“Truyền thông về phát triển cũng rất cần kỹ năng báo chí”

ThienNhien.Net – Làm báo chuyên nghiệp không phải là con đường mà cô lựa chọn, nhưng Bùi Trần Như Phương sẽ còn nhớ mãi những ngày làm báo tập sự ở Mindanao, một trong những điểm tác nghiệp nóng bỏng nhất của làng báo thế giới. Chúng tôi đã có một cuộc trò chuyện bên quán cà phê nhỏ nhìn sang Học Viện Ngoại giao (Hà Nội), nơi Phương từng tốt nghiệp khoa Luật Quốc tế ba năm trước.

Dự án “Trao đổi Truyền thông về Môi trường Khu vực Châu Á” do Diễn đàn Nhà báo Môi trường Việt Nam (VFEJ) thực hiện với sự tài trợ của Fredskopset, một tổ chức của chính phủ Na Uy. Mục tiêu của dự án là tạo điều kiện cho những người làm công tác truyền thông môi trường ở các nước đang phát triển tăng cường trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm truyền thông môi trường thông qua việc trao đổi tình nguyện viên giữa các nước, và thiết lập mạng lưới các đối tác nhằm thúc đẩy truyền thông về môi trường trong khu vực châu Á. Trong khuôn khổ dự án này, Bùi Trần Như Phương đã tham gia tập sự tại Báo MindaNews, tờ báo tin tức hàng đầu tại thành phố Davao của hòn đảo lớn Mindanao, Philippines trong 10 tháng, từ tháng 5/2012 đến tháng 3/2013.

 

– Trước khi đến Midanao học làm báo, Phương có biết đó là nơi xung đột rất nóng bỏng không?

Như Phương (NP): Thực sự là không cho tới buổi tiệc chia tay ở nhà một người bạn em, ba bạn ấy có dặn dò phải cẩn thận, nhưng hình như lúc đó em vẫn để ngoài tai. Rồi tới khi sang Thái Lan tập huấn trước chuyến đi Mindanao, em được một anh phóng viên người Philippin kể rằng ở Mindanao có nhiều vụ bắt cóc và sát hại phóng viên, cũng hơi giật mình nhưng nghĩ anh ta hù họa, về tra Google thì mới biết quả thực là ở đó xung đột vũ trang rất nóng.

– Hẳn là khi đó rất sợ rồi chứ?

NP: Em chỉ nghĩ mình phải cẩn thận hơn thôi, chứ sợ thì cũng muộn rồi. Em đã nhận lời tham dự chương trình và cũng đã chuẩn bị sẵn sàng. Chỉ có điều, trong suốt thời gian ở Mindanao và cả sau này, em luôn nhớ lời dặn dò của một người bạn cao niên. Bác ấy nói rằng: Trong hành trình nào thì cũng có những kinh nghiệm tốt và kinh nghiệm dở, đừng nên cố rạch ròi cái nào là tốt, cái nào là dở, bởi dù tốt hay không nó cũng đều cho mình bài học. Nhất là khi một mình ở những nơi xa xôi, nếu cứ giữ định kiến thì mình sẽ nản chí.

– Em tốt nghiệp Ngoại giao, lại chuyên ngành Luật, vậy cớ gì đến tận nơi vừa xa vừa nguy hiểm để học làm báo?

NP: Thực ra từ nhỏ em đã có ước mơ được làm cho đài truyền hình, rồi sau này cũng có thời gian làm ở kênh VTC14. Hồi đó khối lượng công việc nặng, thúc ép liên tục nên phải thức khuya dậy sớm triền miên đến phát ốm, em phải nghỉ nhưng còn tiếc hùi hụi, thực sự em đã yêu mến công việc ở đó. Một lần tình cờ biết Diễn đàn Nhà báo Môi trường Việt Nam tuyển tình nguyện viên tham gia chương trình trao đổi báo chí, em nộp thử hồ sơ, qua vài vòng thử thách và được chọn. Em nghĩ cũng có chút may mắn, vì mình đâu có kinh nghiệm như mấy bạn học báo chí. Lúc phải đi thực tế để lựa vòng cuối, em đắn đo hoài vì vừa nhận công việc mới, xin nghỉ hai ngày rất ngại, nhưng rồi cũng mạnh dạn thử.

Phương tác nghiệp tại một cuộc họp báo của Đại sứ Mỹ tại thành phố Cateel, Philippin sau trận bão Bopha
Phương (áo tím) tác nghiệp tại một cuộc họp báo của Đại sứ Mỹ tại thành phố Cateel, Philippin sau trận bão Bopha (Ảnh do nhân vật cung cấp)

– Em có thế mạnh riêng của mình đấy chứ. Giỏi tiếng Anh và không sợ mạo hiểm, đâu phải ai cũng có.

