Ứng dụng phương pháp truyền thông khí hậu của Al Gore

ThienNhien.Net – Câu chuyện biến đổi khí hậu có lẽ đến nay đã không còn xa lạ nữa đối với xã hội, song hiểu đúng và hiểu rõ về nó chắc hẳn vẫn còn một khoảng cách khá xa. Điều này phản ánh phần nào hiệu quả thông tin của báo chí, đồng thời cũng thể hiện một khoảng trống cần khỏa lấp trong truyền thông về biến đối khí hậu. Cuộc trò chuyện dưới đây với ông Vũ Trung Kiên, giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Ứng phó Biến đổi Khí hậu, hy vọng sẽ làm rõ hơn về khoảng trống này.

Theo ông, vấn đề biến đổi khí hậu hiện đã được dành sự chú ý xứng đáng của báo chí Việt Nam hay chưa?

Tôi cho rằng sự chú ý quan tâm thì có, nhưng so với tầm mức của vấn đề thì chưa xứng đáng. Hiện nay thông tin về biến đổi khí hậu trên báo chí Việt Nam vừa thiếu, vừa phân tán, vừa bị sai lệch nhiều.

Sự thiếu và phân tán ấy được thể hiện như thế nào, thưa ông?

Ông Vũ Trung Kiên (bên phải) tại lớp học phương pháp truyền thông của Al Gore (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Hiện nay báo chí phần lớn đưa tin về các biểu hiện cực đoan của BĐKH, thông tin mô tả hiện tượng và mang tính kỹ thuật nhiều, hiếm các bài phân tích đa chiều về ảnh hưởng của BĐKH tới cuộc sống, hay những đánh giá sâu về các tác động sơ cấp và thứ cấp của BĐKH và cách thức chúng ta ứng phó.

Điều này rõ ràng cũng do BĐKH là một đề tài mới và khó. Nhưng theo ông cái khó nhất đối với một nhà báo khi theo đuổi đề tài này là gì? Ông có gợi ý hoặc lời khuyên gì không đối với các nhà báo tham gia mảng đề tài này?

Có lẽ khả năng bao quát liên ngành là cái khó nhất. Giáo dục của chúng ta đi theo hướng chuyên ngành, đào tạo chuyên gia nghiên cứu sâu – Specialists. Còn những vấn đề liên ngành lại đòi hỏi những cách tiếp cận khác, con người khác – Generalists (người có hiểu biết rộng –PV). Vì biến đổi khí hậu là vấn đề mới và mang tính liên ngành cao nên việc nắm bắt thông tin, xâu chuỗi, phân tích đa chiều và lý giải các mối liên quan giữa các lĩnh vực khác nhau đòi hỏi một năng lực học hỏi rất lớn, cần nhiều thời gian.

Có một xu hướng hiện nay đã được cảnh báo là dường như báo chí của chúng ta đang “trăm dâu đổ đầu biến đổi khí hậu” khi mà cứ có thiên tai thảm họa tự nhiên thì người ta lập tức kết tội biến đổi khí hậu. Theo ông tại sao lại có điều này? Điều này mang lại hậu quả gì và các nhà báo làm thế nào để tránh “vết xe đổ” này?

Cần nhìn nhận vấn đề BĐKH một cách cân bằng, có cả mặt tích cực và tiêu cực. Thiên tai liên quan đến khí hậu cần được đánh giá trên cơ sở so sánh với các sự kiện trong quá khứ trước khi kết luận về tần suất, cường độ, quy mô… Nhưng cũng cần nhắc nhở nhau rằng việc thụ động, chủ quan không chuẩn bị sẽ gây những hậu quả không lường trước được. Tốt nhất là chủ động tìm ra cách thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu, đảm bảo sự phát triển bền vững.

Nguyên nhân của hiện tượng “trăm dâu đổ đầu biến đổi khí hậu” là vì nhận thức của nhiều người viết bài chưa chuẩn xác, không nắm bắt được vấn đề, nhưng lại phải nói về vấn đề theo “mốt” hoặc theo yêu cầu công việc. Để làm chuẩn thì tự mình học hỏi là bước đầu tiên, sau đó việc cùng chia sẻ, nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu và phương pháp truyền thông.

Ông có thể gợi ý một vài hướng thúc đẩy truyền thông về biến đổi khí hậu không?

Truyền thông khí hậu sẽ phải khác một chút so với truyền thông về các vấn đề khoa học, vì đây là vấn đề có nhiều tác động tới cuộc sống. Nó cần mang hơi hướng của truyền thông xã hội, tuy vẫn giữ tính khách quan của báo chí nhưng phải có chủ đích vận động một sự thay đổi nào đó. Sự thay đổi này có thể là một hành vi sống xanh, có thể là sản xuất sạch hơn, có thể là quản lý tài nguyên bền vững, có thể là chính sách cho tăng trưởng xanh…

Hơn nữa, truyền thông khí hậu phải có phương pháp, nếu không sẽ như người mù chỉ đường cho người khác. Cựu phó tổng thống Hoa Kỳ, ông Al Gore, là một trong những chính trị gia tiên phong về vấn đề này trên thế giới, và phương pháp của ông đáng để chúng ta nghiên cứu học tập.

Được biết ông là người Việt Nam duy nhất tham gia khóa học phương pháp truyền thông về BĐKH của Al Gore, ông có thể giới thiệu ngắn gọn về phương pháp này không? Báo chí Việt Nam chúng ta có thể áp dụng điều này như thế nào?

Tôi may mắn là người Việt Nam duy nhất tham gia khóa tập huấn Climate Leaders do ông Al Gore tổ chức năm 2012 tại San Francisco, và đã học được nhiều điều từ chương trình này. Đây là chương trình đổi mới của Al Gore. Những năm trước đó ông đào tạo các Presenters, là những người truyền đi thông điệp của ông. Có lẽ vì ông đã khá cao tuổi nên muốn đào tạo thêm một lớp người có thể đảm trách những công việc phức tạp hơn, với những áp lực ngày càng cao hơn.

Nói ngắn gọn về phương pháp này, thì người làm truyền thông khí hậu cần phải chuyển từ vị trí khách quan bị động sang vị thế chủ động, không chỉ nâng cao nhận thức mà còn vận động hành vi và chính sách. Trong quá trình làm truyền thông khí hậu, cần tiếp cận theo cách thức ngắn gọn, đơn giản mà dễ nhớ, thông qua những câu chuyện có thực, thay đổi nhận thức và hành vi qua con đường cảm xúc, thay thế những “phần mềm” định kiến trong não công chúng bằng những ‘phần mềm” mới.

Việc ứng dụng phương pháp này đến đâu còn tùy nhận thức, tình hình ở Việt Nam, và các ưu tiên của đất nước trong từng giai đoạn.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!