Kỳ cuối: Lỗ hổng trách nhiệm và cuộc chiến thiếu Tổng Tư lệnh
ThienNhien.Net – Cái chết thê thảm của cá thể tê giác Java tại Vườn Quốc gia (VQG) Cát Tiên chính thức đưa Việt Nam vào danh sách quốc gia không còn tê giác. Đa dạng sinh học (ĐDSH) của Việt Nam gánh chịu tổn thất không bao giờ có thể bù đắp được, xảy ra đúng vào năm 2010 – được Liên hợp quốc chọn là Năm Quốc tế về ĐDSH.
Sau khi tận diệt con tê giác cuối cùng trên lãnh thổ của mình, kẻ có quyền lực và có tiền lại vươn vòi sang tận châu Phi bằng các cuộc săn bắn, mua bán trái phép sừng tê giác (STG)… Lỗ hổng trách nhiệm và cuộc chiến thiếu Tổng Tư lệnh khiến việc ngăn chặn săn bắn, mua bán STG trở nên dằng dai, không thấy kết quả cuối cùng.
Liền sau khi phát hiện vụ việc tê giác Java Việt Nam cực kỳ quý hiếm chết tại VQG Cát Tiên vào ngày 29/4/2010, Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) khẩn thiết đề nghị mở cuộc điều tra trên diện rộng. Ông Trần Văn Thành, Giám đốc VQG này mạnh mẽ lên tiếng, sẽ phối hợp chặt chẽ với cơ quan thực thi pháp luật, điều tra làm rõ nguyên nhân cái chết của cá thể tê giác nói trên. VQG Cát Tiên cũng đồng thời đề nghị cơ quan chức năng áp dụng biện pháp khẩn cấp truy tìm chiếc STG bị kẻ gian lấy đi.
“Đến hôm nay tôi mới biết tin này” là câu trả lời của ông Phạm Khôi Nguyên, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) với phóng viên Báo Thanh tra tại một buổi họp báo vào ngày 17/5/2010 – gần 1 tháng sau khi tê giác Java ở VQG Cát Tiên bị giết!
Trước thông tin bất ngờ này, ông Nguyên phải quay sang hỏi ý kiến một quan chức dưới quyền của mình là lãnh đạo Tổng cục Môi trường. Vị quan chức này nói rằng: “Có biết về vụ tê giác Java chết ở VQG Cát Tiên cuối tháng 4/2010, nhưng VQG Cát Tiên là của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), không phải của Bộ TN&MT”.
Tại thời điểm họp báo, Bộ TN&MT đang triển khai nhiều hoạt động quy mô hưởng ứng Năm Quốc tế về ĐDSH nhưng không hiểu sao “quả bóng” trách nhiệm lại bị “đá” gọn gàng sang Bộ NN&PTNT.
Dù biện minh bằng bất cứ lý do gì thì câu chuyện gần 1 tháng sau khi cá thể tê giác Java cuối cùng của Việt Nam trút hơi thở tàn mà Bộ trưởng TN&MT mới hay tin, đã bộc lộ lỗ hổng rất lớn về trách nhiệm trong cuộc chiến chống săn bắt trộm loài tê giác. Ít nhất có 2 bộ chủ yếu của Việt Nam đóng vai trò quản lý rừng, quản lý môi trường và ĐDSH, nhưng trong cái nhìn của dư luận, 2 cơ quan bộ này không làm tròn nhiệm vụ bảo vệ loài tê giác.
3 năm đã trôi qua, thủ phạm tiêu diệt tê giác Java ở VQG Cát Tiên vẫn là ẩn số và cũng không cá nhân quan chức nào bị xử lý, truy tố vì tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Lỗ hổng trách nhiệm của những nhà quản lý, là nguyên nhân khiến việc chống săn bắn trộm tê giác ở Việt Nam thành con số 0. Thêm vào đó, tình trạng buôn lậu STG từ Nam Phi về Việt Nam mỗi lúc một nóng bỏng và nhuốm màu bi kịch.
