Kỳ II: Cuộc chiến “treo”
ThienNhien.Net – Ít nhất đã có 2 cuộc hội thảo, tập huấn chống buôn bán, tiêu thụ động thực vật hoang dã (ĐTVHD) trái phép do Ban Tuyên giáo T.Ư phối hợp với Mạng lưới Theo dõi buôn bán ĐTVHD toàn cầu (TRAFFIC) và Quỹ Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) tổ chức quy mô kể từ năm 2009 đến nay. Hội thảo, tập huấn có đích đến rõ ràng là ngăn chặn săn bắn, tiêu thụ trái phép ĐTVHD, trong đó sừng tê giác (STG) luôn là đề tài nóng bỏng.
Theo báo cáo kết quả chiến dịch truyền thông thay đổi hành vi người tiêu dùng đối với các sản phẩm động vật hoang dã (ĐVHD) do TRAFFIC và WWF phát động, công bố tại hội thảo ngày 12/8/2009 ở Gia Viễn, Ninh Bình: 2 nhóm đối tượng sử dụng sản phẩm ĐTVHD nhiều nhất ở Hà Nội là cán bộ Nhà nước và doanh nghiệp.
Như chúng tôi đã đề cập, ngoài giới tầng trọc phú, một bộ phận không nhỏ quan chức Nhà nước đang là đối tượng đe dọa trực tiếp đến an nguy của ĐVHD. Tâm lý “trưởng giả” trong một bộ phận quan chức dẫn đến thói quen bệnh hoạn là thích ăn uống, đãi đằng nhau bằng ĐVHD. Không ít quan chức tha hóa thường khoe khoang vừa “tìm” được, “mua” được, hay vừa được ai đó “biếu” chiếc STG trị giá vài chục ngàn USD.
Nhu cầu tiêu thụ thịt ĐVHD và sản phẩm của chúng trở thành vấn nạn nhức nhối ở Việt Nam vài thập kỷ nay. Để giải quyết vấn nạn này, ngày 8/6/2010, Ban Tuyên giáo T.Ư ban hành Hướng dẫn số 109-HD/BTGTW gửi các cấp ủy Đảng chỉ đạo hệ thống chính trị, cộng đồng xã hội tuyên truyền việc thực hiện “tiêu dùng bền vững ĐTVHD”. Hướng dẫn đặt ra 2 yêu cầu: “Tuyên truyền rộng rãi việc tiêu dùng bền vững ĐTVHD đến mọi đối tượng, đặc biệt là các cán bộ lãnh đạo và doanh nhân. Chỉ đạo xây dựng kế hoạch tuyên truyền việc thực hiện tiêu dùng bền vững ĐTVHD và các giải pháp cụ thể, phù hợp với thực tế của địa phương, đơn vị; chỉ đạo hệ thống chính trị, cộng đồng xã hội thực hiện”.
Hướng dẫn của Ban Tuyên giáo T.Ư xác định rõ đối tượng cần “đả thông tư tưởng” là cán bộ lãnh đạo và tầng lớp doanh nhân. Tuy nhiên, tại chương trình tập huấn cho các nhà báo chống buôn bán ĐVHD tổ chức tại Ninh Bình ngày 18/10/2012, đại diện TRAFFIC vẫn đưa ra những con số rất đáng lo ngại về “đường đi” của STG vào Việt Nam.
Theo TRAFFIC, trong 3 năm từ 2007 – 2010, có 657 STG xuất nhập khẩu hợp pháp từ Nam Phi vào Việt Nam nhưng số liệu ghi chép trên thực tế từ cơ quan chức năng thực thi Công ước Buôn bán quốc tế các loài ĐTVHD nguy cấp (Cites Việt Nam) chỉ ghi nhận được 170 chiếc. Ít nhất, đã có 2 triệu USD tiền thuế không vào túi Nhà nước Việt Nam do thất thoát đến 74% số STG Nam Phi nhập khẩu vào Việt Nam trong thời gian này.
Tháng 8/2012, trong Hội thảo “Thúc đẩy truyền thông góp phần đẩy lùi nạn buôn bán ĐVHD trái phép” ở Hà Tĩnh, TS Ông Vĩnh An (Đại học Vinh) đề cập đến lợi nhuận khổng lồ từ kinh doanh ĐVHD và các sản phẩm của nó. Lợi nhuận này ước tính vào khoảng 4,2 tỷ USD/năm. Giới thượng lưu sẵn sàng chấp nhận bất cứ mức giá nào để có được các món như STG, cao hổ cốt…
Giới thượng lưu mà ông An đề cập chủ yếu là quan chức và doanh nhân. Sự hợm hĩnh trong tiêu tiền và bệnh hoạn trong tâm lý của những người này khiến hiệu quả của công tác tuyên truyền của Ban Tuyên giáo T.Ư chưa thể như mong đợi. Cuộc chiến không cân sức giúp loài tê giác thoát khỏi thảm hoạ ngàn cân treo sợi tóc còn lơ lửng trên văn bản, giấy tờ.
