ThienNhien.Net – “Rừng ơi!” là một chương trình giáo dục về rừng nhiệt đới dành cho học sinh, sinh viên lần đầu tiên được tổ chức ở Việt Nam. Bằng việc lồng ghép kiến thức môi trường trong các trò chơi sôi động, chương trình đã thu hút được nhiều bạn trẻ tham gia.
Mùa hè năm nay rất khác đối với Trần Duy Hiếu, học sinh lớp 6 Trường THCS Tây Sơn và gia đình. Các năm trước, Hiếu thường đi du lịch cùng gia đình hoặc mải mê với những trò chơi (game) trực tuyến. Nhưng hè này, gia đình Hiếu vui mừng khi thấy em nhiệt tình tham gia sinh hoạt trong dự án về bảo vệ môi trường. Bố mẹ em chia sẻ: “Khi thấy cháu nói muốn tham gia chương trình “Rừng ơi!”, chúng tôi đồng ý ngay vì cho rằng cháu sẽ có thời gian vui vẻ bên bạn bè và học được nhiều điều thú vị. Thay vì lên mạng chơi điện tử, Hiếu đã chăm chỉ, mày mò tìm hiểu thông tin của các khu rừng ở Việt Nam, vị trí địa lý và các loài động thực vật quý hiếm”.
Ðến nay, Duy Hiếu cùng với 100 học sinh, sinh viên đã có năm buổi sinh hoạt về chủ đề rừng tại Trường THCS Tây Sơn. Sau khi làm quen với nhau, các bạn được tham gia những trò chơi gắn với việc tìm hiểu về địa lý Việt Nam, rừng Việt Nam, học nhảy, rồi đóng vai kiểm lâm, lâm tặc,… Ở mỗi buổi sinh hoạt, các bạn còn chuẩn bị những ý tưởng bảo vệ môi trường để thuyết trình, trao đổi. Nhóm của Hiếu đã chọn ý tưởng làm những con rô-bốt bảo vệ các loài thực vật, động vật. Chúng hoạt động nhờ pin mặt trời và các năng lượng sạch. Ðặc biệt, loại rô-bốt này sẽ có khả năng nhận diện khuôn mặt kiểm lâm, người dân và các lâm tặc, giúp quản lý và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. Các nhóm khác cũng mang đến nhiều ý tưởng độc đáo. Có nhóm thì muốn xây dựng những thùng rác phân loại, có đường ống nối trực tiếp với các nhà máy tái chế; phân chia các khu rừng để kinh doanh một cách hợp lý và có trách nhiệm hoặc thành lập một thư viện mô phỏng quang cảnh rừng để mọi người tìm hiểu…
Những hoạt động bổ ích, thú vị trong dự án “Rừng ơi!” xuất phát từ ý tưởng của Hà Duy, học sinh năm cuối Trường đại học St.Olaf, bang Minnesota, Hoa Kỳ. Qua một chuyến tham quan dã ngoại đến đất nước Cô-xta Ri-ca, Hà Duy, đã nảy ý định tổ chức một chương trình giáo dục thế hệ trẻ về rừng nhiệt đới. “Ðất nước Cô-xta Ri-ca cũng có điều kiện khí hậu như Việt Nam. Vậy tại sao họ có thể bảo tồn thiên nhiên đa dạng như vậy trong khi ở Việt Nam lại không?” – câu hỏi đó khiến Hà Duy trăn trở. Từ đó, Duy cùng khoảng 20 bạn sinh viên các trường đại học trong và ngoài nước, lên kế hoạch xây dựng một chương trình giáo dục về rừng nhiệt đới nhằm tạo cơ hội cho các bạn học sinh, sinh viên có thể tiếp cận về môi trường theo một hướng mới và nâng cao tầm hiểu biết, tình yêu với tài nguyên rừng. Dự án phi lợi nhuận này đã sớm nhận được sự ủng hộ, tài trợ từ nhiều tổ chức như Quỹ dự án vì Hòa bình Davis, Trung tâm Giáo dục và Phát triển, Trường đại học St.Olaf, Trung tâm Phát triển sáng kiến cộng đồng… Dự án giúp các thành viên làm quen, từng bước tìm hiểu về rừng qua các trò chơi, chuẩn bị kiến thức và lên ý tưởng cho bài thuyết trình bảo vệ môi trường của mình. Những buổi trò chuyện với khách mời như GS, TS, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Lân Dũng, GS, TS Phùng Tửu Bôi, GS, TS Nguyễn Ngọc Lung, đại diện các trung tâm, CLB về môi trường trên địa bàn cũng mang lại những kiến thức thú vị cho các em, khuyến khích các em tìm tòi, sáng tạo những cách bảo vệ rừng.
Dự tính ban đầu của Ban tổ chức là 400 thành viên tham gia nhưng con số thực tế lên tới 720 đơn, vượt xa sự kỳ vọng của mọi người. Sau một tháng tổ chức các buổi sinh hoạt, giáo dục, 50 em học sinh, sinh viên xuất sắc nhất sẽ được tham gia trại hè khám phá tại Vườn quốc gia Cúc Phương vào ngày 15/07. Bằng chuyến đi thực tế này, Ban tổ chức hy vọng sẽ giúp các em có một hình dung cụ thể, chân thực nhất về những cánh rừng của đất nước, biến những kiến thức từ sách vở của các em thành những trải nghiệm thú vị.