Phát triển các khu công nghiệp Hải Phòng: Những vấn đề đặt ra – Bài 1

ThienNhien.Net – Nhằm đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 20/NQ-TU ngày 28/5/2008 của Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng về quản lý, đầu tư, xây dựng và hoạt động của các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố, Phó chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Lê Văn Thành vừa kiểm tra thực địa các KCN đang hoạt động. Bên cạnh những kết quả đạt được, nhiều vấn đề đặt ra cần được quan tâm, khắc phục để các KCN phát triển bền vững.

Thúc đẩy công nghiệp hóa

Việc phát triển các KCN gắn liền với quá trình thu hút nguồn vốn FDI trên địa bàn thành phố Hải Phòng. Các KCN đầu tiên đều có sự tham gia của đối tác nước ngoài là Nomura- Hải Phòng, Đồ Sơn, Đình Vũ (thành lập từ những năm 1993, 1997). Đó là bước đi đầu tiên để hình thành nên những KCN tập trung các nhà máy sản xuất công nghiệp nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước về phát triển công nghiệp, xử lý môi trường, phát triển lực lượng lao động chuyên môn hóa cao.

Đến nay, Hải Phòng có 17 KCN được Chính phủ phê duyệt quy hoạch thành lập đến năm 2015, định hướng đến năm 2020. Trong đó, có 4 KCN nằm trong khu kinh tế (KKT) Đình Vũ- Cát Hải; 6 KCN có nhà đầu tư thứ cấp đang hoạt động, 1 KCN đang xúc tiến thu hút đầu tư, một số KCN khác đang san lấp mặt bằng (lấn biển) để xây dựng hạ tầng. Một số KCN do các nhà đầu tư trong nước làm chủ đầu tư như Tràng Duệ, Nam Cầu Kiền, Nam Đình Vũ 1 và Khu phi thuế quan… Các KCN hiện thu hút khoảng 180 doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước (DDI) vào hoạt động với 3,7 tỷ USD và 35.134 tỷ đồng vốn đăng ký đầu tư.

Sự phát triển các KCN góp phần quan trọng vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế thành phố theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Theo Sở Kế hoạch- Đầu tư TP.Hải Phòng, cơ cấu các ngành dịch vụ- công nghiệp và xây dựng- nông, lâm, thủy sản năm 2001 là 47,98% -35,46%- 16,56%. Đến năm 2012, tỷ lệ này là 54%- 37%- 9%. Đó là việc chuyển biến tích cực theo đúng định hướng của thành phố. Riêng khu vực FDI, từ chỗ chưa có gì đến nay chiếm tỷ trọng khoảng 15% GDP toàn thành phố. Tốc độ tăng trưởng trung bình khu vực này trong vòng 10 năm gần đây là 18,7%/năm.

Đáng chú ý là, nguồn vốn đến từ các quốc gia có trình độ công nghệ cao như Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc. Trong tốp 500 doanh nghiệp hàng đầu thế giới có 10 tập đoàn đầu tư vào Hải Phòng là Chevron, Total, General Electric, Metro, Posco, Saint Gobain, LG Electronics, Idemitsu Kosan, Bridgestone, Fuji Xerox. Nhiều dây chuyền, thiết bị tiên tiến được các tập đoàn và các công ty lớn đưa vào hoạt động như Toyota, Bridgestone, Nipro Pharma, GE, Robotech…Từ chỗ trình độ công nghệ thấp và máy móc, thiết bị lạc hậu là chủ yếu, đến nay, trình độ công nghệ của các doanh nghiệp thành phố được nâng lên ở mức trung bình, trong đó, có gần 15% là tự động hóa.

Một góc khu công nghiệp Đồ Sơn
Một góc khu công nghiệp Đồ Sơn

Trình độ lao động tăng

Các doanh nghiệp FDI đầu tư vào các KCN đem đến một trình độ sản xuất mới, chuyên môn hóa, hiện đại hóa cao hơn trình độ sản xuất của các doanh nghiệp trong nước. Cùng với quá trình công nghiệp hóa, trình độ quản lý của đội ngũ cán bộ trong nước được nâng lên qua quá trình làm việc với các doanh nghiệp nước ngoài. Phó trưởng Ban quản lý KKT Hải Phòng Mai Xuân Hòa cho biết, từ chỗ các doanh nghiệp có nguồn vốn FDI trước đây chủ yếu do người nước ngoài lãnh đạo và quản lý, đến nay, hầu hết do người Việt Nam quản lý. Công nhân Việt Nam làm chủ và vận hành thành thạo các thiết bị, công nghệ hiện đại; phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Nhiều doanh nghiệp chỉ còn 1 người nước ngoài tham gia điều hành. Số lao động đang làm việc tại các KCN là 55 nghìn người, trong đó chỉ có vài trăm lao động nước ngoài. Trình độ lao động Việt Nam tốt nghiệp đại học, cao đẳng hoặc qua các trường lớp đào tạo chiếm khoảng 28% tổng số lao động. Số lao động còn lại qua đào tạo tại doanh nghiệp.

Đa số lao động đến từ các huyện ngoại thành Hải Phòng, một bộ phận đến từ các tỉnh lân cận như Thái Bình, Nam Định, Quảng Ninh… Thu nhập trung bình của người lao động ở mức 3,6 triệu đồng/tháng đối với lao động mới vào làm việc, thử việc; lao động có tay nghề khoảng 4-5 triệu đồng/người/tháng; thu nhập của cán bộ quản lý có thể đến 20-30 triệu đồng/tháng. Đối với lao động phổ thông, mức thu nhập không cao nhưng cũng ở mức trung bình so với mặt bằng thu nhập của lao động phổ thông làm việc trong các doanh nghiệp vốn trong nước (DDI) và cao hơn thu nhập từ làm nông nghiệp. Đó là nguyên nhân khiến các KCN thu hút được nhiều lao động. Hầu hết các doanh nghiệp trong KCN, chủ sử dụng lao động chấp hành tương đối đầy đủ các quy định của pháp luật đối với người lao động. Nhiều doanh nghiệp làm ăn hiệu quả và quan tâm hơn đến chế độ phúc lợi cho người lao động, khiến cho người lao động gắn bó hơn với doanh nghiệp.

Cùng với việc nâng cao trình độ tay nghề, đội ngũ người lao động không ngừng nâng cao trình độ nhận thức về chính sách, pháp luật, quyền lợi, xây dựng tác phong làm việc công nghiệp, kỷ luật lao động. Đây cũng là thế mạnh của lao động Việt Nam bên cạnh tố chất “cần cù, chăm chỉ và sáng tạo”…như đánh giá của nhiều lãnh đạo doanh nghiệp nước ngoài khi quyết định đầu tư vào Hải Phòng.

(Còn tiếp)