ThienNhien.Net – Theo một nghiên cứu của Mỹ, các loài cá chính thuộc khu vực sông ở miền Đông Bắc nước này đang gặp khó khăn trong việc di chuyển lên phía thượng nguồn đẻ trứng do sự xuất hiện của hàng loạt con đập ngăn dòng, ngay cả khi người ta đã thiết kế cầu thang cá cho từng con đập.
Nghiên cứu do nhóm các nhà khoa học Mỹ với sự chủ trì của Giáo sư sinh học thuộc trường Đại học Queens John Waldman tiến hành đã kiểm chứng khả năng tiếp cận các khu vực đẻ trứng của cá hồi Đại Tây Dương (Salmo salar), cá trích dày mình (Alosa sapidissima), cá trích (Alosa pseudoharengus/aestivalis) và các loài cá khác khi phải từ biển vượt qua nhiều đập trên ba con sông Susquehanna, Connecticut và Merrimack lên phía thượng nguồn.
Kết quả cho thấy, chỉ có chưa đầy 3% số cá trích dày mình có thể vượt qua những chướng ngại vật này để tới bãi đẻ trứng. Đối với các loài di cư ngược dòng khác, kết quả nhìn chung không khá hơn.
Một nghiên cứu tương tự với hành lang cá trên sông Merrimack, New Hampshire do ông Jed Brown thuộc Cục Cá và Động vật hoang dã Hoa Kỳ tiến hành cũng cho thấy sự suy giảm đáng kể số lượng các loài cá trên. Càng không có gì hơn để nói về tình trạng phục hồi quần thể của chúng…
Thời gian gần đây, loài người đã rút ra những kinh nghiệm xương máu từ việc xây đập ồ ạt ở Mỹ, thậm chí một số đập lớn tại đây còn bị dỡ bỏ vì vấn đề môi trường.
Tuy nhiên, có lẽ không vì thế thế mà làn sóng xây đập trên toàn cầu giảm bớt. Trước mắt, có tới 30 đập lớn sẽ được xây dựng trên sông Amazon và 11 con đập được lên kế hoạch xây dựng trên dòng chính hạ lưu sông Mê Kông. Ngoài ra còn có vô số dự án đập khác đang được đề xuất, lên kế hoạch hoặc đang trong quá trình xây dựng ở khu vực thượng lưu sông Nile châu Phi, sông Patuca – Honduras, sông Teesta – Ấn Độ, thượng lưu sông Dương Tử – Trung Quốc, sông Tigris – Thổ Nhĩ Kỳ, sông Selenge – Mông Cổ… Trong số đó, rất nhiều con sông vốn là ngôi nhà chung của các quần thể cá di cư theo mùa.
Để giảm thiểu ảnh hưởng tới hành trình di cư của cá vào mùa sinh sản, nhiều nhà xây đập đã tính đến việc áp dụng công nghệ cầu thang cá của châu Âu nhưng công nghệ này vẫn gây nhiều tranh cãi và mức độ thành công của các thiết kế ấy mới chỉ đang được kiểm chứng.
Trong bối cảnh đó, thực tế về hiệu quả sử dụng cầu thang cá ở miền Đông Bắc nước Mỹ tựa như một gáo nước lạnh dội thẳng vào công nghệ cầu thang cá. Nói cách khác, việc tạo đường đi cho cá qua các con đập đã được chứng minh là không phải chìa khóa để giải quyết vấn đề.
Đã có nhiều câu chuyện thành công ở châu Âu về cầu thang cá. Đó là sự thật. Nhưng có lẽ điều mà nhiều nhà xây đập không muốn nhìn nhận thẳng thắn là đa phần cầu thang cá ở Châu Âu đều được thiết kế phù hợp với đặc tính sinh thái của các loài cá to khỏe và ít di cư nơi đây. Điều này đồng nghĩa với việc, nếu đem cầu thang cá sang áp dụng với khu vực sông Mê Kông ở châu Á chẳng hạn, mô hình này được cho là kém khả thi vì phần lớn cá ở đây là loài di cư, có kích thước nhỏ, lại đa chủng loại.
Theo cách hiểu thông thường, cầu thang cá là giải pháp giảm thiểu tác động của đập tới đường di cư của cá. Tuy nhiên, trong các trường hợp cầu thang cá không phù hợp, chúng lại trở thành chướng ngại trên con đường di cư ngược dòng về các bãi đẻ trứng ở phía thượng nguồn. Việc phải di cư qua cầu thang thay vì di chuyển tự nhiên khiến cho khả năng cán đích vào đúng thời điểm thích hợp của chu kỳ sinh thái trở nên khó khăn với các loài cá. Hơn nữa, trên hành trình trở lại, số lượng của chúng sẽ khó tránh khỏi bị rơi rớt, ảnh hưởng không nhỏ đến tương lai của cả một quần thể.
Thêm vào đó, việc các cầu thang cá hoạt động kém hiệu quả, thậm chí đồng loạt ngừng hoạt động khi mực nước quá cao hoặc quá thấp, cũng là nguyên do làm chậm thêm quá trình di cư.
Một số ý kiến cho rằng sai sót không nằm hề ở công nghệ hay biện pháp áp dụng mà ở việc đưa những ý tưởng, mô hình trên giấy ra thực tế. Ở châu Âu, người ta đang nghĩ đến việc rải đá cuội xuống đáy cầu thang để khiến nó trở nên tự nhiên hơn. Còn ở Mỹ và một số nơi khác, các nhà thiết kế lại tập trung xây dựng mô hình cầu thang cá gần giống hình dạng các nhánh sông. Riêng tại Đức, nhóm nghiên cứu chủ định tạo ra nhiều thiết kế khác nhau, sau đó triển khai thử nghiệm thực tế nhằm chọn được thiết kế phù hợp nhất.
Dù không chắc những giải pháp này sẽ đi đến đâu nhưng nếu việc loại bỏ các con đập là không thể thì điều các nhà nghiên cứu về cầu thang cá cần làm bây giờ chỉ có thể là nỗ lực cải tiến thiết kế của mình sao cho đạt được hiệu quả cao nhất khi đưa nó ra ngoài thực tiễn.