NP: Vâng, về viết lách bằng tiếng Anh thì em cũng có chút thích thú, nếu hứng lên sẽ viết liền mạch đôi ba trang không dừng. Nhưng viết dài như vậy đôi khi không phải hợp với việc làm tin. Thời gian em viết cho tờ MindaNews bị ban biên tập từ chối đăng không ít tin bài đâu. Đến khi có mấy tin được đăng, phải tự phân tích rồi sửa dần. Sau cũng có tiến bộ, viết gọn gàng hơn.

– Em cảm nhận gì về vùng đất đầy xung đột Mindanao trong suốt 10 tháng ở đó?

NP: Thực sự cảm phục sự dấn thân của các phóng viên, đặc biệt là những phóng viên ảnh. Để có được những bức ảnh về thời sự nóng hổi, đôi khi họ phải vượt qua làn đạn của các phe phái đối lập. Khó tưởng tượng nổi.

– Vậy còn sự an toàn của chính em thì sao?

NP: Vì em là tập sự, cũng là người nước ngoài nên khi đi phỏng vấn, điều tra các anh chị nhà báo hướng dẫn luôn nhắc em phải đảm bảo trong tầm quan sát của họ. Em cũng tuân thủ nguyên tắc đi đâu làm gì luôn báo cáo trước với ban biên tập. Cũng vì vậy mà có một lần em tính theo chân một phóng viên người bản địa đi vào vùng sâu nơi có một nhóm phe phái cô lập thì đã bị từ chối thẳng thừng. Tổng biên tập tờ Mindanews là một phụ nữ, cô ấy từng nói “Chỉ ai không hiểu mới sợ hãi, nếu ai hiểu Mindanao thì sẽ không có gì để sợ”, thực ra cũng có lý. Đặt mình trong không gian đó sẽ thấy sợ hãi thái quá là không cần thiết, tuy rằng nên cẩn trọng.

 – Chắc hẳn em cũng có những kỷ niệm vui chứ?

NP: Quả thực em đã được học lại môn lịch sử lần thứ hai, được trổ tay nghề nấu nhiều món ăn truyền thống khi có những người bạn mới rất thích thú nghe kể về Việt Nam và thích món ăn Việt Nam. Chị cứ tưởng tượng sau vài tuần liền thường xuyên bị lạc trong thành phố lớn Davao khi đi xe Jeepney, khi bắt đầu quen rồi thì khoan khoái như thế nào.

Phương đang chụp ảnh những đứa trẻ ở một khu tái định cư ở tỉnh Cotabato, Philippin (Ảnh nhân vật cung cấp)
Phương đang chụp ảnh những đứa trẻ ở một khu tái định cư ở tỉnh Cotabato, Philippin (Ảnh nhân vật cung cấp)

– Tiếng Anh có đủ giúp em hòa nhập vào cuộc sống và làm việc ở đó không?

NP: Cũng có khó khăn vì Philippines có 3 vùng, mỗi vùng một ngôn ngữ khác nhau và  vùng sâu, vùng xa thì còn có nhiều ngôn ngữ riêng nữa. Tiếng Anh và tiếng quốc ngữ dùng phổ thông nên khi dự họp báo, phỏng vấn ở thành phố thì ổn, nhưng đi phỏng vấn ở xa thì cần phiên dịch, mà những người xung quanh mình thì đều rất bận, đôi khi họ muốn giúp nhưng không tập trung, thành ra thông tin thu được rời rạc không ra câu chuyện.

– Với một chuyến đi dài như vậy, em có đặt mục tiêu gì cho mình không?

NP: Được đi nhiều là đã đúng sở thích của em rồi. Ngoài việc hoàn thành những công việc được giao theo chương trình thì em không kỳ vọng nhiều, chỉ mong học hỏi được nhiều thứ, có thêm càng nhiều bạn bè càng tốt. Không nên để cái gì nó khóa suy nghĩ của của mình lại. Nhưng em cũng tiếc, lẽ ra nếu mình có chút kinh nghiệm viết báo trước đó thì có lẽ mình đã làm và học được nhiều hơn.

– Sắp tới em có dự định gì?

NP: Trước khi đi Mindanao học làm báo, em từng làm cho một tổ chức quốc tế về phát triển. Thực ra đó cũng là một lĩnh vực em yêu thích. Em đang hoàn thiện nốt hồ sơ sang Phần Lan học Thạc sĩ về Phát triển và Hợp tác quốc tế.

– Vậy là sẽ chia tay với làm báo?

NP: Không đâu, hai thứ  này nó hỗ trợ nhau nhiều lắm. Chị thấy đấy, làm về phát triển cũng rất cần truyền thông tốt đấy thôi. Kinh nghiệm làm báo hẳn sẽ giúp ích nhiều cho em sau này.

– Cảm ơn em và chúc em thành công với lựa chọn của mình!