ThienNhien.Net – Hải Phòng đã phát triển các KCN qua 20 năm nhưng khả năng “lấp đầy” các KCN còn chậm, tỷ suất đầu tư chưa cao. Số doanh nghiệp đem lại nguồn thu ngân sách cao còn ít.
Chậm “lấp đầy”
Ba KCN ra đời sớm nhất trên địa bàn thành phố Hải Phòng có tổng diện tích 467 ha. Đến nay, mới có Nomura- Hải Phòng “lấp đầy” 100% diện tích đất cho thuê và 75% diện tích nhà xưởng. Tính chung cả 6 KCN có nhà đầu tư thứ cấp đang hoạt động, tỷ lệ “lấp đầy” trung bình mới đạt 50%. KCN Nomura- Hải Phòng được xây dựng theo hướng hoàn thiện hạ tầng rồi mới thu hút đầu tư. Tuy nhiên, ngay sau khi xây dựng xong, cuộc khủng hoảng tài chính- tiền tệ châu Á xảy ra khiến KCN khó thu hút đầu tư, “chìm lắng” một thời gian dài. Song, nhờ những nỗ lực của các bên liên doanh, đặc biệt là nhà đầu tư có tiềm năng nên KCN vẫn trụ vững. KCN này có tỷ suất đầu tư cao nhất trên địa bàn thành phố với 7,2 triệu USD/ha; thu hút 58 dự án đầu tư, trong đó có 48 dự án đầu tư Nhật Bản. Tổng vốn đăng ký của các dự án 869 triệu USD, vốn giải ngân đạt 640 triệu USD, bằng 74% vốn đăng ký.
KCN Đình Vũ trước đây cũng có thời gian dài trầm lắng về thu hút đầu tư nhưng những năm gần đây tăng tốc nhanh. KCN cơ bản “lấp đầy” giai đoạn 1 trên diện tích 164 ha; thu hút 39 nhà đầu tư với tổng vốn đăng ký 523 triệu USD. Hiện KCN đang triển khai giai đoạn 2 với diện tích 377,46 ha, tỷ lệ “lấp đầy” đạt 64%; thu hút 7 dự án với mức vốn đăng ký hơn 973 triệu USD. Những nỗ lực của thành phố, Chính phủ trong việc phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật tới chân hàng rào KCN; thúc đẩy quan hệ ngoại giao, vận động, xúc tiến thu hút đầu tư; chính sách ưu đãi của KKT ven biển, cùng với nỗ lực của công ty phát triển hạ tầng, đến nay, KCN Đình Vũ trở thành điểm đến hấp dẫn nhất của các nhà đầu tư.
Năm 2009- 2010 KCN bắt đầu có lãi. Thành phố Hải Phòng được chia lãi và bổ sung tăng vốn điều lệ vào phần vốn góp trong công ty liên doanh. Nguồn vốn góp của thành phố từ 4 triệu USD (vốn góp bằng quyền sử dụng đất), tăng lên 8 triệu USD. Năm 2011- 2012, KCN tiếp tục hoạt động hiệu quả, thành phố được chia lãi hơn 80 tỷ đồng, đồng thời trích lãi bổ sung cho nguồn vốn đầu tư phát triển gần 100 tỷ đồng; thực hiện tốt nghĩa vụ nộp ngân sách. Đây là KCN kinh doanh hiệu quả nhất trên địa bàn Hải Phòng. Tuy nhiên, tỷ suất đầu tư vào KCN chưa cao, mới đạt khoảng 5 triệu USD/ha.
Đáng chú ý là dự án KCN VSIP mới triển khai trong mấy năm gần đây, có tốc độ thu hút đầu tư rất nhanh và hiệu quả. Nếu không vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, KCN sẽ nhanh chóng “lấp đầy” trong thời gian không xa. Hiện, KCN thu hút 10 dự án, với tổng vốn đầu tư hơn 700 triệu USD, tỷ lệ “lấp đầy” đạt 21% theo quy hoạch. Song, nếu tính trên diện tích đất công nghiệp được giao thì tỷ lệ này tới 90%. KCN VSIP hứa hẹn là một KCN có hạ tầng đồng bộ, các dự án đầu tư có trình độ công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường.
Thiếu các dự án có số nộp ngân sách cao
Thời gian đầu, do chính sách khuyến khích thu hút các dự án đầu tư sản xuất hàng xuất khẩu (thuế suất bằng 0) nên hầu hết các dự án FDI vào thành phố sản xuất và xuất khẩu 100%. Đến hết tháng 5 vừa qua, các doanh nghiệp trong các KCN có kim ngạch xuất khẩu chiếm đến 87% tổng doanh thu. Năm 2012, kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp trong KCN đạt 1,2 tỷ USD, chiếm 47% tổng kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn. Thành phố không thu được gì nhiều cho ngân sách, chủ yếu chỉ có thuế hải quan, thuế thu nhập cá nhân. 5 tháng đầu năm nay, các doanh nghiệp, bao gồm cả doanh nghiệp FDI và DDI nộp ngân sách 450 tỷ đồng, trong đó, nộp ngân sách nội địa khoảng 390 tỷ đồng.
Trong những năm tới, khi một số dự án FDI sản xuất hàng hóa và tiêu thụ nội địa, phần lớn các doanh nghiệp hết thời gian được hưởng các ưu đãi về thuế số nộp ngân sách sẽ tăng cao hơn. Những năm sau này, các chính sách thu hút đầu tư của thành phố hướng tới công nghệ sạch, công nghệ cao cũng như tạo ra giá trị gia tăng cao và có số nộp ngân sách cao.
Tuy nhiên, việc chống chuyển giá cũng như kiểm soát được lỗ, lãi của các doanh nghiệp FDI cũng là vấn đề nan giải. Do phần lớn các công ty đầu tư vào thành phố là công ty con của công ty mẹ ở nước ngoài, sản xuất chuyên môn hóa cung cấp sản phẩm chưa hoàn chỉnh hoặc chỉ là một bộ phận, một thiết bị nên rất khó bóc tách đâu là các chi phí hợp lý, đâu là chi phí chuyển giá. Các cơ quan chức năng cần có giải pháp phù hợp và nâng cao trình độ quản lý nhà nước trong lĩnh vực này để khắc phục tình trạng chuyển giá, lãi thật, lỗ giả nhằm trốn nộp ngân sách.
Các KCN thu hút đầu tư khá chậm là KCN Đồ Sơn, thành lập năm 1997, ban đầu là khu chế xuất nhưng do thay đổi đối tác liên doanh, đến năm 2006 được Bộ Kế hoạch- Đầu tư cấp giấy phép điều chỉnh. Đến hết quý 1 năm nay, KCN thu hút 25 dự án đầu tư với tổng vốn 155 triệu USD; tỷ lệ “lấp đầy” đạt 33%. KCN Tràng Duệ thu hút 18 dự án FDI và DDI với tổng vốn đầu tư 58 triệu USD và 913 tỷ đồng; đến đầu tháng 5 này tỷ lệ “lấp đầy” mới đạt 26%. Dự kiến sắp tới một nhà đầu tư lớn vào sẽ nâng tỷ lệ “lấp đầy” lên 60%. Tỷ suất đầu tư KCN xấp xỉ 4 triệu USD/ha. KCN Nam Cầu Kiền có tỷ lệ “lấp đầy” khoảng hơn 60%
(Còn tiếp)