ThienNhien.Net – Hơn 7 năm triển khai, đến nay, Khu Kinh tế Vân Phong mới thu hút được 50 dự án đi vào hoạt động, vốn thực hiện các dự án cũng rất khiêm tốn: 584 triệu USD
Sau hơn 3 năm triển khai, dự án cảng Vân Phong – cảng trung chuyển container quốc tế đầu tiên tại Việt Nam do Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) làm chủ đầu tư – đã bị rút giấy phép; dự án căn cứ dịch vụ công nghiệp dầu khí Vân Phong do một đơn vị trực thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam) làm chủ đầu tư cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Đây là 2 dự án lớn nằm trong Khu Kinh tế (KKT) Vân Phong của tỉnh Khánh Hòa.
Dự án tỉ đô nhưng không có… tiền
Ông Nguyễn Trọng Hòa, Trưởng Ban Quản lý KKT Vân Phong, cho biết đơn vị vừa có văn bản gửi Vinalines, thông báo về việc rút giấy phép đầu tư dự án cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong (dự án CVP) vì lý do chủ đầu tư không thực hiện đúng tiến độ như cam kết. Sau khi phía Vinalines giải quyết các vấn đề liên quan đến việc thanh lý dự án, Ban Quản lý KKT Vân Phong sẽ chính thức ban hành quyết định thu hồi dự án.
CVP ban đầu được xác định là dự án trọng điểm, đầu tàu của cả KKT Vân Phong với tổng vốn đầu tư khoảng 3,6 tỉ USD, chính thức khởi công từ tháng 10-2009. Theo kế hoạch, dự án sẽ hoàn thành sau năm 2020, gồm cầu cảng dài 12,5 km với 42 bến, tổng diện tích 750 ha, bảo đảm thông quan trên 200 triệu tấn hàng hóa/năm và có thể tiếp nhận tàu container trọng tải 18.000 TEU. Giai đoạn 1 dự kiến hoàn thành vào tháng 10/2011.
Tuy nhiên, thống kê của Vinalines cho thấy sau 2 năm khởi động, công trình mới đóng được 145/1.729 cọc, trong đó có 115 cọc bê-tông và 30 cọc thép. Tổng khối lượng công việc chủ đầu tư thực hiện tại CVP chưa đến 10%. Ngoài lý do thay đổi thiết kế, việc thiếu vốn là nguyên nhân chính dẫn đến toàn bộ dự án bị ngưng trệ.
Bên cạnh dự án CVP, dự án căn cứ dịch vụ công nghiệp dầu khí Vân Phong, do Công ty CP đầu tư dầu khí Sao Mai – Bến Đình (thuộc Petro Việt Nam) làm chủ đầu tư cũng bị Ban Quản lý KKT Vân Phong rút giấy phép. Dự án này có tổng vốn gần 1,36 tỉ USD, nằm trên địa bàn phường Ninh Hải, thị xã Ninh Hòa. Theo ông Nguyễn Trọng Hòa, nguyên nhân rút giấy phép dự án là do chủ đầu tư không kêu gọi được các nhà đầu tư, thiếu vốn nên không thể triển khai.
Vốn nào cho KKT Vân Phong?
KKT Vân Phong có diện tích 150.000 ha, được Chính phủ phê duyệt thành lập vào tháng 4-2006. Theo quy hoạch, Vân Phong là KKT tổng hợp, trong đó cảng trung chuyển container quốc tế giữ vai trò chủ đạo, kết hợp phát triển kinh tế tổng hợp đa ngành, trọng tâm phát triển công nghiệp, du lịch, dịch vụ… Hiện tại, KKT Vân Phong đã thu hút được 126 dự án, trong đó có 29 dự án có vốn đầu tư nước ngoài, tổng vốn đăng ký là 12,5 tỉ USD. Đến thời điểm này mới chỉ có 50 dự án đi vào hoạt động, trong đó có nhiều dự án lớn như Tổ hợp lọc hóa dầu Nam Vân Phong, Trung tâm Điện lực Vân Phong, khu đô thị mới và du thuyền cao cấp Tu Bông… Có 64 dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư và đang triển khai, 12 dự án đang thực hiện thủ tục đầu tư.
Tuy nhiên, theo Ban Quản lý KKT Vân Phong, vốn thực hiện các dự án chỉ đạt 584 triệu USD, chiếm khoảng 4,7% lượng vốn đăng ký. Những dự án đang triển khai vẫn rất chậm so với kế hoạch ban đầu. Để tháo gỡ khó khăn, thời gian qua tỉnh Khánh Hòa đã nỗ lực mời gọi nhà đầu tư nước ngoài, nhất là việc tìm “chủ” cho dự án CVP. Đến nay, chỉ có Tập đoàn Rotterdam (Hà Lan) vào KKT Vân Phong để khảo sát. Nhưng đã hơn 1 năm, tập đoàn này chưa có hồi âm gì. Hiện tại, việc tìm nhà đầu tư mới cho CVP là điều rất khó khăn.
Ông Hoàng Đình Phi, Phó trưởng Ban Quản lý KKT Vân Phong, cho biết khó khăn lớn nhất mà KKT gặp phải là vốn. Việc thu hút nhà đầu tư là nhiệm vụ chính của ban quản lý, tuy nhiên do nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn đã khiến các chủ đầu tư chưa dám mạnh dạn triển khai dự án. Bên cạnh đó, việc đầu tư cơ sở hạ tầng vẫn đang trông chờ vào ngân sách nhà nước. Hiện nay, KKT Vân Phong đang gặp khó khăn về cung cấp nguồn nước sạch cho các nhà đầu tư; công trình giao thông cũng chỉ đáp ứng được ở các trục đường chính… “Trước mắt, ban quản lý sẽ tiếp tục tận dụng các nguồn vốn trong nước, ODA, kêu gọi các nhà đầu tư không chỉ cho CVP mà còn nhiều dự án khác với nhiều hình thức đầu tư như BOT, BT, BTO. Ban quản lý KKT Vân Phong sẽ tạo điều kiện tối đa nhất trong khâu giải phóng mặt bằng đồng thời có nhiều ưu đãi về thuế cho nhà đầu tư” – ông Phi nói.
Nhiều ưu đãi
Theo ông Hoàng Đình Phi, hiện KKT Vân Phong có ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ 10% trong 15 năm đầu, kể từ khi nhà đầu tư bắt đầu hoạt động kinh doanh; giảm 50% thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao; miễn thuế nhập khẩu 5 năm từ khi bắt đầu sản xuất đối với nguyên liệu sản xuất, vật tư, linh kiện và bán thành phẩm trong nước chưa sản xuất được; được hưởng ưu đãi về các loại thuế khác áp dụng đối với địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn… |