Tê giác Nam Phi đứng trước thảm cảnh “ngàn cân treo sợi tóc” và giới bảo tồn buộc phải chọn giải pháp “tiêm thuốc độc” vào STG. Thông tin trên đây được Hiệp hội Bảo tồn ĐVHD Chương trình Việt Nam (WCS) công bố với báo chí từ tháng 12/2012. Tuy nhiên, phải đến tháng 4/2013, công việc này mới chính thức được áp dụng tại Khu Bảo tồn (KBT) Động vật Sabi Sand Wildtuin của Nam Phi. Đại diện KBT cho biết, họ đã tiêm hỗn hợp thuốc trong đó có chứa thành phần ectoparasiticides vào sừng của hơn 100 con tê giác. Nếu một trong số các tê giác nói trên bị bắn lấy sừng thì kẻ “ăn” hay “uống” phải bột sừng này sẽ bị co giật, nôn mửa. Chuyên gia cũng tẩm lên STG loại bột đặc trưng để cơ quan thực thi pháp luật dễ dàng soi chiếu, phát hiện.
Những tay chuyên buôn lậu STG, đặc biệt là các trọc phú Việt Nam biết rõ STG bị tiêm thuốc độc, nhưng như chúng tôi đã phản ánh ở bài viết trước, đến tháng 5/2013, các vụ vận chuyển STG từ Nam Phi về Việt Nam vẫn tăng một cách bất bình thường.
Không ít đại gia – trọc phú đã và đang âm thầm lên kế hoạch “nhập khẩu nguyên con” tê giác từ Nam Phi về Việt Nam, hợp thức hóa nó trong các trang trại nhân nuôi ĐVHD. Buôn bán trái phép ĐVHD xuyên quốc gia được các quốc gia xem là hoạt động được tổ chức bài bản và rất dễ ‘lách luật”. Quyền lực và nguồn tài chính hoàn hảo dễ dàng gíúp các “ông trùm” thực hiện bất cứ điều gì họ muốn mà vẫn đảm bảo tính hợp pháp.
Ông Mavuso Msimang, Trưởng ban Các vấn đề về tê giác thuộc Bộ Môi trường Nam Phi cho rằng: “Chỉ có thể chấm dứt nạn săn bắn trộm và buôn lậu nếu chúng được giải quyết cùng với toàn bộ đường dây buôn bán. Chúng tôi hy vọng rằng Nam Phi và Việt Nam có thể chủ động hợp tác nhằm chấm dứt nạn buôn bán bất hợp pháp STG.”
Cuộc chiến ngăn chặn săn bắn trái phép, buôn lậu STG Nam Phi về Việt Nam chưa thể nhìn thấy kết quả cuối cùng vì đang thiếu vị Tổng Tư lệnh với đầy đủ quyền hành và trách nhiệm.
Kiếm lời từ thiên nhiên không hợp pháp là ăn cắpKhi tầng lớp trung lưu ngày một gia tăng, một điều chúng ta rất lấy làm vui mừng và ủng hộ thì tại nhiều quốc gia, những vật như ngà voi hay STG lại trở thành thứ để khoe của cải và địa vị xã hội. Chính vì thế, nhu cầu về món hàng này tăng lên. Theo ước tính, quy mô thị trường chợ đen về ĐVHD chỉ kém mỗi buôn bán vũ khí và ma tuý. Ngày nay, ngà voi được bán với giá gần 1.000 USD/pound, giá STG bằng giá vàng cùng khối lượng 30.000 USD/pound (1pound = 0,45kg).Xét cho cùng, ĐVHD cả trên cạn và dưới nước, là những nguồn tài nguyên đáng quý nhưng có hạn, không thể sản xuất ra. Một khi đã biến mất, chúng không thể tái tạo lại được. Những kẻ kiếm lời từ thiên nhiên một cách không hợp pháp, không chỉ lũng đoạn nền kinh tế và phá hoại an ninh quốc gia, chúng đang ăn cắp của thế hệ sau này.
(Phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton trong hội nghị về hợp tác chống buôn lậu ĐVHD tại Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 8/11/2012). |