ThienNhien.Net – Mới đây, các cơ quan chức năng TP Hồ Chí Minh tổ chức kiểm tra việc xử lý nước thải ở 25 doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, khu chế xuất. Kết quả cho thấy, năm doanh nghiệp và một công ty đầu tư hạ tầng (KCN Cát Lái) có nước thải sau xử lý không đạt tiêu chuẩn xả thải; một doanh nghiệp chưa đăng ký đề án bảo vệ môi trường; một doanh nghiệp có lượng khí thải vượt quy chuẩn cho phép từ hai đến năm lần; hai doanh nghiệp chưa đăng ký, điều chỉnh sổ chủ nguồn thải chất thải nguy hại; ba doanh nghiệp không phân loại và lưu giữ chất thải nguy hại đúng quy định, không báo cáo định kỳ tình hình phát sinh và quản lý chất thải nguy hại.
Cũng cách đây chưa lâu, Phòng Cảnh sát điều tra phòng, chống tội phạm về môi trường (PC 49 – Công an thành phố) đã bắt quả tang năm doanh nghiệp đóng trên địa bàn phường Ðông Hưng Thuận (quận 12) xả thải ra môi trường không qua xử lý; trong số đó có hai doanh nghiệp từng bị lập biên bản về hành vi này nhưng không nộp phạt và chấn chỉnh sai phạm. Thực trạng này cho thấy tình hình xả thải của các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đang diễn biến hết sức phức tạp và gây nhiều hệ lụy cho môi trường sống của nhân dân thành phố. Ðể xảy ra tình trạng này, trước hết là do các chủ doanh nghiệp thiếu trách nhiệm, chỉ biết kiếm lời mà bất chấp mọi hậu quả. Thậm chí có doanh nghiệp còn tìm cách chốn tránh để không phải thực hiện công đoạn xử lý trước khi xả thải hết sức tốn kém, chỉ đến khi các cơ quan chức năng ra tay mới chấp nhận thực hiện. Song việc xử lý cũng hết sức sơ sài.
Tuy nhiên, lỗi hoàn toàn không chỉ thuộc về một mình doanh nghiệp. Bởi lẽ cho đến nay, các doanh nghiệp đang gặp khó ở khâu không biết phải xin phép cơ quan quản lý nào để được xả thải vào nguồn tiếp nhận. Về phía cơ quan chức năng cũng “rối” vì có chức năng cấp phép nhưng không có quyền thanh tra, kiểm tra xử lý nếu như chủ nguồn thải xả thải không đúng quy định. Ðó là do có nhiều cơ quan quản lý việc tiếp nhận nguồn thải tùy theo nơi xả thải. Nếu doanh nghiệp xả thải vào hệ thống cống thoát nước sinh hoạt sẽ do Sở Giao thông vận tải cấp phép. Còn nếu xả thải vào kênh thủy lợi sẽ do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp phép. Những nguồn tiếp nhận khác còn lại sẽ do Sở Tài nguyên và Môi trường cấp phép.
Do vậy, doanh nghiệp rất lúng túng khi xác định nơi xả nước thải thuộc về cơ quan nào quản lý để xin phép và để được cấp phép. Vì thế, không ít doanh nghiệp để bảo đảm tiến độ sản xuất đành liều xả thải ra bên ngoài bất chấp hậu quả. Do có nhiều cơ quan quản lý nguồn thải, cho nên việc xử phạt các doanh nghiệp vi phạm việc xả thải gây ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước cũng rất rối rắm vì không phải đơn vị nào cũng có chức năng xử lý. Nhiều khi, để có thể thành lập được một đoàn thanh tra, kiểm tra theo yêu cầu hỗ trợ hợp tác giữa các ngành liên quan, nhanh nhất cũng mất cả tuần.
Trong khi đó, hoạt động xả thải gây ô nhiễm diễn ra thường xuyên, liên tục bất kể giờ nào trong ngày. Do đó, để gỡ rối cho việc xả thải, thành phố cần xem xét và nên thống nhất một đầu mối cấp phép xả thải cũng như quản lý chất lượng nguồn nước cho một cơ quan cụ thể nào đó. Việc này nên giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường vì chỉ có sở này có chức năng thanh tra, kiểm tra, xử phạt những doanh nghiệp vi phạm xả thải không đạt chất lượng. Có như vậy mới kiểm soát chặt chẽ ngay từ khâu cấp phép cũng như khâu xả thải thực tế của doanh nghiệp.
Ðược biết, từ đầu năm nay, thành phố đã có kế hoạch phân vùng các nguồn tiếp nhận xả thải đối với 97 tuyến sông, suối, kênh rạch nhằm ngăn chặn tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng đối với nguồn cấp nước sạch cho người dân thành phố. Nếu kế hoạch đã được phê duyệt, thành phố cần công bố phân vùng xả thải này để người dân, doanh nghiệp biết cùng thực hiện, đồng thời, có những biện pháp chế tài xử phạt những doanh nghiệp xả thải không tuân theo quy định.