ThienNhien.Net – Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Khánh Hòa, từ đầu năm 2013 đến nay, tình trạng khai thác, vận chuyển, mua bán, tàng trữ lâm sản trái pháp luật trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp dưới nhiều hình thức: sử dụng ô tô, xe gắn máy, thuê người dân địa phương vận chuyển lâm sản; phá rừng có tổ chức; chống người thi hành công vụ…
Thời gian gần đây, huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa trở thành “điểm nóng” phá rừng, vận chuyển, mua bán lâm sản trái phép với các vụ điển hình như: tàng trữ gỗ lậu số lượng lớn tại cửa hàng đồ gỗ mỹ nghệ Bến Lội, xã Sơn Thái; tổ chức vận chuyển gỗ trái pháp luật và chống lại người thi hành công vụ…
Gần đây nhất là vụ phá 25,3ha rừng phòng hộ nằm trong lâm phận của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lâm nghiệp Trầm Hương, thuộc Tiểu khu 105, nơi giáp ranh giữa hai tỉnh Khánh Hòa và Đắk Lắk. Trong số 25,3ha rừng bị chặt phá có 19ha rừng giàu, còn lại là rừng non tái sinh. Chi cục Kiểm lâm Khánh Hòa đánh giá: đây là vụ phá rừng rất nghiêm trọng và đang tổ chức giám định thiệt hại để củng cố hồ sơ, khởi tố vụ án.
Ở nhiều huyện, thị khác trong tỉnh, tình trạng phá rừng, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép cũng tái diễn. Tại huyện Vạn Ninh, rừng ở khu vực Suối Hương, xã Vạn Bình bị nhiều đối tượng tổ chức khai thác trái phép trong một thời gian dài, đến nay mới cơ bản được ngăn chặn. Trên địa bàn huyện miền núi Khánh Sơn, tình trạng vận chuyển lâm sản trái pháp luật có chiều hướng gia tăng với thủ đoạn cất giấu gỗ trên xe chở keo, tràm, nông sản…
Liên quan đến vụ xâm hại rừng căm xe ở xã Ninh Tây, thị xã Ninh Hòa, ngành kiểm lâm đã chuyển hồ sơ cho công an tiếp tục điều tra, khởi tố bốn vụ án hình sự. Qua xác minh cho thấy, các đối tượng thường tổ chức khai thác trái phép ở những khu rừng có địa hình hiểm trở, giáp ranh; gỗ có trữ lượng lớn, cho giá trị kinh tế cao như: pơ mu, bách xanh, kiền kiền…
Theo Chi cục Kiểm lâm Khánh Hòa, sáu tháng đầu năm nay, toàn tỉnh xảy ra 373 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, tăng 87 vụ so với cùng kỳ năm 2012; trong đó mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép chiếm 95% tổng số vụ. Ngành kiểm lâm đã tịch thu hơn 127m3 gỗ tròn và 404m3 gỗ xẻ (trong đó có trên 46m3 gỗ quý hiếm), gần 90 phương tiện vi phạm khác; phát hiện nhiều cơ sở chế biến, kinh doanh lâm sản không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh…
Theo ông Trần Minh Thu, Phó Chi cục trưởng Kiểm lâm Khánh Hòa, thời gian qua, công tác bảo vệ rừng ở một số địa phương chưa chủ động, còn dựa vào cấp trên. Việc phối hợp giữa lực lượng kiểm lâm với bảo vệ rừng chưa chặt chẽ. Kiểm lâm địa bàn chưa chủ động tổ chức, kiểm tra thực hiện pháp luật về bảo vệ rừng. Các Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm chưa tham mưu tích cực cho chính quyền cấp huyện, thị để xử lý đối tượng xâm hại rừng ngay từ đầu. Riêng tại huyện Khánh Vĩnh, có dấu hiệu buông lỏng quản lý địa bàn khi không phát hiện các vụ vi phạm rừng trong một thời gian dài… Những yếu kém trên đã khiến tình trạng phá rừng, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép ở Khánh Hòa vẫn tiếp diễn.
Theo ông Trần Minh Thu, ngành kiểm lâm tỉnh đang phối hợp với chính quyền địa phương, lực lượng công an duy trì kiểm tra, truy quét, chốt chặn trên các tuyến đường. Lực lượng liên ngành phối hợp tăng cường chốt chặn tại dốc Ama Meo thuộc thị trấn Khánh Vĩnh, nơi giao cắt giữa tỉnh lộ 2 và đường đi tỉnh Lâm Đồng; đồng thời tăng cường kiểm tra, truy quét các tụ điểm trung chuyển, cất giấu gỗ lậu; cơ sở chế biến, kinh doanh, tiêu thụ gỗ lậu; tăng cường tuyên truyền về chủ trương, chính sách bảo vệ rừng, quản lý lâm sản của Nhà nước.