ThienNhien.Net – Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân khẳng định, Việt Nam đẩy mạnh tăng cường hợp tác với các nước phát triển về khoa học công nghệ, đặc biệt ưu tiên Nhật Bản.
Thông tin trên được đưa ra tại Hội thảo “Hợp tác khoa học và công nghệ Việt Nam-Nhật Bản: thành tựu và triển vọng” được Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức ngày 19/6.
Theo ông Nguyễn Quân, thời gian qua, hợp tác khoa học công nghệ giữa Việt Nam và Nhật Bản đã đạt được những bước tiến vượt bậc. Đến nay, nhiều tổ chức nghiên cứu và phát triển của hai nước đã có những quan hệ hợp tác tốt, nhiều chương trình, dự án về khoa học công nghệ giữa hai bên đã và đang được triển khai hiệu quả nhằm giải quyết những vấn đề chung của hai nước.
Có thể lấy ví dụ điển hình như Nhật Bản-thông qua Cơ quan hợp tác quốc tế JICA đã hỗ trợ lập quy hoạch và xây dựng cơ sở hạ tầng theo chuẩn quốc tế cho Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Các đối tác Nhật Bản cũng được Chính phủ Việt Nam lựa chọn là đơn vị xây dựng nhà máy điện hạt nhân số 2 tại Ninh Thuận.
Trong một lần trao đổi với phóng viên Vietnam+, ông Phạm Tấn Công, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam cũng chia sẻ, năm 2012, Việt Nam là đối tác lớn thứ hai của Nhật Bản về gia công phần mềm…
Đạt được nhiều thành tựu, song ông Nguyễn Quân cũng cho rằng sự hợp tác này cần phải thúc đẩy hơn nữa để xứng với tiềm năng của hai nước, đặc biệt là hợp tác có trọng tâm trong từng giai đoạn cụ thể.
Đưa ra số liệu hiện Nhật Bản có gần 2.000 dự án đầu tư trực tiếp còn hiệu lực ở Việt Nam với tổng số vốn đăng ký hơn 31 tỷ USD, Bộ trưởng Nguyễn Quân tin tưởng cùng với các chính sách của Việt Nam nhằm khuyến khích đầu tư trong lĩnh vực công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao thời gian tới ngày càng có nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp Nhật Bản chọn Việt Nam làm điểm đến.
Cũng trong khuôn khổ sự kiện, ban tổ chức cũng trưng bày một số kết quả, sản phẩm hợp tác nghiên cứu về khoa học và công nghệ hai nước và giới thiệu một số công nghệ mới… Đặc biệt, chiều nay sẽ diễn ra Lễ khánh thành Trung tâm Ứng dụng công nghệ CAS (tại Trường Chinh, Hà Nội). Đây là Trung tâm ứng dụng công nghệ hệ thống tế bào sống trong bảo quản nông sản thực phẩm và thủy hải sản, một trong những công nghệ hiện đại của Nhật Bản lần đầu tiên được chuyển giao vào Việt Nam.