ThienNhien.Net – Trong những năm gần đây, rừng ở khu vực nam Trường Sơn có xu thế suy giảm mạnh, tỷ lệ che phủ thấp, nhiều khu vực bị cô lập thành ốc đảo, đa dạng sinh học bị thách thức… đó là những nội dung được đề cập tại hội thảo “Đánh giá hiện trạng, thách thức và đề xuất giải pháp bảo tồn đa dạng sinh học vùng cảnh quan nam Trường Sơn”. Chương trình do Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) và Viện Sinh thái học miền Nam tổ chức.
Theo báo cáo của nhóm nghiên cứu, vùng cảnh quan nam Trường Sơn gồm các tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng, Bình Phước, Đắk Nông và 4 huyện phía nam của tỉnh Đắk Lắk giai đoạn từ 2005 – 2011 đã bị mất khoảng 193.334 ha diện tích rừng tự nhiên, trung bình mỗi năm mất khoảng 27.630 ha. Đến năm 2011, tổng diện tích đất rừng tự nhiên chỉ còn khoảng 1,18 triệu ha, độ che phủ toàn vùng chỉ đạt 35,9% thấp hơn đáng kể so với Tây nguyên là 51,3% và mức chung cả nước là 39,7%. Hai nguyên nhân chính làm suy giảm diện tích và chất lượng rừng ở nam Trường Sơn là do việc chuyển đổi rừng sang trồng cây công nghiệp, chủ yếu là cao su và các đập thủy điện.
TS Phạm Hữu Khánh – chuyên gia về bảo tồn đa dạng sinh học của Vườn quốc gia Cát Tiên cũng cho biết việc bảo tồn đa dạng sinh học ở đây đang phải đối mặt với thách thức từ việc chuyển đổi hàng chục ngàn héc ta ở vùng đệm sang trồng cao su. Nguyên nhân quan trọng khác là việc phát triển các công trình thủy điện trong khu vực này. Theo ông Lương Văn Ngự, Phó giám đốc Sở TN-MT tỉnh Lâm Đồng, nhiều dự án để sản xuất ra 1 MW điện phải đánh đổi từ 6 – 10 ha rừng. TS Khánh lo lắng: Dự án Đồng Nai 6 và 6A chỉ cách khu vực Bàu Sấu chừng 35 – 40 km. Nếu được xây dựng nguy cơ tác động đến khu vực này là rất lớn.