Ngân hàng thể hiện trách nhiệm xã hội

ThienNhien.Net – “Việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành một văn bản về quản lý rủi ro môi trường và xã hội (QLRR MT&XH) sẽ đảm bảo tạo ra một mặt bằng chung trong trách nhiệm bảo vệ môi trường và xã hội của các ngân hàng. Các doanh nghiệp, khách hàng của ngân hàng khi tham gia vào đây cũng sẽ có trách nhiệm hơn”.

Ngày 26/6, NHNN phối hợp với Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) tổ chức Hội thảo tham vấn về Thông tư quy định về quản lý rủi ro môi trường và xã hội. Hội thảo nhằm lấy ý kiến đóng góp của các chuyên gia, các bên liên quan và các tổ chức tín dụng trước khi NHNN chính thức đưa ra xin ý kiến lần 1 về Dự thảo Thông tư này.

Mặc dù dự kiến phải quý I/2014 mới ban hành, nhưng hầu hết các ý kiến đều cho rằng vì đây là một văn bản quy phạm pháp luật mới trong hoạt động của hệ thống ngân hàng nên cần được bàn thảo kỹ lưỡng, đảm bảo tính khả thi.

Gần một nửa số ngân hàng được khảo sát không cân nhắc đến yếu tố MT&XH (Ảnh minh họa: Ndhmoney.vn)

Trong năm 2012, NHNN và IFC đã tiến hành một khảo sát về thực trạng QLRR MT&XH nhằm nắm bắt mức độ nhận thức và hiểu biết của các ngân hàng thương mại tại Việt Nam về QLRR MT&XH trong ngành tài chính; rủi ro MT&XH được quản lý như thế nào trong chính sách và quy trình cấp tín dụng hiện nay ở các ngân hàng thương mại; cách thức đánh giá rủi ro MT&XH trong quy trình thẩm định và cấp tín dụng…

Khảo sát cho thấy những kết quả rất đáng chú ý. Đơn cử như có tới 89% ngân hàng tham gia khảo sát không biết đến bất kỳ tài liệu hướng dẫn hay tiêu chuẩn nào về QLRR MT&XH trong ngành tài chính.

Hiểu biết và kiến thức chuyên môn về QLRR MT&XH trong ngành tài chính cũng còn khá thấp. Chỉ có 4/54 ngân hàng được khảo sát đã từng sử dụng tư vấn để hỗ trợ việc xem xét các vấn đề MT&XH trong khi có gần một nửa số ngân hàng không cân nhắc đến yếu tố MT&XH và 37% cho biết họ không áp dụng hay sử dụng bất kỳ một quy trình nào về quản lý MT&XH trong quá trình thẩm định rủi ro.

Tuy nhiên, khảo sát cũng thu được những điểm tích cực như: có 63% số ngân hàng cho biết có “cân nhắc” các vấn đề MT&XH trong các quyết định cho vay. Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng đã nhìn thấy các lợi ích của việc có được một hệ thống QLRR MT&XH, đặc biệt trong thu hút vốn đầu tư từ các quỹ hoặc các tổ chức tài chính đầu tư, nâng cao uy tín, thương hiệu của ngân hàng và cải thiện chất lượng của các danh mục vốn vay.

Từ thực tiễn khảo sát trên, một Dự thảo Thông tư về QLRR MT&XH đã được NHNN phối hợp với IFC tích cực xây dựng. Các ý kiến tại Hội thảo đều hoan nghênh Dự thảo này.

“Việc NHNN ban hành một văn bản như thế này sẽ đảm bảo tạo ra một mặt bằng chung trong trách nhiệm bảo vệ MT&XH của các ngân hàng. Các doanh nghiệp, khách hàng của ngân hàng khi tham gia vào đây cũng sẽ có trách nhiệm hơn” – một ý kiến tại Hội thảo khẳng định.

Tuy nhiên, vì đây là nội dung chuẩn bị cho lần đưa ra xin ý kiến đầu tiên nên cũng còn nhiều vấn đề cần làm rõ. Trong đó, một trong những vấn đề được quan tâm nhất là việc cần có sự phân định rõ phần nào là những quy định bắt buộc, phần nào là những hướng dẫn và mang tính khuyến khích các ngân hàng thực hiện.

Theo một đại diện đến từ Vietcombank, việc phân định này rất quan trọng vì sẽ dẫn đến “hành xử” rất khác nhau của các ngân hàng. Nếu khuyến khích thì có thể có ngân hàng nào gương mẫu thì làm, có ngân hàng không gương mẫu thì cũng không sao. Ngược lại, nếu là bắt buộc thì các ngân hàng sẽ phải chấp hành nghiêm túc.

Bên cạnh đó, về các ngành, lĩnh vực áp dụng, hiện Dự thảo quy định 10 ngành, lĩnh vực sẽ áp dụng theo Thông tư này, như vậy đã gần như bao hàm hầu hết các ngành kinh tế. “Việc áp dụng QLRR MT&XH trong ngành tài chính là nội dung mới nên việc áp dụng trên diện rộng như vậy liệu có khó khăn không hay thay vì đó ta nên chọn một số ngành, lĩnh vực đang gây ảnh hưởng đến môi trường nhiều nhất để thực hiện trước và có một lộ trình thực hiện với các ngành, lĩnh vực còn lại?”, một đại biểu nêu ý kiến.

Ngoài ra, một số nội dung khác cũng cần được làm rõ hoặc nghiên cứu thêm như: Việc quy định trong vòng 12 tháng kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành thì tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải hoàn thành việc xây dựng hệ thống QLRR MT&XH để đưa vào vận hành như vậy có quá ngắn?; Việc yêu cầu các tổ chức tín dụng tự xây dựng hệ thống này liệu có mang tính chủ quan của mỗi ngân hàng vì khẩu vị rủi ro và xác định mức độ rủi ro của các ngân hàng có thể khác nhau?; Hỗ trợ đào tạo về QLRR MT&XH như thế nào?…

Để chi tiết và đầy đủ hơn, có lẽ Thông tư khi chính thức được ban hành sẽ nhiều hơn so với 8 trang của Dự thảo lần 1 (không kể các phụ lục).