ThienNhien.Net – Theo số liệu thống kê, trong sáu tháng đầu năm nay, toàn tỉnh đã có hơn 645 ha đất rừng bị người dân lấn chiếm trái phép, trong đó địa phương có diện tích rừng bị lấn chiếm nhiều nhất là huyện Tuy Đức với hơn 222 ha, huyện Đác Glong hơn 137 ha, huyện Đác Song hơn 133ha…
Theo đó, từ đầu năm đến nay, tình trạng phá rừng và lấn chiếm đất rừng trái phép trên địa bàn tỉnh vẫn diễn biến phức tạp. Đây là thông tin được Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đác Nông cho biết ngày 20/6.
Nguyên nhân đất rừng bị người dân lấn chiếm trái phép nhiều là do trong thời gian qua, mặc dù UBND tỉnh Đác Nông đã chỉ đạo các ngành chức năng xử lý nghiêm các địa phương, đơn vị, cá nhân và các chủ rừng để mất rừng, đất rừng bị lấn chiếm nhưng trên thực tế việc xử lý chưa nghiêm theo đúng sự chỉ đạo của tỉnh.
Hầu hết các địa phương, đơn vị, chủ rừng để mất rừng, đất rừng bị lấn chiếm với diện tích lớn trong thời gian qua như các huyện Tuy Đức, Đác Glong, Đác Song, Krông Nô; các công ty lâm nghiệp như Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Quảng Tín, Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Quảng Sơn, Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Thuận Tân, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Gia Nghĩa, Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Đác N’tao, Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Nam Nung, và kể cả lực lượng kiểm lâm cũng chỉ bị phê bình, nhắc nhở rút kinh nghiệm là chính hoặc xử lý nặng nhất cũng ở mức khiển trách. Chính vì vậy nên chưa nâng cao được trách nhiệm của lãnh đạo các địa phương, doanh nghiệp, các chủ rừng và lực lượng kiểm lâm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng cũng như giáo dục, răn đe chung.
Đơn cử, mới đây lực lượng kiểm lâm tỉnh đã xử lý kỷ luật 31 cán bộ, công chức, trong đó có chín người giữ các chức vụ hạt trưởng, hạt phó hạt kiểm lâm các huyện và 22 kiểm lâm viên khác liên quan đến việc để mất rừng và vận chuyển gỗ trái phép trên địa bàn. Tuy nhiên, trong số đó chỉ có một cán bộ kiểm lâm bị xử lý kỷ luật ở mức khiển trách, còn lại đều ở mức rút kinh nghiệm.
Chính việc “trên bảo dưới không nghe” này mà công tác quản lý, bảo vệ rừng ở Đác Nông hiện nay vẫn gặp rất nhiều khó khăn, bình quân mỗi năm có hàng trăm ha rừng tự nhiên bị “xóa sổ” và hàng nghìn ha đất rừng bị người dân lấn chiếm trái phép.