Chống săn bắt, buôn bán, tiêu thụ sừng tê giác ở Việt Nam: Cuộc chiến thiếu Tổng Tư lệnh – Kỳ I

Kỳ I: Nguy cơ từ trọc phú

ThienNhien.Net – “Việt Nam đang là quốc gia tiêu thụ sừng tê giác (STG) với số lượng lớn nhất và được coi là tác nhân gây ra khủng hoảng săn bắn trộm tê giác ở Nam Phi”. Săn bắn trái phép và tiêu thụ STG ở Việt Nam – “quốc gia từng có loài tê giác sinh sống” đang thách thức những nỗ lực thực thi pháp luật của Việt Nam và Nam Phi. Đã có nhiều động thái ngăn chặn được đưa ra bởi cơ quan thẩm quyền của 2 quốc gia, tuy nhiên việc mua bán, vận chuyển sừng của loài thú ăn cỏ, ăn lá cây hiền lành này vào Việt Nam vẫn tăng một cách không bình thường.

Hàng trăm cá thể tê giác bị săn trộm/năm ở Nam Phi (Ảnh: dailymail.co.uk)
Hàng trăm cá thể tê giác bị săn trộm/năm ở Nam Phi (Ảnh: dailymail.co.uk)

Đối tượng đẩy loài tê giác Nam Phi nhanh chóng đến bờ vực tuyệt chủng là giới trọc phú Việt Nam – được Từ điển mở Wiktionary định nghĩa bằng cụm từ ngắn gọn: Người giàu có mà dốt nát. 

Ở Thủ đô Hà Nội, bạn muốn tìm mua STG thì hãy đến những phố chuyên bán thuốc Đông y. Tại các cửa hiệu, chỉ cần bỏ chút thời gian, bạn sẽ có dịp chứng kiến cuộc bàn bạc giá cả giữa những người sang trọng với chủ cửa hàng về món hàng STG. Nếu không phải là người rất thừa tiền thì không ai dám mơ đến chuyện tìm mua mẩu STG về làm thuốc với giá từ 95 – 100 triệu đồng/gam.

Người Việt Nam có truyền thống báo hiếu ông bà, cha mẹ và hình như cách mà những người giàu có, săn lùng gắt gao STG cũng được giải thích bằng lý do rất dễ thông cảm là “mua làm thuốc cho ông cụ (hay bà cụ)” ở nhà!

Chưa có gì chứng minh rõ ràng công dụng thần kỳ của STG, nhưng tài liệu Đông y ghi chép như sau: “STG được sử dụng trong gần 70 bài thuốc cổ dùng để trị các chứng viêm nhiệt, sốt cao, vật vã, mê sảng, co giật, phát cuồng, cầm máu, cường dương… Một số trường hợp ung thư bạch cầu, viêm não Nhật bản được điều trị phối hợp STG và dùng trong việc hạn chế tác dụng phụ sau các đợt hóa trị liệu, chiếu tia xạ điều trị ung thư…”.

Tang vật một vụ vận chuyển STG từ Nam Phi về Việt Nam qua đường hàng không bị phát hiện tháng 5/2013
Tang vật một vụ vận chuyển STG từ Nam Phi về Việt Nam qua đường hàng không bị phát hiện tháng 5/2013 – Ảnh do Hải quan TP.HCM cung cấp (Nguồn: Thanh Niên)

Việt Nam là thị trường chính tiêu thụ STG hay chỉ là “quốc gia trung chuyển”? Trong khi câu trả lời từ phía cơ quan thẩm quyền cùng cá nhân có trách nhiệm ở Việt Nam còn chưa chắc chắn thì vào tháng 3/2013, nhà báo Justin Mott (Công ty Ảnh thời sự Mott Visuals – Mỹ) và nhà báo Angus Walker (Kênh Truyền hình ITV – Anh) đã đến Hà Nội vào 2 thời điểm khác nhau nhưng với cùng một mục đích ghi lại những gì mắt thấy tai nghe tại các cửa hiệu trên các tuyến phố bán thuốc Đông y nổi tiếng. 

Ở phố Thuốc Bắc – Lãn Ông, Justin Mott chứng kiến những cuộc mua bán gần như công khai STG. Sừng được chào bán với giá từ 90 – 130 triệu đồng/gam (từ 4.600 đến trên 6.100 USD). Người phóng viên ảnh xông xáo này vô cùng ngạc nhiên với việc chi tiền không tiếc tay của những người giàu vào mẩu STG được khoa học hiện đại kết luận là chỉ có chất sừng như móng tay của con người!

