ThienNhien.Net – Theo Bộ Công Thương, hiện nay tổng công suất thiết kế các mỏ sắt đã được khai thác trên địa bàn cả nước khoảng 4,5 triệu tấn (chưa kể 2 mỏ sắt lớn nhất là Thạch Khê và Quý Xa), vượt xa nhu cầu trong nước, dẫn đến việc cả nước tồn kho khoảng 3 triệu tấn.
Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây, Bộ Công Thương cho rằng vấn đề nêu trên là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng xuất lậu khoáng sản (gồm cả quặng sắt) thời gian vừa qua.
Để giải quyết tình trạng trên, Bộ Công Thương cho biết, thời gian tới Ban chỉ đạo 127 Trung ương tăng cường chỉ đạo, đôn đốc và kiểm tra Ban chỉ đạo 127 các địa phương có hoạt động xuất khẩu khoáng sản trong việc khẩn trương triển khai các biện pháp kiểm tra, ngăn chặn có hiệu quả hành vi xuất lậu và gian lận trong xuất khẩu khoáng sản.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo cơ quan liên quan khẩn trương rà soát lại quy trình, thủ tục xuất khẩu khoáng sản để quản lý chặt chẽ số lượng, giá cả xuất khẩu mặt hàng này và kịp thời xử lý các hành vi vi phạm; đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền đến nhân dân các địa bàn biên giới chấp hành tốt quy định liên quan đến khai thác, xuất khẩu khoáng sản…
Liên quan đến vấn đề khoáng sản tồn kho, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cuối năm 2012, Thủ tướng Chính phủ cho phép xuất khẩu một số tinh quặng tồn kho như: sắt, ilmenit, apatit, sulfua chì, kẽm, mangan, đồng.
Tuy nhiên, Bộ Công Thương cho rằng giải pháp trên chỉ mang tính tình thế. Do đó về lâu dài, chính quyền các địa phương (có doanh nghiệp được cấp phép khai thác quặng sắt) cần chỉ đạo doanh nghiệp khai khoáng căn cứ nhu cầu tiêu thụ thực tế trong nước để có kế hoạch khai thác hợp lý. Chỉ khai thác sản lượng đủ đáp ứng nhu cầu trong nước theo địa chỉ cụ thể, không để tái diễn tình trạng tồn kho khoáng sản như vừa qua.
Bộ Công Thương cũng chỉ đạo cơ quan tư vấn hoàn thiện quy hoạch quặng sắt điều chỉnh theo hướng gắn các mỏ quặng sắt với cơ sở luyện gang thép trong nước, đảm bảo việc khai thác, chế biến quặng sắt trong giai đoạn quy hoạch chỉ phục vụ nhu cầu sản xuất gang thép trong nước.
Liên quan đến việc xuất khẩu tinh quặng sắt tồn kho, gần đây, Bộ Công Thương đã thống nhất với UBND một số địa phương cho phép nhiều doanh nghiệp được xuất khẩu tinh quặng sắt tồn kho với khối lượng được xuất khẩu từ vài nghìn đến vài chục nghìn tấn tinh quặng/doanh nghiệp.
Đặc biệt, có trường hợp tồn kho lớn được xuất khẩu đến 100.000 tấn như Công ty CP thương mại và khai thác khoáng sản Dương Hiếu.