Một chỉ huy cao cấp của lực lượng cảnh sát Nam Phi cho biết, 80% kẻ buôn bán STG bị bắt giữ tại Nam Phi là người Việt Nam. Thông tin từ vị chỉ huy cảnh sát nói trên là có thể tin cậy, vì chỉ trong vòng hơn 20 ngày đầu tháng 5/2013, ít nhất đã có 3 vụ vận chuyển STG (hoặc nghi là STG) qua đường hàng không từ Nam Phi về Việt Nam bị phát hiện.
Theo các nguồn tin: Ngày 4/5/2013, Hải quan Sân bay Tân Sơn Nhất phát hiện 1 khách Việt Nam từ Nam Phi về, giấu dưới đáy va ly 7kg STG. Ngày 6/5/2013, tại Sân bay Nội Bài, 3 hành khách Việt Nam bay từ Doha (Quatar) trên chuyến bay QR 614 về, đã mang theo hành lý ký gửi 19 miếng sừng (tổng trọng lượng trên 2kg). Ngày 20/5/2013, Hải quan Sân bay Tân Sơn Nhất phát hiện 5kg STG do một hành khách Việt Nam đem về từ nước ngoài. Tháng 2/2013, tại Sân bay Maputu của Mozambique, cảnh sát bắt giữ 1 người Việt Nam cất giữ 6 STG có trọng lượng khoảng 17kg. Cảnh sát dự đoán, nếu đem số sừng này trót lọt vào Việt Nam, số tiền bán nó có thể lên đến 1,1 triệu USD (khoảng 65.000 USD/kg)…
Buôn lậu STG từ Nam Phi về Việt Nam đang có gam màu nóng. Trong khi đó, báo chí – công cụ đắc lực của Ban Tuyên giáo T.Ư cũng chỉ dừng ở mức phản ánh thông tin ngày giờ, địa điểm, tên tuổi (viết tắt) của kẻ vận chuyển nào đó vừa bị cơ quan thực thi pháp luật phát hiện cùng với vài chiếc (hay vài kg) STG. Đến nay, chưa có “ông trùm” tầm cỡ nào của Nam Phi và Việt Nam bị đưa ra phán xử trước tòa án. Thực tế này khiến những kẻ buôn lậu ĐVHD nói chung và STG nói riêng, tỏ ra “tự tin”, khinh nhờn pháp luật. Ai cũng hiểu cơ quan thực thi pháp luật luôn dành sẵn cho mình chiếc còng số 8 – nếu buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ trái phép STG, nhưng chiếc sừng vẫn như có ma lực lôi cuốn mọi trọc phú ngay cả khi đã về chầu tiên Tổ.
Đó đây, trong các cuộc cúng tế, đốt vàng mã cho người cõi âm – cùng với nhà cao cửa rộng, ngựa, xe, mỹ nữ – có gia đình đốt nguyên cả mâm… STG.
WWF nhận định Việt Nam đang là một trong những quốc gia tiêu thụ STG lớn nhất. Bằng thẻ màu đỏ, WWF xếp Việt Nam vào danh sách quốc gia đáng lo ngại nhất trong thực thi cam kết Cites đối với 2 loài tê giác và hổ. |
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát: Đấu tranh với các tội phạm vi phạm chế độ quản lý ĐTVHD, đặc biệt là những loài nguy cấp, quý, hiếm, trong đó có tê giác và sản phẩm của chúng, luôn được cơ quan chức năng của Việt Nam quan tâm. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Nước và Môi trường Nam Phi – bà Edna Moleva: Các cơ quan chức năng của Nam Phi rất mong nhận được sự phối hợp chặt chẽ của các đối tác phía Việt Nam để sớm ngăn chặn tình trạng buôn bán trái phép STG từ Nam Phi về Việt Nam.(Phát biểu của Bộ trưởng Nam Phi, Việt Nam tại lễ ký văn bản thỏa thuận nhằm tăng cường thực thi pháp luật và giải quyết vấn đề buôn bán trái phép các loài hoang dã, trong đó có STG ngày 10/12/2012). |