Kỳ 2: Lo ngại bệnh tật từ nông sản
ThienNhien.Net – Việc sử dụng trực tiếp nguồn nước ô nhiễm trong sinh hoạt hoặc dùng tưới tiêu trong nông nghiệp khiến nguy cơ người dân mắc bệnh tăng ở nhiều vùng ven thủ đô.
Nước giếng bẩn hơn nước ao
Trên địa bàn thị trấn Quang Minh (Mê Linh, Hà Nội) có 137 doanh nghiệp hoạt động trong Khu công nghiệp (KCN) Quang Minh. Ông Lê Văn Hoan, Chủ tịch UBND thị trấn Quang Minh cho hay, các nhà máy bắt đầu về hoạt động ở thị trấn từ năm 2003. Bốn năm trước, rất nhiều doanh nghiệp trong KCN chưa khớp nối hạ tầng xử lý nước thải. Nay còn khoảng gần 30 chục doanh nghiệp.
Nguồn nước bị ô nhiễm, chứa các kim loại nặng như chì, thủy ngân, khi sử dụng để tưới tiêu trong nông nghiệp sẽ làm tăng nguy cơ nông sản nhiễm độc. |
Từ ngày có KCN, nguồn nước ngầm trên địa bàn thị trấn bị ô nhiễm trầm trọng. Ông Vũ Văn Hảo, nguyên Chánh văn phòng UBND huyện Mê Linh kể: Cách đây chục năm, dân làng chỉ cần khoan 10 mét là có nước ngầm trong veo. Giờ nước ngầm khoan lên đen đặc, để một hai hôm là đổi màu. Cách đây mấy năm, tôi mang hai mẫu nước đi xét nghiệm, một nước ao, một nước giếng thì mẫu nước ao có 264 tạp chất trong khi mẫu nước giếng có tới 294 tạp chất. “Người dân bây giờ không dám dùng nước giếng khoan. Hầu hết phải mua máy lọc hoặc mua nước lọc sẵn về dùng”, ông Hảo nói.
Người dân cũng phản ánh tình trạng khí thải từ các nhà máy mạ kẽm làm ảnh hưởng đến sức khỏe. Mới đây nhất, một số hộ dân tổ 6, tổ 7 của thị trấn làm đơn phản ánh tình trạng ô nhiễm của nhà máy bia gây ảnh hưởng đến hệ hô hấp. “Chúng tôi đã báo cáo lên các cơ quan chức năng, còn việc xác định mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe thì phải chờ các cơ quan chức năng”, ông Lê Văn Hoan nói.
Ở xã Liêu Xá (Yên Mỹ – Hưng Yên), gần chục năm trở lại đây, số người mắc bệnh ung thư tăng nhanh. “Vừa cách đây ít hôm, ông V.V.H. ở làng bên qua đời vì ung thư gan”, anh Đoan, người dân địa phương nói.
Theo ghi nhận của Trạm Y tế xã Liêu Xá, số lượng người mất vì ung thư tăng nhanh. Năm 2012 xã có 39 người mất thì có năm người mất vì ung thư. Bốn tháng đầu năm 2013, trong số 19 người mất thì có bảy người mất vì ung thư, chủ yếu là ung thư gan, dạ dày.
Ông Lưu Đình Linh, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Liêu Xá cho hay: “Số người đang mắc ung thư cũng khá cao. Không rõ có phải do ảnh hưởng của môi trường không nhưng từ khi các nhà máy công nghiệp về đây, số lượng người mắc và mất vì ung thư tăng mạnh. Chúng tôi mong có cơ quan chức năng về đây nghiên cứu và giúp đỡ người dân”.
Mới đây, Viện Y học lao động và Vệ sinh môi trường (Bộ Y tế) công bố kết quả xét nghiệm sàng lọc của 109 trường hợp là trẻ dưới 10 tuổi trong thôn Đông Mai, Chỉ Đạo (Văn Lâm, Hưng Yên), một làng tái chế chì. 100% mẫu máu xét nghiệm đều có hàm lượng chì vượt quá giới hạn bình thường từ 2 đến 7 lần.
Nông sản có nguy cơ nhiễm độc cao
Một số nghiên cứu y tế đối chứng của các nhà khoa học Việt Nam về tác động sức khỏe ở các vùng ô nhiễm cho thấy, tại những khu vực ô nhiễm, tỷ lệ người mắc bệnh cao hơn hẳn vùng khác. Việt Nam cũng đã xuất hiện những làng ung thư, ông Hoàng Dương Tùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên & Môi trường) cho hay.
Báo cáo quốc gia về môi trường khu công nghiệp Việt Nam chỉ ra mối lo ngại liên quan đến chuỗi tác động từ nước thải ô nhiễm đến nông sản và sức khỏe: Nguồn nước bị ô nhiễm, chứa các kim loại nặng như chì, thủy ngân, khi sử dụng để tưới tiêu trong nông nghiệp sẽ làm tăng nguy cơ nông sản nhiễm độc. Qua đó tác động đến sức khỏe con người. Nhiều căn bệnh chết người xuất hiện trên thế giới thông qua chuỗi tác động như thế.
Trong khi đó, theo ông Hoàng Dương Tùng, hàng loạt hệ thống sông hồ, kênh mương ở Việt Nam đang phải đối mặt với ô nhiễm do nước thải công nghiệp, nước thải sinh hoạt.
Thực tế các nghiên cứu ở Việt Nam cũng chỉ ra nhóm bệnh về đường ruột, dạ dày, hô hấp là những nhóm bệnh phổ biến nhất ở các vùng ô nhiễm. Ngân hàng thế giới ước tính, Việt Nam sẽ thiệt hại 780 triệu USD mỗi năm trong các lĩnh vực sức khỏe cộng đồng vì ô nhiễm môi trường.