anh/Pháp luật TP. HCM)

Tôi đi kiểm tra thấy thậm chí nhiều chủ đầu tư không nắm được văn bản quy định về xây dựng thủy điện. Các thủy điện nhỏ nằm ở vùng sâu vùng xa cả trăm cây số, đi bộ 10 km mới tới, thế nên cơ quan quản lý nhiều địa phương không ai đi vào kiểm tra, coi nhẹ an toàn đập. Các chủ đầu tư cũng xem thường tầm quan trọng của thủy điện nhỏ, cho rằng nếu có sự cố thì hậu quả cũng không lớn.

Thực tế nhiều địa phương không biết mình có bao nhiêu thủy điện. Trước 2009, địa phương phó mặc cho chủ đầu tư. Chủ đầu tư chỉ cần xin giấy phép, Sở Công Thương chỉ góp ý, nghe hay không là việc của chủ đầu tư. Trong khi đó năng lực chủ đầu tư lại kém, nhiều chủ đầu tư không hiểu gì về thủy điện. Ngoài ra, do kinh tế khó khăn, chủ đầu tư làm không đầy đủ các bước, đi thuê các đơn vị thi công không đủ năng lực, không có quy trình kiểm tra, giám sát thiết kế và thi công sai.

– Tới đây Bộ Công Thương sẽ có những phương án nào siết lại thủy điện?

Ông Cao Anh Dũng: Hiện Bộ NN&PTNT đang làm dự thảo sửa đổi Nghị định 72 về quy định an toàn đập. Quy định này sẽ nêu rõ trách nhiệm từng bộ, ngành, địa phương trong công tác quản lý. Hiện nay các khâu này còn chồng chéo. Ngoài ra, Bộ sẽ tiếp tục rà soát các dự án theo Công văn 5132 ngày 25-6 của Thủ tướng.

Về phương án dừng thì nên cân nhắc, tùy mức độ sai phạm và hướng xử lý hợp lý, an toàn và bảo đảm vốn của chủ đầu tư. Những lỗi nhỏ thì tìm cách khắc phục. Các dự án của tư nhân nhưng tiền chủ yếu vay ngân hàng, nếu dừng ngay sẽ gây khó khăn cho DN.

Xin cảm ơn ông!

Bộ Công Thương đang rà soát điều chỉnh giá điện

Tại buổi họp báo hôm qua (1/7), ông Đinh Thế Phúc, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực, cho biết việc điều chỉnh giá điện được thực hiện theo Quyết định 24. Hiện EVN đã có báo cáo kiểm toán 2012. Bộ Công Thương và Tài chính sẽ tính toán tác động của việc tăng giá bán than cho điện vào tháng 4, sau đó sẽ rà soát, xem xét khả năng điều chỉnh giá điện và đề xuất lên Chính phủ. “Giá điện bao nhiêu, điều chỉnh lúc nào sẽ được căn cứ vào nhiều yếu tố, trong đó có tính tới yếu tố lạm phát và các điều kiện phát triển kinh tế-xã hội” – ông Phúc khẳng định.

Cũng theo ông Phúc, trong dự thảo có tính giá điện riêng cho sắt thép, xi măng cao hơn các ngành sản xuất khác từ 6% đến 10% với cùng cấp điện áp 110 kV trở lên. “Đây là những ngành chiếm tỉ trọng lớn trong cơ cấu sử dụng điện. Ngoài một số nhà máy sử dụng công nghệ tiên tiến, một số nhà máy khác vẫn sử dụng công nghệ cũ khiến tiêu tốn điện nhiều. Do đó, việc quy định giá cao hơn nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp cải tiến công nghệ” – ông nói.

___________________________________

Giá xăng tăng theo giá thế giới

Trước thắc mắc vì sao giá thế giới giảm từ 1% đến 6% nhưng trong tháng 6, xăng dầu trong nước đã có hai lần tăng, ông Nguyễn Xuân Chiến, Vụ phó Vụ Thị trường trong nước, cho biết: “Xu hướng thế giới tăng chứ không phải giảm. Do đó, việc tăng giá là theo đúng quy định của Nghị định 84”. Theo ông, số liệu chính thức của Liên bộ Công Thương – Tài chính cho thấy giá xăng dầu thế giới không giảm mà thực tế có xu hướng tăng từ cuối tháng 5. Cụ thể vào thời điểm 21-5, tính bình quân 30 ngày giá xăng RON 92 ở mức 111,08 USD/thùng; 13-6 tăng lên 112,975 USD/thùng; 27-6 tăng lên 114,44 USD/thùng.

Mới đây, Hội đồng nghiệm thu Nhà nước nghiệm thu các công trình xây dựng đã phát hiện lượng nước khá lớn, 17,5 lít/giây, thấm qua đập chính và đập tràn đối với công trình thủy điện Sê san 4 (Gia Lai và Kon Tum) do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư. Ngày 12-6, đập công trình thủy điện Ia Krêl 2 (Gia Lai) bất ngờ bị vỡ khiến hoa màu, tài sản người dân bị cuốn trôi.