Phóng viên Kênh Truyền hình ITV Angus Walker còn gặp cả kho STG tại nhà một tay buôn hàng cấm. Dù ít nhiều đoán được Angus Walker là nhà báo, tay buôn nói trên vẫn không ngần ngại khoe với anh những chiếc STG với lời hứa hẹn luôn có sẵn từ vài kg đến vài chục kg đáp ứng nhu cầu của người mua!

Về giá cả, Angus Walker được tay buôn đưa ra con số 160 triệu đồng (tương đương 5.000 bảng Anh) cho 1 gam STG.

Dạo quanh đường phố của Hà Nội, ống kính của Angus Walker ghi lại các loại thuốc làm từ STG được cho là chữa được cả bệnh ung thư. Cũng như phóng viên ảnh người Mỹ, Angus Walker kinh ngạc vô cùng trước sản phẩm thuốc chữa bệnh chứa bột STG bán khắp nơi với giá chỉ từ 1 triệu đồng/viên mà không có nhà chức trách nào can thiệp. Dù rất thận trọng, Angus Walker buộc phải đưa ra nhận định: “Mọi thành phần xã hội đều dễ dàng mua viên thuốc chữa bệnh từ STG. Thuốc được sử dụng rộng rãi, khiến Việt Nam trở thành nơi gia tăng nhanh chóng các vụ buôn lậu và săn bắn trộm STG ở tận Nam Phi cách xa nửa vòng trái đất”.

Y học phương Đông ghi chép tường tận công hiệu chữa trị đủ loại bệnh – từ đơn giản đến nan y của STG. Tuy nhiên, các ghi chép mới nhất vẫn phải thừa nhận: “Khoa học ngày nay cũng chỉ xác định được một số chất chứa trong sừng như keratin, canxicarbonat, canxiphotphat, acid amin, nước chiết có phản ứng alcaloid; chưa phát hiện được hoạt chất tác dụng”.

Tháng 2/2013, khi phát đi thông điệp “Nói không với STG trong dịp Tết”, Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) dẫn lời tiến sỹ Naomi Doak – điều phối viên TRAFFIC (Mạng lưới Theo dõi việc buôn bán động thực vật hoang dã toàn cầu) Đông Nam Á. Theo Naomi Doak, “nhu cầu về STG đang gia tăng trên toàn châu Á, đặc biệt là Việt Nam. Nhu cầu này đẩy nạn săn trộm tê giác châu Phi thành một cuộc khủng hoảng. Có nhiều loại thuốc y học cổ truyền được chứng minh tác dụng chữa các loại bệnh, cứu được sinh mạng của nhiều triệu người nhưng STG không nằm trong số này”.

Không phải bất cứ người nào trong số gần 90 triệu người Việt Nam cũng dám mơ tưởng đến việc mua 1 mẩu nhỏ STG. Số vụ buôn lậu STG vào Việt Nam liên tục tăng từ năm 2009 đến nay là để thỏa mãn tâm lý tiêu tiền bệnh hoạn của giới giàu có nhưng thiếu kiến thức, thiếu gốc rễ văn hóa, được dân gian xưa ví von bằng 2 chữ trọc phú. Trong số những người giàu này, có cả một bộ phận không nhỏ công chức, quan chức Nhà nước.

Tê giác đen là đối tượng bị săn lùng ráo riết để lấy sừng. Uớc tính có vài chục ngàn tê giác đen sống ở châu Phi vào khoảng những năm 1900 nhưng đến đầu thập niên 1990 thì giảm xuống còn dưới 2.500 con và cho đến năm 1995, chỉ còn 2.410 tê giác đen còn sống sót.

(Nguồn: Bách khoa Toàn thư mở Wikipedia)  

Theo thống kê, số tê giác bị săn trộm năm 2012 là 668 con. Từ đầu năm 2013 đến nay đã có thêm 203 con bị giết hại. Các nhà bảo vệ động vật cảnh báo nếu không có biện pháp bảo vệ hữu hiệu, số tê giác bị săn trộm trong cả năm 2013 sẽ là hàng nghìn con. Hàng trăm cá thể tê giác bị săn trộm hàng năm ở Nam Phi, sừng của chúng bị cắt và buôn lậu để đáp ứng nhu cầu đang gia tăng ở Việt Nam… Các tập đoàn châu Á được coi là đứng sau những vụ này và những kẻ vận chuyển được trả tiền để buôn lậu sừng tê giác từ châu Phi sang châu Á, đến tay những người giàu.

(Nguồn: TRAFFIC)